Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 21.6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận
Góp ý về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp. Vì theo đại biểu, dự thảo Luật tập trung vào tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, trong khi tên gọi là "Luật Tư pháp người chưa thành niên". Như vậy, nội dung và phạm vi điều chỉnh hẹp hơn so với bản chất và chuẩn mực quốc tế về tư pháp người chưa thành niên.
Về quy trình xử lý chuyển hướng, đại biểu Thuý ủng hộ ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên có thể bị thay đổi biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc, nhất là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không bị tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp phạm tội mới.
Theo đại biểu, quy định này bảo đảm chính sách hình sự nhất quán, bao trùm, hướng đến mục đích giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, thay đổi nhận thức, cải thiện hành vi, khắc phục những hạn chế của tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.
Đại biểu Thuý không ủng hộ quan điểm trường hợp người chưa thành niên không chấp hành tốt biện pháp xử lý chuyển hướng và có vi phạm nghĩa vụ thì tiếp tục thực hiện thủ tục tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thông thường. Đại biểu cho rằng khi được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng thì người chưa thành niên đã được miễn trách nhiệm hình sự.
Về quy định người làm công tác xã hội, khoản 11 Điều 4 của dự thảo quy định: “Người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên, bao gồm nhân viên công tác xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hoá - xã hội cấp xã được cơ quan có thẩm quyền đề nghị tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên và tại Điều 31 quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công xã hội”.
Theo quy định của dự thảo thì người làm công tác xã hội có vai trò quan trọng và tham gia rất nhiều khâu trong quá trình tố tụng, cũng là người đề xuất áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Vì vậy, đây phải là người làm nhiệm vụ chuyên nghiệp.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Tuy nhiên, khoản 11 Điều 4 không quy định người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công chức văn hoá - xã hội cấp xã là quy định không khả thi vì đây là lực lượng bán chuyên trách, không thể vừa đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn từ ngành dọc lại vừa phải chuyên nghiệp, đáp ứng điều kiện và các nhiệm vụ được quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật, có ảnh hưởng đến nhiều quyết định đối với quá trình xét xử người chưa thành niên phạm tội.
Về vấn đề xác định tuổi của người chưa thành niên quy định tại Điều 25 của dự thảo Luật đang xác định tuổi của người chưa thành niên phạm tội và bị hại là giống nhau. Đại biểu Thuý cho rằng quy định như vậy sẽ bất lợi cho người chưa thành niên phạm tội và không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chẳng hạn, theo khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật: "Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi xác định để xác định". Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn.
Tố Tuấn - Thanh Trung (lược ghi)