Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đại án “giải cứu”
Chủ nhật: 23:51 ngày 16/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Viện KSND tối cao nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng.

Gần suốt một tuần qua, Bàn Dân cũng như biết bao người dân nước ta không thể nào không chăm chú theo dõi báo chí, truyền thông đưa tin, tường thuật diễn tiến phiên toà xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” tại TAND thành phố Hà Nội. Đối với tính chất phiên toà này, nếu dùng từ ngữ cũ (nay không còn dùng nữa) có thể gọi là “phiên toà đại hình”, còn các báo hiện nay hầu hết đều dùng cụm từ “xét xử đại án…”.

Người ta viết như thế, ắt mình phải đọc như thế, nhưng Bàn Dân vẫn cảm thấy các cụm từ ấy đều chưa “tương xứng” với “quy mô” vụ án. Bởi lẽ, theo cáo trạng được tuyên đọc tại phiên toà, thì trong tổng số 54 bị cáo có tới 18 bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất: tử hình. Và để bào chữa cho 54 bị cáo có tới 105 luật sư tham gia.

Phiên toà “siêu to” này được đưa ra xét xử những bị cáo can tội rất nặng nề, phạm tội một cách “bất nhân” nhất là đã nhẫn tâm trục lợi, những khoản lợi “khổng lồ” trong khi thực thi chủ trương rất nhân đạo, đầy tình nghĩa đồng bào của Chính phủ là tổ chức các chuyến bay giải cứu đồng bào mình thoát khỏi những nơi đang bị đại dịch Covid-19 hoành hành nặng nề trên khắp thế giới.

Công việc mà không phải nước nào cũng làm được có quy mô rất lớn, được Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao xác định, trong vòng một năm rưỡi, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021 đã có hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao cho biết: “Với chủ trương hướng đến tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng khi vận hành trên thực tế, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ tại các bộ, ngành đã lợi dụng vị trí được giao để nhận tiền, ưu ái cho các doanh nghiệp “đi cửa sau”.

“Kỷ lục” tiêu cực được xác lập khi 21/54 bị cáo phạm tội nhận hối lộ có tới hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp, với tổng cộng gần 165 tỷ đồng”. Viện KSND tối cao nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng; các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Hành vi này đã tạo điều kiện cho “thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân”.

Đưa tin phiên toà trong tuần đầu xét xử, khi tường thuật lời khai của các bị cáo, các báo đã dùng các từ (lời khai) “gây sốc”, “gây bão”, “gây xôn xao dư luận”… để đề cập đến các chi tiết mà báo chí cho là “bất ngờ” tại phiên toà. Thực chất đó chỉ là những cách chối cãi, phủ định các chi tiết đã có trong cáo trạng để tự biện hộ cho hành vi phạm tội của bị cáo.

Về thái độ của các bị cáo trong phần xét hỏi tại toà, Bàn Dân có đọc được một bài nhận định của một tác giả có ghi học vị tiến sĩ, có chức vụ lãnh đạo một tổ chức nghiên cứu về khoa học hành chính trong nước. Theo đó, tác giả nhận xét: “Lời khai của các bị cáo cũng làm rõ hàng trăm tỷ đồng đã được mang đi bôi trơn, lót tay để được cấp phép các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo ra sao; hàng triệu USD mang đi chạy án ở đâu.

Số tiền đưa và nhận hối lộ theo lời khai trước toà của các bị cáo thực sự là những con số biết nói. Và nghe những lời khai của những người từng là cán bộ giữ những cương vị quan trọng, dư luận một phần thấy hài hước, phần nào cảm thấy thất vọng”.

Tiếp theo đó, tác giả đã liệt kê những lời khai của một số bị cáo phạm tội nhận hối lộ là cựu quan chức một số đơn vị Trung ương, địa phương mà tác giả cho là “khôi hài” như các lời khai: “Bị cáo không nhận thức được nhận tiền là vi phạm pháp luật”, “Khi mở quà ra bị cáo biết là tiền, bị cáo hơi hoảng.

Bị cáo liên hệ trả lại nhưng bị từ chối. Bị cáo đã sai lầm khi không kiên quyết trả lại”, “Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận”, “Bị cáo nhận 42 tỷ đồng và không chia cho ai, đem đầu tư đất đai”; hay một bị cáo phạm tội môi giới hối lộ, có tới hơn 10 lần khai rằng “rất thương người mà phạm tội môi giới hối lộ” với số tiền môi giới là 2,65 triệu USD, tương đương gần 62 tỷ đồng…

Tuy nhiên khi đọc những lời khai được nêu ra trong bài, Bàn Dân không cảm thấy “khôi hài” chút nào, đồng thời lại cảm thấy khó hiểu từ “thất vọng” của tác giả bài báo nọ. Rõ ràng những lời khai nhằm chạy tội của các bị cáo không thể “gây cười” cho bất cứ ai, mà chỉ gợi lên sự căm phẫn đối với những kẻ trục lợi trên nỗi đau, sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, của đồng bào mình. Càng cảm thương nỗi khổ đau của người dân trong đại dịch bao nhiêu, thì ta càng cảm thấy căm phẫn đối với hành vi phạm tội của các bị cáo trong phiên toà xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” bấy nhiêu!

Bàn Dân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh