Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 20.5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.


Tham gia góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản thống nhất chủ trương giảm án tử hình đối với một số tội danh.
Theo đại biểu Thuý, việc giảm án tử hình là một xu hướng lập pháp quan trọng trong cải cách pháp luật hình sự, thể hiện tinh thần nhân đạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và chính sách hình sự hiện đại của nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế về quyền con người và pháp quyền.
Đồng thời, đại biểu đồng tình việc dự thảo bổ sung khung hình phạt tù chung thân không xét giảm án để thay thế án tử hình trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nhằm bảo đảm tính nghiêm trị, răn đe mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được tính nhân đạo khi không tước đoạt quyền sống của người phạm tội. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn băn khoăn, đề nghị Ban soạn thảo tiếp nghiên nghiên cứu hoàn chỉnh, cụ thể:
Về quy định khung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định theo hướng không cho phép bất kỳ ngoại lệ nào trong việc giảm án, kể cả trong trường hợp đặc xá, đại xá hoặc ân giảm. Quy định này nhằm bảo đảm tính ổn định, nghiêm minh của chính sách hình sự và tránh tạo tiền lệ khoan hồng đối với những tội phạm đặc biệt nguy hiểm.
Về tính hợp lý của quy định cho phép không áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án nếu người phạm tội tham ô, nhận hối lộ đã nộp lại ba phần tư tài sản tham nhũng, đại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thận trọng.
Đại biểu Thuý cho rằng đây là nhóm tội danh đã được giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân không xét giảm án, đã thể hiện rõ chính sách khoan hồng và nhân đạo của Nhà nước; do đó, việc tiếp tục cho phép giảm nhẹ hơn nữa hình phạt nếu bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng là không hợp lý, bởi hành vi nộp lại tài sản do phạm tội mà có là nghĩa vụ bắt buộc, không phải là cơ sở thương lượng hay đàm phán để được giảm nhẹ hình phạt; trong bối cảnh đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với các tội tham nhũng, việc tiếp tục duy trì cơ chế giảm nhẹ hình phạt nếu nộp lại một phần tài sản sẽ làm mất đi sức răn đe, thậm chí làm suy yếu khả năng thu hồi tài sản tham nhũng, do người phạm tội không còn áp lực đối mặt với hình phạt nghiêm khắc như trước.

Về nội dung quy định hành vi “phạm tội chưa đạt” trong dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và định nghĩa cụ thể tình tiết “phạm tội chưa đạt” trong Bộ luật hoặc giao nhiệm vụ cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là làm rõ ranh giới và cách phân biệt với “cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất, chính xác và khách quan. Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chí pháp lý, đặc điểm nhận diện hành vi, động cơ và thái độ của người phạm tội nhằm xác định tính chất “có tính chất côn đồ” và “vì động cơ đê hèn”, đồng thời tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan tố tụng áp dụng thống nhất, chính xác các tình tiết tăng nặng này.
Góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, đại biểu Thuý đề nghị tăng thời hạn thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung từ 3 ngày lên 7 ngày, việc quy định thời hạn 3 ngày như dự thảo là chưa bảo đảm tính khả thi vì trong trường hợp đối với những vụ án có nhiều đương sự hay các đương sự ở nhiều địa phương khác nhau (không thuộc trường hợp vụ án phức tạp), đồng thời vô hình chung điều này sẽ tạo áp lực cho cơ quan Viện kiểm sát và đặc biệt là người có trách nhiệm, theo đó dễ vi phạm quy định về thời hạn.
Bên cạnh đó, đại biểu Thuý cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về trường hợp khi bị can chưa nhận được bản cáo trạng hoặc nhận không đúng thời gian quy định, nếu khi bắt đầu phiên toà thì bị cáo (bị can đã bị Toà án đưa ra xét xử trở thành bị cáo) có yêu cầu, thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên toà để bảo đảm nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân theo quy định tại Điều 8 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
KC - HL