Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chúng ta đang được cùng sống lại những giờ phút lịch sử trọng đại, kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Mốc son chói lọi này được khắc sâu trong tim mỗi người con đất Việt, đã trở thành một biểu tượng bất diệt của lòng yêu nước, của tinh thần quật cường và khát vọng hoà bình của Nhân dân Việt Nam.

Thiêng liêng, hào hùng
Trong không khí hào hùng ngày 30.4 lịch sử, tại TP. HCM - thành phố anh hùng vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - mốc son chói lọi nhất trong lịch sử, đánh dấu sự kết thúc oanh liệt của cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Tại buổi lễ trang trọng, hình ảnh các khối duyệt binh với quân phục chỉnh tề, bước đi hùng dũng, các khối diễu hành đại diện cho công - nông - trí thức, thanh niên, phụ nữ... thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khí thế và thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất.
.jpg)
Cuộc diễu binh, diễu hành hùng tráng lần này không chỉ là biểu dương sức mạnh quân sự, mà chính là lời tuyên ngôn đanh thép về ý chí độc lập, quyền tự chủ thiêng liêng, cùng khát vọng hoà bình và vươn lên không ngừng của dân tộc Việt Nam.
Ánh mắt dõi theo đoàn quân không phải để thưởng lãm một màn trình diễn, mà để khắc sâu vào tim bài học lịch sử: Nền độc lập tự do hôm nay không tự nhiên mà có, nó được đánh đổi bằng xương máu của cha ông. Và cũng để nhắc nhở thế hệ con cháu muôn đời sau: Muốn đất nước bình yên, phải giữ vững khí phách hiên ngang; muốn non sông trường tồn, phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chiến thắng vĩ đại này chấm dứt ách thống trị hơn một nửa thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới, đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đây là chiến thắng của niềm tin, của ước nguyện độc lập, tự do và thống nhất đất nước; chiến thắng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; chiến thắng của chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và của tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu, bất khuất ngàn đời của Nhân dân Việt Nam, của các lực lượng tiến bộ và Nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Phát huy những bài học quý báu của thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã chung sức, đồng lòng bắt tay vào cống cuộc tái thiết, khôi phục và phát triển đất nước theo di nguyện của Bác Hồ.
.jpg)
Tổng Bí thư cũng nhắc lại di nguyện của Bác Hồ: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.
"Là một dân tộc đã trải qua nhiều mất mát từ chiến tranh trong quá khứ và cũng là dân tộc hưởng thụ những lợi ích to lớn từ hoà bình, hợp tác, hữu nghị trong những thập kỷ vừa qua, Việt Nam tha thiết, mong muốn cùng cộng đồng quốc tế xây dựng tương lai hoà bình, ổn định, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển.
Chúng ta hãy làm được tất cả những gì mong muốn ngày hôm nay để để lại cho thế hệ mai sau không chỉ một thế giới tốt đẹp hơn, mà cả niềm tin về ý thức trách nhiệm, sự thông tuệ của thế hệ hôm nay", Tổng Bí thư chia sẻ.
"Không có Nhân dân thì không có chúng tôi hôm nay"
Hoà bình được lập lại nhưng với những cựu chiến binh tham gia chiến đấu trong Chiến dịch mùa xuân năm ấy vẫn còn nguyên cảm xúc tự hào, vui mừng chiến thắng khi cờ giải phóng tung bay, Nhân dân vẫy tay chào quân giải phóng.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là một trong những nhân chứng của ngày lịch sử 30.4.1975. Cũng như nhiều thanh niên yêu nước căm thù quân xâm lược, năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông theo tiếng gọi của Tổ quốc, tạm biệt quê hương lên đường nhập ngũ. Lúc này, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320, đóng quân ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Sau ba tháng huấn luyện, đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu, đến đầu năm 1967, ông được biên chế về Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 88, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Tiếp đó, ông được điều động bổ sung cho chiến trường Đông Nam Bộ tham gia chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 5, Quân Giải phóng miền Nam.
Ông nhớ những ngày kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn, thiếu thốn; bộ đội ta thiếu ăn, ốm đau bệnh tật, đặc biệt là sốt rét và suy dinh dưỡng trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt. Song cán bộ chiến sĩ cùng quân dân các địa phương kiên cường vượt qua tất cả để chiến thắng kẻ thù, đập tan âm mưu xâm lược và giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
50 năm sau ngày toàn thắng, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày chiến thắng, hoà bình được lập lại, đất nước thống nhất và nhớ người dân khắp nơi đã chở che, cưu mang cho bộ đội.
"Chúng tôi ghi sâu công ơn của Nhân dân trên mọi miền của đất nước đã quên mình chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng bộ đội trong suốt chiều dài tháng năm chiến đấu. Với riêng tôi, tôi không thể nào quên được sự cưu mang, sẻ chia của bà con miền Đông và miền Tây Nam Bộ - nơi tôi trực tiếp chiến đấu vô cùng gian khổ và ác liệt. Không có Nhân dân thì không có chúng tôi hôm nay"- ông bày tỏ.
Trước những thành tựu đổi mới của đất nước, ông Trần Ngọc Thổ phấn khởi, tự hào. "Cựu chiến binh phải sống sao cho xứng đáng truyền thống "quyết chiến quyết thắng", xứng đáng với những hy sinh của đồng đội; đồng thời kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng, đưa đất nước phát triển", ông nói.
Trở về từ chiến trường, cựu chiến binh Trần Văn Phúc, thuộc sư đoàn Ba Sao Vàng, quân khu 5, là thương binh hạng ¾. Ngày đó, ông nhận nhiệm vụ cùng Quân đoàn 2 tấn công hướng Duyên Hải vào giải phóng Đông Bà Rịa - Vũng Tàu, Côn Đảo và Cần Giờ. 50 năm sau ngày giải phóng, ông trở về Thành phố Hồ Chí Minh để mừng kỷ niệm đại thắng mùa Xuân vĩ đại của dân tộc.
“Được trực tiếp dự lễ kỷ niệm, thật sự xúc động, những cảm xúc về thời chiến đấu lại ùa về, bồi hồi lắm. Điều phấn khởi nhất là tôi thấy Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, thật sự ấn tượng, rất vui”- ông Phúc nói.
Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta càng thêm biết ơn công lao của các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, những người đã hiến dâng tuổi xuân và cả cuộc đời mình cho độc lập dân tộc. Ngày 30.4 không chỉ là dịp để tưởng niệm, mà còn là lúc để thế hệ hôm nay thắp sáng thêm ngọn lửa yêu nước, tiếp nối truyền thống và chung tay xây dựng đất nước phồn vinh.
Vũ Nguyệt