Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X:
Đại biểu thẳng thắn nêu những vấn đề “nóng”
Thứ sáu: 00:10 ngày 22/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chính sách nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả, giống cây trồng kém chất lượng, phân bón giả, tình trạng sốt đất ảo, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ đất đai là những vấn đề làm “nóng” phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá X.

PHÂN BÓN GIẢ, GIỐNG CÂY TRỒNG KÉM CHẤT LƯỢNG

Vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho lãnh đạo ngành NN&PTNT tại phiên chất vấn đó là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người dân.

Đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc nêu: “Trên địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh giống cây trồng nhỏ lẻ, được quảng cáo bằng nhiều hình thức, ví dụ cây này của Thái Lan, Đài Loan với những hình ảnh cây trái sum suê, được sản xuất từ những nơi uy tín, chất lượng.

Tuy nhiên, không có cơ sở nào chứng nhận những thông tin quảng cáo trên là đúng, người nông dân chỉ biết mua giống cây trồng và chờ kết quả. Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng trên địa bàn diễn ra tương đối phức tạp, nhất là khi giá cả các mặt hàng này leo thang. Để hạn chế những sản phẩm không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, trách nhiệm của ngành nông nghiệp đối với vấn đề này là như thế nào?”.

Trả lời vấn đề trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân cho biết có tình trạng quảng cáo giống cây trồng như đại biểu phản ánh, không thể biết được là đúng hay sai sự thật, bởi vì bằng mắt thường không thể phân biệt được giống chất lượng 100% hay bị lai tạp.

Trong công tác quản lý, ngành Nông nghiệp tổ chức kiểm tra, yêu cầu đăng ký nguồn gốc, xuất xứ. Theo nguyên lý là phải quản lý từ gốc- tức là từ cơ sở sản xuất cây giống nhưng những cơ sở này thường không nằm trên địa bàn Tây Ninh. Thời gian tới, ngành tập trung quản lý về mặt thủ tục ở các cơ sở kinh doanh; phối hợp các cơ quan của Bộ NN&PTNT và các tỉnh lân cận để đưa ra những mô hình, điểm kinh doanh có sự bảo đảm của Nhà nước.

Đối với người bán lẻ, họ vẫn được quyền mua đi bán lại nhưng cần giới thiệu những điểm tin cậy để bà con có nhiều lựa chọn. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân thừa nhận đây là việc ngành chưa làm được nhưng tới đây sẽ nghiên cứu, giới thiệu được những địa điểm tin cậy để bà con mua giống cây trồng, vật nuôi.

Về xử lý tình trạng phân bón giả, ông Xuân cho biết, ngành đã sử dụng tất cả những “công cụ” hiện có, thường xuyên đi kiểm tra và phối hợp các ngành liên quan tổ chức đoàn kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh.

Sau kiểm tra, sẽ công bố công khai, rộng rãi thông tin các đơn vị vi phạm để người dân biết. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho tổ chức, cá nhân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngành sẽ hướng dẫn người dân phân biệt hàng giả, nhái, kém chất lượng và lựa chọn sản phẩm có uy tín; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chuyên môn, địa phương ngoài tỉnh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Mặt khác, phối hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ vào sản xuất; ứng dụng phân bón hữu cơ gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Riêng đối với nông dân, khuyến cáo nên sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối, hiệu quả, tránh lãng phí nhằm tiết kiệm vật tư trong tình trạng giá phân bón tăng cao hiện nay.

Qua phần chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị ngành NN&PTNT có các biện pháp quản lý chất lượng ngay từ nguồn cung ứng; tăng cường kiểm tra các đại lý phân phối trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các đại lý, doanh nghiệp sai phạm, công khai danh sách các đơn vị vi phạm cũng như các điểm bán giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp chất lượng tốt để người dân biết.

Người dân nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại bộ phận Một cửa thị xã Hoà Thành.

SỐT ĐẤT ẢO, HỒ SƠ ĐẤT ĐAI TRỄ HẠN NHIỀU

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm tỷ lệ cao trong số hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; và đây cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều phản ánh, khiếu nại do chậm trả kết quả so với thời gian quy định.

Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về nội dung này, đại biểu Trần Thị Ngọc Trinh đặt câu hỏi: Số lượng hồ sơ đất đai trễ hạn rất lớn, gây bức xúc trong người dân, vậy ngành đã thực hiện việc xin lỗi bằng văn bản đối với các cá nhân, tổ chức có hồ sơ giải quyết bị trễ hạn hay chưa? Ngành có giải pháp gì để hạn chế tình trạng trễ hạn hồ sơ đất đai?

Về tình trạng trễ hạn hồ sơ đất đai, Giám đốc Sở TN&MT Kiều Công Minh lý giải nguyên nhân đầu năm 2022 tình hình sốt đất gia tăng, đặc biệt việc phân lô, tách thửa, bán nền…, từ đó tạo cơn sốt đất ảo suốt thời gian qua tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Tây Ninh.

Hơn nữa, do thông tin tỉnh đang xem xét ban hành văn bản mới quy định về tách thửa, hợp thửa theo hướng kiểm soát chặt hơn khiến các giao dịch về quyền sử dụng đất của người dân tăng nhanh ở các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện, gây tình trạng quá tải khi tiếp nhận khối lượng công việc tăng đột biến.

Ngoài ra, ngành đang thực hiện dự án cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh. Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ vừa giải quyết hồ sơ vừa cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai theo dự án, vừa đưa vào phần mềm một cửa nên 100% hồ sơ phải scan chuyển sang dữ liệu số nên mất thêm thời gian.

6 tháng đầu năm 2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua phần mềm một cửa điện tử của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai là 134.528 hồ sơ, tăng 76,12% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đã xử lý 128.747 hồ sơ (đúng hạn 124.012 hồ sơ và 4.735 hồ sơ quá hạn), còn lại 5.781 hồ sơ chưa giải quyết (trong hạn 5.093 hồ sơ và 688 hồ sơ quá hạn).

Để hoàn thiện hồ sơ, trả kết quả TTHC về đất đai, cùng với ngành TN&MT phải có sự phối hợp, tham gia của công chức địa chính xã, UBND cấp xã, phòng TN&MT huyện, ngành Thuế… Bên cạnh đó, sự phối hợp, liên thông giữa ngành TN&MT và cơ quan Thuế trong xác định nghĩa vụ tài chính đất đai chưa kịp thời. Tính đến ngày 24.6.2022, số lượng hồ sơ tồn đã chuyển qua cơ quan Thuế là 15.327 hồ sơ (trong hạn 5.345 hồ sơ, quá hạn 9.782 hồ sơ).

Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT, việc liên thông giữa phần mềm chuyên ngành về quản lý cơ sở dữ liệu đất đai và phần mềm một cửa chưa thực hiện thông suốt nên còn tình trạng phải nhập dữ liệu đầu vào trên cả 2 hệ thống. Việc liên thông để chuyển thông tin thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng hình thức điện tử cũng chưa thực hiện được. Vì vậy, việc phối hợp giữa hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai và ngành Thuế còn hạn chế.

Đối với nội dung đại biểu nêu về thời gian giải quyết thủ tục đất đai cho dân chậm trong khi môi giới thì nhanh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết đã nhận diện được và sẽ có giải pháp khắc phục. Ngành tiếp tục chấn chỉnh toàn hệ thống hoạt động Văn phòng Đăng ký đất đai về công tác cải cách hành chính, khắc phục những bất cập trong nghiệp vụ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc của cán bộ; kiên quyết chuyển đổi vị trí công tác đối với những cá nhân vi phạm.

Trước mắt, để giảm áp lực cho những nơi có số lượng hồ sơ đất đai tăng cao, Sở thành lập các tổ hỗ trợ (từ 3-5 cán bộ), điều xuống các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có phát sinh nhiều hồ sơ; tuyển thêm khoảng 40 lao động phân bổ về các chi nhánh, riêng bộ phận Một cửa sẽ được tăng thêm một nhân lực tiếp nhận hồ sơ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hoàn chỉnh TTHC lĩnh vực đất đai mức độ 3, 4; phối hợp Bưu điện thực hiện ký kết một số thoả thuận về nhận kết quả qua tin nhắn của bưu điện, kèm theo thư xin lỗi nếu hồ sơ trễ hạn.

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, những vấn đề được nêu, làm rõ trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn là cơ sở để lãnh đạo các sở, ngành và UBND tỉnh nhận diện, có giải pháp khắc phục hạn chế, góp phần hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực phụ trách trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

PHƯƠNG THUÝ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh