Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đại sứ Anh tại Việt Nam: Đừng đặt cược tương lai của mình
Thứ ba: 19:18 ngày 29/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cách đây tròn một tháng, ngày 29/9, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland - ông Gareth Ward đã có bài viết “Mua bán người: Đừng đặt cược tương lai của mình” với những chia sẻ về mặt tối của tình trạng di cư trái phép và mua bán người. Chúng tôi xin giới thiệu bản dịch bài viết của ông Gareth Ward.

Việt Nam là đối tác chiến lược của Anh trong rất nhiều lĩnh vực như thương mại, giáo dục, quốc phòng... Trong thời gian làm nhiệm kỳ Đại sứ tại đây, tôi có thể báo cáo về London những xu hướng kinh tế tích cực, các chuyến thăm cấp cao thành công và những hoạt động hợp tác đầy triển vọng.

Tuy nhiên, vẫn có một số thách thức mà chúng ta phải đối mặt và những vấn đề khiến tôi lo lắng. Một trong những vấn đề đó là nạn mua bán người và di cư trái phép. Những người Việt Nam trẻ tuổi và dễ bị tổn thương vẫn đang bị mua bán sang Anh để làm các công việc nguy hiểm và trái pháp luật, kiếm lợi cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Nhiều người ở Việt Nam lại không nhận thức được vấn đề này. Tôi muốn thay đổi điều đó bằng việc chia sẻ với các bạn thông tin cho thấy tình trạng mua bán người diễn ra như thế nào.

Khi tôi nói về mua bán người, có lẽ các bạn nghĩ đến việc người Việt Nam bị ép sang Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Trên thực tế, người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới trên bộ mà còn tới cả các nước phát triển ở châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí tới châu Âu. Ở Anh, chúng tôi cũng nói đến "Nô lệ thời hiện đại" bởi vì rất nhiều nạn nhân của nạn mua bán bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, nhiều khi bị lạm dụng thân thể và tình dục. Những năm gần đây, hàng trăm nạn nhân bị mua bán là người Việt đã được xác định tại Anh.

Khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng, thường là những người bị lừa gạt hay thậm chí bắt cóc, những người Việt Nam đến Anh bất hợp pháp thường ra đi một cách tự nguyện, với niềm tin rằng họ sẽ đến ‘miền đất hứa’, để kiếm tiền cải thiện điều kiện kinh tế cho bản thân và gia đình. Nhiều người trong số họ đến từ những tỉnh nghèo như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Những người này tiếp cận hoặc được tiếp cận bởi họ hàng hay bạn bè, những người họ nghe nói đã từng đưa ai đó đến Anh trót lọt. Họ bỏ ra những khoản tiền rất lớn mà họ có được nhờ thế chấp nhà cửa, ruộng vườn, hay tàu thuyền. Họ vay nặng lãi để trả cho những kẻ môi giới và đám buôn người giúp họ vượt biên trái phép. Như thế, ngay từ đầu cuộc hành trình của mình từ Việt Nam, họ đã giao phó sinh mạng của mình vào tay bọn tội phạm.

Các băng nhóm tội phạm thu lợi rất lớn bằng việc bán hồ sơ giả và đưa người vượt biên trái phép. Theo thông tin của chúng tôi, chi phí để sang Anh bất hợp pháp là từ 30.000 USD đến 50.000 USD. Việc này có thể làm được bằng cách sử dụng giấy tờ giả trên một chuyến bay, hoặc thông dụng hơn là một hành trình nhiều rủi ro và kéo dài bằng đường bộ qua nhiều nước châu Âu. Hầu hết các nạn nhân của mua bán người, bất chấp những hiểm nguy và tốn phí, đều nghĩ rằng họ sẽ tìm được một cơ hội đổi đời ở Anh để trang trải các khoản nợ. Rất tiếc, sự thật khác xa thế rất nhiều.

Tôi có cơ hội được nghe câu chuyện của một người Việt Nam sang Anh bất hợp phát. Đó là một hành trình ác mộng: Đầu tiên từ Việt Nam qua Trung Quốc, tiếp đến là cả tháng trời băng qua lạnh giá ở Nga, Ba Lan, Đức, Pháp; và cuối cùng trốn trong thùng xe tải vượt biên giới từ Pháp sang Anh. Người đó nói anh ta là một trong số những người may mắn sống sót. Đã có trường hợp người nhập cư bất hợp pháp chịu thương tích khi bị truy đuổi. Có những trường hợp bị chết do cái lạnh nghiệt ngã, do thiếu dưỡng khí trong thùng xe tải. Nhiều người chẳng bao giờ đặt chân đến "miền đất hứa".

Điều gì đón chờ những người đến được Anh bất hợp pháp sau một hành trình dài gian khổ? Là những người nhập cư trái phép, với gánh nặng nợ nần và niềm hy vọng của người thân ở Việt Nam, họ làm bất kỳ công việc gì có thể để có tiền và nơi trú ẩn. Không có giấy tờ hợp lệ, họ làm việc chui lủi. Các băng nhóm tội phạm, lợi dụng sự yếu thế và nỗi lo sợ bị chính quyền phát hiện của họ, trả cho họ đồng lương rẻ mạt và ép họ làm việc nhiều giờ vì biết chắc chắn rằng sẽ không ai dám kêu ca. Hình thức bóc lột này là những gì chúng tôi gọi là ‘nô lệ thời hiện đại’.

Những công việc tạm thời như làm móng tay, trông trẻ, dọn vệ sinh khách sạn cũng trở nên hấp dẫn, nhưng khi làm việc bất hợp pháp thì họ hưởng lương rất bèo bọt. Nhiều người nhập cư bất hợp pháp bị ép phải làm việc trong lĩnh vực trồng cần sa hoặc mại dâm để kiếm tiền trả nợ. Trồng cần sa rất nguy hiểm và bị bóc lột, cùng nỗi lo sợ bị các băng đảng cướp bóc hay đánh đập, cũng như bị bắt và trục xuất.

Những căn nhà dùng để trồng cây thường bịt kín các cửa sổ để ánh sáng cũng như mùi không lọt ra ngoài. Những người Việt Nam trẻ tuổi bị buộc phải sống ở trong nhà hàng tuần liền – bị kẹt vào hoàn cảnh này, họ phải chịu những rủi ro rất nghiêm trọng về sức khỏe, cả về hộ hấp và sức khỏe tâm thần.

Anh quốc chào đón những người đến Anh một cách hợp pháp, đến để học tập và làm những công việc có chuyên môn, phù hợp với luật pháp của chúng tôi. Nhưng xin chớ nghe theo những kẻ nói với các bạn rằng họ có thể đưa bạn sang Anh bằng ‘cửa sau’ và giúp bạn kiếm tiền nhờ làm việc trái pháp luật. Đừng đặt cược tương lai của mình.

Chúng không phải là những người bạn. Chúng là tội phạm. Nếu các bạn đi cùng chúng, các bạn đặt chính mình và gia đình mình vào rủi ro đấy. Chúng lợi dụng những người nhập cư bất hợp pháp để ép họ làm những công việc nguy hiểm và thu lợi cho chúng. Mua bán người gần hơn bạn nghĩ đấy. Hãy nhận thức về những hiểm họa, đừng trở thành nạn nhân!

Gareth Ward 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục