Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đá ông Tà Bến Củi
Thứ tư: 08:27 ngày 13/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện đá được đặt tại vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ chính, nơi mà trong các ngôi đình Việt thường đặt đại tự chữ thần tượng trưng cho vị thành hoàng.

Đây là cách gọi của những người cao tuổi ở ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu về tảng đá được thờ trong miếu ông Tà Bến Củi. Không gọi là ông Đá, ông Tà, mà chỉ là Đá ông Tà. Nhìn bề ngoài, đá giống như một tảng đá granite (đá xanh), có hình trụ tròn hơi hẹp. Một đầu đá hơi tròn, đầu kia phẳng.

Hiện đá được đặt tại vị trí trang trọng nhất trên bàn thờ chính, nơi mà trong các ngôi đình Việt thường đặt đại tự chữ thần tượng trưng cho vị thành hoàng. Đá cao 70cm, bề ngang nơi lớn nhất là 35cm, được đặt đứng, đầu phẳng làm đế. Bề mặt đá hơi xù xì thô nhám. Có nhiều huyền thoại về đá, được lưu truyền từ thời lưu dân đi mở đất lập làng.

Ban thờ Đá ông Tà.

Theo ông Đặng Thành Lập- Phó Ban Quản lý miếu thì đá đã có từ thời ông cố của ông là cụ Đặng Văn Liễu về vùng đất ấp 1, Bến Củi làm ăn sinh sống. Cụ Liễu sinh năm 1830, mất vào năm 1930. Cụ đến ấp 1 khi 25 tuổi, tức là vào năm 1855. Chi tiết này được xác nhận do kèm với sự kiện lịch sử. Đấy là 3 năm sau khi cụ Liễu vào Bến Củi thì liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên bắn vào Đà Nẵng (1858).

Theo tác giả Phí Thành Phát, trong bài “Tiền hiền Đặng Văn Trước và những đóng góp của họ Đặng ở Tây Ninh (Tây Ninh Đất và Người, Nxb Thanh niên, năm 2020), thì: “Dòng họ Đặng đã đặt chân lên khu vực Bến Đồn (ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng)… từ rất sớm, từ thời ông nội là cụ Đặng Thế Thôi, thân phụ là cụ Đặng Thế Phá của Đặng Văn Trước.

Dòng họ Đặng có nguồn gốc từ Quy Nhơn (Bình Định) thuộc trấn Quảng Nam, đến vùng đất Quang Hoá này sinh sống, khai hoang lập nghiệp, tạo lập thôn ấp. Từ đây, tại đồn Thanh Lưu (thành bảo Bến Đục- TV) hình thành một căn cứ phòng thư quan trọng của triều đình ở mạn thượng nguồn sông Sài Gòn, thường gọi là Bến Đồn, cũng chính là quê gốc của tộc họ Đặng tại Tây Ninh…”.

Quê gốc Bến Đồn, lại có đồn bảo Thanh Lưu, nơi trọng yếu của phu Tây Ninh và thành Gia Định, nên, từ đây khi miền đất này đã phát triển, con người sinh sôi đông đúc. Cũng không lạ gì việc một chi họ Đặng ngược dòng sông Sài Gòn tìm những vùng đất mới.

Và ấp 1, Bến Củi chính là nơi cụ Đặng Văn Liễu cùng gia đình chọn làm nơi ổn cư, lập nghiệp lâu dài. Ông Đặng Thành Lập còn nhớ những chuyện lưu truyền từ thời các cụ để lại. Đấy là khi tới đây, mới 25 tuổi, cụ Liễu vào rừng bỗng gặp cục đá to bằng chiếc gối ôm, nằm kẹt giữa 2 nhánh của một gốc cây lộc vừng.

Đêm nằm trong nóng sốt mê man, lại thấy “ông” đạp đồng về tự xưng là ông Tà Sái. Đến khi tỉnh lại, cụ Liễu nghĩ có thể mình bị quở trách gì đây! Vậy là anh em mới xúm lại lập một ngôi miếu nhỏ, rinh cụ đá về thờ. Ban đầu miếu chỉ làm bằng 4 cây cột lục, dựng vài phên tre, lợp mươi tấm lá.

Đến khi Pháp chiếm Bến Củi lập đồn cao su những năm đầu thế kỷ 20, chủ đồn điền mới cho gạch, ngói, xi măng và vài tấm tôn xây miếu. Miếu ông Tà có tiếng là linh. Ai mất trâu bò, tới thắp nhang van vái là lại tìm thấy. Ai ốm đau sơ sơ cũng vậy, tới vái cúng thắp nhang là hết bệnh. Dần dà, có rất đông người dân trong ấp 1 tới cúng miễu ông Tà vào mùng 7 tháng Giêng (âm lịch).

Từ đây, có vài câu chuyện nghe như huyền thoại. Chuyện thứ nhất là chuyện có ông thầy pháp ở Đôn Thuận tên thầy Dẹp. Nghe đồn đại về Đá ông Tà linh thiêng, ông bèn đánh xe bò tới trong đêm khuya vắng, ăn trộm Đá ông Tà. Ai ngờ, xe về đến hố Bà Tùng thì gãy ví (dí). Đá lăn ra rừng cây, còn ông thầy bỏ về nhà. Ngay trong đêm đó, đá tự lăn về ngôi miếu cũ.

Đá ông Tà Bến Củi.

So sánh với trụ thờ ông Tà ở Đồng Tháp, một tỉnh miền Tây Nam bộ (qua tác phẩm Văn nghệ dân gian Đồng Tháp), có thể thấy những nét tương đồng. Trần Thanh Hà ghi rằng: “ông Tà được thờ trên bọng cây, nếu đứa trẻ nào đó bướng bỉnh, cắc cớ, ném ông xuống ruộng, nhất định vài hôm sau, ông sẽ trở về chỗ cũ…”.

Còn Lê Kim Hoàng lại kể: “Khoảng những năm 50 trở về trước thế kỷ. Bà con lập miếu thờ. Ông Tà ở đây linh lắm! Trẻ con bị bệnh, đến lễ khấn ông Tà thì khỏi bệnh. Người trong xóm và vùng lân cận, khi có việc thì cầu khẩn ông Tà, sẽ tai qua nạn khỏi, gặp nhiều may mắn…”. Tượng trưng cho ông Tà ở đây cũng là các hòn đá tròn hay bầu dục: “Ông Tà còn được trùm lên một tấm vải đỏ. Ông Tà màu đen tức âm, phủ vải đỏ tức dương, hai yếu tố âm dương hoà hợp, cân bằng, tạo nên sinh khí…” v.v

Đá ông Tà ấp 1, Bến Củi còn đặc biệt hơn nữa, nhờ một huyền thoại. Ông Đặng Thành Lập và một số vị cao tuổi sống ở ấp 1 quả quyết là: - Đá ông Tà vẫn lớn lên. Vì theo lời các cụ cố và nội kể lại, ban đầu Đá chỉ bằng chiếc gối ôm trẻ em, tức là dài khoảng 50cm và đường kính khoảng 15cm. Vậy mà nay đá đã có kích thước tương ứng là 70cm và 35cm.

Khu mộ của dòng họ Đặng- Bến Củi chỉ cách ngôi nhà ông Lập vài chục mét. Vẫn còn đây bia mộ bằng đá xanh trên nấm đất nhỏ của cụ tổ Đặng Văn Liễu, người tới đây từ năm 1855 và khai sinh miếu ông Tà. Trầm ngâm bên bia mộ xù xì, thô sơ, ông Lập nhớ lại năm 1965 đầy gian khổ và đau thương trên quê hương Bến Củi.

Ông bảo, năm ấy dân ấp 1 phải chạy dạt sang Dầu Tiếng, vì Bến Củi bị Mỹ nguỵ biến thành vùng trắng, bom đạn tơi bời. Từ đây lên miếu chỉ hơn 200m thôi, mà khi trở về đếm tới 4 hố bom, trong đó có cả loại bom đìa tạo lỗ hang sâu hút. Vậy mà mộ cụ Tổ và miếu ông Tà vẫn còn nguyên vẹn.


Khu nhà ở của người Pháp ở đồn điền cao su Bến Củi 1930.

Từ miếu nhìn sang, phía Đông-Nam, còn thấy một vùng cây cao trùm lên nơi là gò tháp cổ. Gò cách miếu chỉ gần 300m. Vậy chỉ trong một khu tam giác mỗi chiều 300m này thôi, Bến Củi vẫn lưu giữ trong lòng đất tháp xưa ngàn năm tuổi. Thật đáng để các cơ quan quản lý văn hoá lưu tâm, nghiên cứu ghi danh vào di tích lịch sử-văn hoá ở tỉnh nhà.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục