Đọc báo in
Tải ứng dụng
Toàn cảnh Đại hội.

Tham dự đại hội có ông Lã Chí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện Ủy ban Dân tộc tại TP.Hồ Chí Minh cùng đoàn công tác; Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Phong; nguyên; Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Minh, Lê Thị Bân; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Tiến cùng 250 đại biểu đại diện cho hơn 19.000 đồng bào thuộc 21 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Văn nghệ chào mừng Đại hội.

Thay mặt Đoàn chủ tịch, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu khai mạc đại hội. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đại hội lần này thể hiện tinh thần đổi mới từ cách tổ chức đến nội dung chương trình theo hướng sinh động, thật sự là ngày hội giao lưu giữa các dân tộc thiểu số, ngày hội của Khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội được tiến hành thống nhất từ cấp huyện, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác dân tộc. 

Báo cáo chính trị tại Đại hội cho biết, trong 5 năm qua, tỉnh Tây Ninh đã cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác dân tộc và xây dựng, tạo được niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng chung của tỉnh, đặc biệt là tình hình ổn định trên tuyến biên giới.

Công tác dân tộc được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, sự triển khai quyết liệt của UBND các cấp và sự phối hợp của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tác động toàn diện và cải thiện mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từ nhận thức đến hành động.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thiểu số thấy rõ những thành tựu kinh tế xã hội của tỉnh đạt được trong thời gian qua, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền nhằm tạo nhận thức đúng đắn các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc về công tác tôn giáo, công tác dân tộc; các chương trình, mục tiêu quốc gia, mục tiêu 4 giảm, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ý nghĩa các ngày lễ lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, ý thức tự lực tự cường, đề cao tinh thần cảnh giác, cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh tặng lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Tỉnh đã thực hiện tốt việc đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là đối với các công trình giao thông, thủy lợi, trường học và các công trình khác. Tạo điều kiện, khuyến khích đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực, xây dựng mô hình sản xuất phù hợp với địa phương và tổ chức dạy nghề, tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số… qua đó đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm xuống, những vấn đề về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ những tư liệu sản xuất thiết yếu và phương tiện sinh hoạt tối thiểu cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm giải quyết.

Thực hiện tốt Kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2012 – 2015 và định hướng đến năm 2020. Tiếp tục đầu tư các hoạt động văn hóa, nghiên cứu, sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cốt cán, già làng, trưởng bản, người có uy tín; góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ông Lã Chí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện Ủy ban Dân tộc tại TP.Hồ Chí Minh lẵng hoa chúc mừng Đại hội.

Mối quan hệ hữu nghị giữa đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh với nước bạn Campuchia ngày càng bền vững; vùng biên giới ổn định về mọi mặt. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc được tổ chức thực hiện tốt, có hiệu quả.

Với hơn 69% dân số trong tỉnh có tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 5 tôn giáo chính gồm Cao Đài, Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo Islam; hơn 14.000 đồng bào dân tộc thiểu số có tôn giáo… việc tu học, hành đạo và các hoạt động khác của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn được thực hiện theo quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc mình. 

Tại đại hội, các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế thời gian qua, đó là: Các chủ trương, chính sách về dân tộc thiểu số mặc dù được triển khai đầy đủ nhưng kết quả chưa toàn diện. Công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá chính sách thực hiện chưa thường xuyên.

Điều kiện kinh tế ở một số xã vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số chậm phát triển, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn duy trì tập quán sản xuất nhỏ lẻ, mang tính tự cung tự cấp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường chậm, dẫn đến thu nhập chưa cao; đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, ông Lã Chí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện UBDT tại TP. Hồ Chí Minh trao bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các tập thể. 

Kết cấu hạ tầng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số tuy được tăng cường đầu tư, song thật sự chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế và dân sinh. Việc bố trí, huy động các nguồn vốn đề thực hiện các chương trình an sinh xã hội có mặt còn hạn chế. Một số cuộc vận động chưa lan tỏa sâu rộng trong đồng bào dân tộc thiểu số nên kết quả chưa vững chắc.

Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là việc sưu tầm dân ca - dân vũ, trang phục dân tộc, nhạc cụ dân gian và việc phát huy vai trò các nghệ nhân, tham gia giao lưu văn hóa vùng miền chưa được thực hiện thường xuyên.

Đại hội cũng thống nhất mục tiêu tổng quát cho công tác dân tộc, chính sách dân tộc thời gian tới. Đó là, phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc, giữ vững và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp ổn định, theo hướng tinh gọn, đảm bảo vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo ổn định chính trị, quốc phòng an ninh cả trong nội địa và tuyến biên giới. Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân trao bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh cho các tập thể và cá nhân. 

Phát biểu tại đại hội, ông Lã Chí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện UBDT tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận, đánh giá cao những thành quả mà đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về công tác dân tộc; tập trung chỉ đạo, xác định nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.  

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân sát với chủ đề định hướng của đại hội. Tập trung thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc, giữa thành thị và nông thôn; giảm dần, tiến tới không còn địa bàn và đối tượng khó khăn.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số; nâng cao dân trí; phát huy vai trò của già làng, trưởng ấp, người có uy tín; vận động đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu làm ăn để thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Đại hội.

Đẩy mạnh thông tin truyền thông, hỗ trợ và nâng cao mức tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản cho đồng bào, gồm: Y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở và trợ giúp pháp lý. Phát triển các lĩnh vực có tiềm năng thế mạnh, mang bản sắc của vùng đồng bào dân tộc và miền núi, nhất là du lịch sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống.

Từng bước hạn chế, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia.

 

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân tặng hoa cho các đại biểu được bầu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, ông Lã Chí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện UBDT tại TP. Hồ Chí Minh trao bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các cá nhân. 

Tại đại hội, thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, ông Lã Chí Dũng- Trưởng Văn phòng đại diện UBDT tại TP. Hồ Chí Minh đã trao bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 5 tập thể, 8 cá nhân. Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho 14 tập thể và 28 cá nhân.

Đại hội cũng đã thông qua Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019 và nhất trí bầu 5 đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.

Đinh Hữu Thiện