Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dự thảo chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông:
Đa số ý kiến tán thành
Thứ sáu: 09:24 ngày 12/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành thông tư dự thảo quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học để lấy ý kiến của cán bộ, giáo viên. Khi được thông qua, thông tư này sẽ thay thế Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT năm 2009 của Bộ GD&ĐT.

Số tiết dạy không thay đổi

Theo dự thảo, thời gian làm việc của giáo viên thực hiện theo năm học, được quy đổi thành tiết dạy trong một năm học hoặc tiết dạy trung bình trong một tuần. Thời gian làm việc của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định về thời giờ làm việc bình thường, bao gồm cả thời gian thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, bảo đảm tuần làm việc 40 giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Việc phân công, bố trí nhiệm vụ cho giáo viên phải bảo đảm quy định về định mức tiết dạy, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, công bằng giữa các giáo viên trong cùng trường.

Căn cứ vào thực trạng đội ngũ, kế hoạch của nhà trường và quy định định mức tiết dạy trong một năm học, hiệu trưởng phân công nhiệm vụ giáo viên với định mức tiết dạy trung bình trong một tuần. Trường hợp phải phân công giáo viên dạy nhiều hơn định mức tiết dạy trung bình trong một tuần (bao gồm cả các tiết dạy quy đổi đối với các nhiệm vụ kiêm nhiệm) thì số tiết dạy vượt quá không lớn hơn 25% định mức tiết dạy trung bình trong một tuần.

Giáo viên tiểu học trong giờ dạy.

Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá hai nhiệm vụ. Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.

Giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên ở cấp học nào thì thực hiện định mức tiết dạy quy định đối với giáo viên ở cấp học đó.

Đối với các nhiệm vụ chuyên môn khác chưa được quy định chế độ giảm định mức tiết dạy thì hiệu trưởng căn cứ vào mức độ phức tạp, khối lượng công việc để quy đổi tiết dạy đối với các hoạt động chuyên môn đó sau khi có ý kiến nhất trí của cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp.

Thời gian làm việc trong năm học của giáo viên phổ thông là 42 tuần. Trong đó, 37 tuần dành cho việc giảng dạy các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, bao gồm 35 tuần thực dạy và 2 tuần dự phòng (dành cho việc hoàn thiện các nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác). Ngoài số tuần nêu trên, trong một năm, giáo viên có 3 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 2 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới và tổng kết năm học.

Thời gian nghỉ của giáo viên gồm: thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Trường hợp giáo viên nữ có thời gian nghỉ thai sản trùng thời gian nghỉ hè hằng năm mà thời gian nghỉ hè hằng năm còn lại (nếu còn) ít hơn thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động, thì giáo viên được bố trí nghỉ thêm một số ngày bảo đảm tổng số ngày nghỉ bằng số ngày nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động. Trường hợp giáo viên nam được nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong thời gian nghỉ chế độ, giáo viên nam được tính dạy đủ định mức tiết dạy theo quy định và không phải dạy bù. Trường hợp thời gian nghỉ chế độ thai sản khi vợ sinh con của giáo viên nam trùng với thời gian nghỉ hè thì không được nghỉ bù.

Định mức tiết dạy trung bình trong 1 tuần: giáo viên trường tiểu học: 23 tiết; giáo viên trường trung học cơ sở: 19 tiết; giáo viên trường trung học phổ thông: 17 tiết; giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học: 21 tiết; giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở: 17 tiết; giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở: 17 tiết; giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông: 15 tiết. Theo quy định, mỗi tuần, hiệu trưởng dạy 2 tiết, phó hiệu trưởng dạy 4 tiết.

Dự thảo còn quy định chi tiết số tiết được giảm đối với giáo viên kiêm nhiệm các chức vụ, vị trí khác trong nhà trường. So với quy định hiện hành, tổng số tiết dạy trong một tuần đối với giáo viên, hiệu trưởng và hiệu phó không thay đổi.

Hiệu trưởng, hiệu phó phải đứng lớp

Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành dự thảo, có hai nội dung được quan tâm nhiều, gồm quy định kiêm nhiệm chức vụ và quy định số tiết dạy đối với hiệu trưởng, hiệu phó ở cấp tiểu học. Có ý kiến đề xuất, đối với cấp tiểu học, không nên quy định hiệu trưởng, hiệu phó phải dạy 2 tiết và 4 tiết mỗi tuần. Bởi vì, đặc điểm chuyên môn cấp học này khác cấp THCS và THPT. Ở cấp tiểu học, một giáo viên dạy nhiều môn, mỗi giáo viên dạy riêng một lớp của mình (trừ một vài môn năng khiếu, thể dục). Do đó, quy định hiệu trưởng, hiệu phó phải dạy đúng chuyên môn ở cấp học này- từ 2 đến 4 tiết là không cần thiết.

Giáo viên tiểu học tập huấn sử dụng SGK lớp 5.

Trao đổi về quy định nêu trên, một vị nguyên phó trưởng phòng GD&ĐT có nhiều kinh nghiệm về công tác quản lý bình luận rằng, Thông tư 28 (đang áp dụng) và cả dự thảo lần này đều “quy định cứng” hiệu trưởng, hiệu phó cấp tiểu học phải dạy 2 tiết và 4 tiết, điều này có phần cứng nhắc, thiếu linh hoạt và không thực tế.

“Quy định như vậy nhưng thực tế ở các trường tiểu học, hiệu trưởng, hiệu phó chỉ chọn dạy “môn phụ”- như thể dục, những môn học không phải môn cơ bản, môn chính. Trong khi ở cấp học này, Tiếng Việt và Toán - những môn học cơ bản nhất, hiệu trưởng, hiệu phó lại ít dạy hoặc không dạy” - vị này nói và cho biết thêm, so với giai đoạn trước đây, quy định hiện nay đối với hiệu phó, hiệu trưởng ở cấp tiểu học không linh hoạt bằng.

Cụ thể, Thông tư 49 năm 1979 cũng quy định hiệu trưởng, hiệu phó phải dạy 2 và 4 tiết/tuần nhưng kèm theo lưu ý: hiệu trưởng, hiệu phó chỉ dạy thay khi có giáo viên trong trường ốm đau hoặc nghỉ thai sản. Điều này có nghĩa, nếu phải dạy thay cho giáo viên thì hiệu trưởng, hiệu phó phải dạy những môn học cơ bản để nắm chắc chương trình giáo dục chứ không phải như hiện nay, dạy theo kiểu đối phó để hợp thức hoá quy định.

Khác với ý kiến vừa nêu, một vị trưởng phòng giáo dục và đào tạo (đương nhiệm) nhìn nhận rằng, quy định hiệu trưởng, hiệu phó dạy từ 2 đến 4 tiết một tuần là đúng và dạy môn nào cũng được. Cấp tiểu học hiện nay có những môn học thời lượng chỉ 2 tiết mỗi tuần, cán bộ quản lý hoàn toàn có thể dạy những môn học đó, không phải xen vào dạy các môn học khác của giáo viên, tức không gây ra xáo trộn gì.

“Hiệu trưởng, hiệu phó thường được phân công tập huấn, chấm thi giáo viên dạy giỏi, nếu không dạy, họ không nắm được chương trình giáo dục và sẽ lạc hậu so với giáo viên. Mặt khác, theo quy định hiện hành, nếu không đứng lớp dạy học, hiệu trưởng và hiệu phó không được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, vì chế độ phụ cấp này chỉ dành cho người trực tiếp đứng lớp” - vị trưởng phòng phát biểu.

Đối với quy định một giáo viên không kiêm nhiệm quá hai nhiệm vụ, nhiều ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý ở Tây Ninh bày tỏ sự tán thành. “Tôi thấy quy định trong dự thảo lần này rất hợp lý, vì trong thực tế, không hiếm trường hợp hiệu trưởng giao cho một giáo viên kiêm nhiệm nhiều hơn hai nhiệm vụ, trong khi có giáo viên, ngoài đứng lớp ra, không phải kiêm nhiệm nhiệm vụ gì. Xét về phân công lao động, điều đó không hợp lý. Giáo viên kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ không còn thời gian đầu tư cho chuyên môn” - một vị trưởng phòng giáo dục và đào tạo phân tích.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục