Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đại biểu Quốc hội trăn trở trước tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm
Thứ bảy: 19:23 ngày 25/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu nhắc đến trong phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, ngày 25-5.

Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh, trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã cân đối, dành nguồn lực phân bổ cho các chương trình, dự án nhằm phục hồi kinh tế; nhưng thực tế là chúng ta chưa sử dụng hết, sử dụng chưa hiệu quả - đây cũng được xem là một sự lãng phí.

 Đại biểu Nguyễn Hữu Thông.

Chỉ ra nguyên nhân chính vẫn là yếu tố con người, con người là yếu tố quyết định cho chính sách đó thành công hay không, đại biểu Nguyễn Hữu Thông thống nhất với đánh giá của đoàn giám sát, đó là hiện nay, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.

Đại biểu chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên là do văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, thời gian qua, việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là những văn bản dưới luật và việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách (công chức, viên chức) chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.

Vậy từ nguyên nhân nào? Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.

Bày tỏ quan ngại với tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) ví điều này đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ trong mọi cấp, mọi ngành trong xã hội suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023.

"Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức trong thời gian qua, thực sự đau và thực sự buồn”, đại biểu nói. 

Để ngăn chặn “nạn dịch” né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại đến năm 2024, đại biểu mong các cấp Đảng, chính quyền cần coi đó là tình trạng tiêu cực; cần chỉ ra và thực thi kỷ luật ai né tránh, sợ trách nhiệm. Bên cạnh đó, cũng cần khen thưởng kịp thời những ai có tinh thần 7 dám, đặc biệt cán bộ, công chức, viên chức nào dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí.

Khắc phục tình trạng cán bộ “xơ cứng”, không dám hành động

Để khắc phục tình trạng cán bộ “xơ cứng”, không dám hành động vì sợ sai như hiện nay, đồng thời khuyến khích cán bộ thực thi công vụ năng động, sáng tạo, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Để thực hiện cơ chế này, trước khi thực hiện, phải lập kế hoạch hành động, trong đó chỉ rõ lý do sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo là gì, khác gì so với hiện hành. Phải báo cáo kế hoạch với cơ quan có thẩm quyền về cách làm để xem xét, phê duyệt cho phép cán bộ được thực hiện, nhưng việc phê duyệt này phải dựa trên cơ sở tính khả thi và phù hợp với thực tế, không trái với quy định cấm của pháp luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu lưu ý rằng, đây là “không trái với các quy định cấm của với pháp luật”, chứ không phải là “phải tuân thủ pháp luật” như hiện nay. “Vì nếu cứ yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật hiện nay thì tất cả các năng động, sáng tạo sẽ không bao giờ được phép chấp nhận”, đại biểu nói. 

Đồng thời, các cơ quan đã phê duyệt thì phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của người đề xuất để phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Với quy định như vậy, chúng ta sẽ xóa bỏ được tình trạng của cán bộ không dám hành động như hiện nay; đồng thời sẽ thúc đẩy, khơi dậy được tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp.

Nguồn QĐND

Tin cùng chuyên mục