Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Đại biểu Phạm Hùng Thái: Cần đánh giá, tổng kết việc thi hành các chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp
Thứ bảy: 08:57 ngày 24/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 22.5, Tổ đại biểu số 9 gồm các Đoàn ĐBQH Tây Ninh, Quảng Ninh, Bến Tre và Hoà Bình tiến hành thảo luận về một số dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu Phạm Hùng Thái phát biểu tại thảo luận tổ.

Tổ đại biểu đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm Viện Kiểm sát Nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Tham gia góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14, đại biểu Phạm Hùng Thái– Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thống nhất với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đại biểu cũng thống nhất về sự cần thiết kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) trong giai đoạn tới (năm 2030) như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật Thuế SDĐNN được ban hành từ năm 1993; để hỗ trợ nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, từ năm 2001 đến nay, Quốc hội đã ban hành nhiều Nghị quyết miễn, giảm thuế SDĐNN theo hướng mở rộng đối tượng ưu đãi miễn, giảm theo từng thời kỳ: giai đoạn 2001-2003, Quốc hội đã có các nghị quyết giảm 50% thuế SDĐNN với phạm vi đối tượng áp dụng được mở rộng dần; giai đoạn 2003-2010, về cơ bản việc miễn thuế SDĐNN 100% được áp dụng cho từng vùng đối với hộ nông dân, hộ nông trường viên, xã viên hợp tác xã, hộ nghèo... trong hạn mức và thực hiện giảm 50% thuế SDĐNN áp dụng cho các đối tượng còn lại; giai đoạn 2010-2025, các đối tượng được miễn thuế SDĐNN được mở rộng dần trong từng Nghị quyết (Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14)...

Theo đại biểu Thái, qua hơn 30 năm ban hành Luật Thuế SDĐNN, chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN đã được thực hiện trong một thời gian dài thông qua các Nghị quyết của Quốc hội ban hành ngoài phạm vi của Luật. Điều này thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua các thời kỳ. Tuy nhiên, đến nay, các chính sách đã không còn phù hợp với thực tế, do vậy, để có một cách nhìn bao quát, toàn diện, tổng thể, đại biểu Thái đề nghị có đánh giá, tổng kết toàn diện việc thực hiện các chính sách để đi đến sửa đổi Luật Thuế SDĐNN, bảo đảm tính pháp lý phù hợp hơn, bảo đảm tính bền vững, ổn định của hệ thống pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tham gia góp ý đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý– Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đồng tình cao đối với việc có một nghị quyết phổ cập cho trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thuý, một số cử tri ở các vùng nông thôn vẫn còn băn khoăn với việc phổ cập mầm non 3 tuổi có quá sớm hay không. Đại biểu Thuý cho rằng, nhóm trẻ 3 tuổi là nhóm đang hình thành phát triển về ngôn ngữ, vận động, nhận thức, cho nên việc trẻ được đi học sớm để được giáo dục là tốt về mặt tâm lý lứa tuổi, cũng như thuận lợi để hình thành các kỹ năng đọc lời ở giai đoạn 3 tuổi.

Đồng thời, theo Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em, trẻ em có quyền được giáo dục, được học tập tiếp cận giáo dục phổ cập; bên cạnh đó, việc các em tham gia vào trường từ sớm giúp phát hiện sớm những bất thường đối với một số trẻ có tật đầu đời gặp vấn đề về bất thường như tự kỷ… Điều này giúp cho việc phát hiện và điều trị, cũng như hoà nhập vào cộng đồng tốt hơn. Cuối cùng là giảm gánh nặng cho gia đình, đặc biệt các gia đình là công nhân lao động, gia đình một thế hệ khó khăn.

Tuy nhiên, đại biểu Thuý vẫn còn một số băn khoăn về độ tuổi 3 tuổi, do vậy, đại biểu đề nghị cần quan tâm và tuyên truyền tốt hơn về việc nâng cao nhận thức đối với việc tiến hành phổ cập, vì như ở vùng nông thôn, gia đình hai thế hệ, ba thế hệ có điều kiện chăm sóc trẻ, muốn để trẻ ở nhà chăm sóc hơn, đến 5 tuổi mới đưa đi học mẫu giáo.

Trong 6 nhóm chính sách, đại biểu Thuý đặc biệt quan tâm đến nhóm chính sách thứ 6, đó là chính sách về khuyến khích xã hội hoá phát triển giáo dục mầm non. Theo tờ trình của Chính phủ và Nghị quyết, dự kiến dành nguồn kinh phí tổng giai đoạn 5 năm khoảng 25.700 tỷ đồng, mỗi năm khoảng hơn 5.000 tỷ đồng dành cho việc phổ cập trẻ mầm non từ 3 đến 5 tuổi.

Đại biểu Thuý cho rằng nên khuyến khích để có chính sách đột phá thu hút tư nhân tham gia vào xây dựng cơ sở vật chất thay vì Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ biên chế giáo viên như đề xuất hiện nay. Theo đại biểu Thuý, tư nhân dư sức để tham gia vào việc mở các trường mầm non, nhà trẻ tốt, đây là nhu cầu rất lớn của xã hội và họ làm cũng rất tốt; tuy nhiên, cần có quản lý, giám sát chất lượng giáo dục, nhất là việc bạo hành gần đây đối với các cơ sở tư thục.

KC (lược ghi)

Tin cùng chuyên mục