Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại sứ Romania: Tôi không phải là mẫu người thích phiêu lưu
Thứ hai: 09:10 ngày 30/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Có thể học tập ở một đất nước hòa bình và phát triển nhưng ông Valeriu Arteni lại chọn một mảnh đất có chiến tranh. Có thể lựa phát triển sự nghiệp ở nhiều địa bàn khác, nhưng ông chọn gắn bó với Việt Nam trong ba nhiệm kỳ, kể cả nhiệm kỳ cuối cùng.

Mảnh đất biết “lấy lòng”

Cuối những năm 1960, trong suy nghĩ của chàng thanh niên trẻ Valeriu, Việt Nam là đất nước xa xôi nhưng là đất nước đang làm nên lịch sử, một dân tộc bất khuất và anh hùng. Việt Nam đã “thu phục” được lòng người ở  nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Romania và kể cả người dân Mỹ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Romania quê hương của ông Valeriu Arteni cũng bị chia cắt sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vì vậy, Việt Nam là chủ đề ưu tiên mà truyền thông Romania đưa tin mỗi ngày, cũng giống như bầu cử Mỹ hay các điểm nóng mà dư luận chú ý thời nay. Lúc đó, trong ông, Việt Nam đã trở thành miền đất đi vào trái tim, thôi thúc ông muốn đến và tìm hiểu.


Đại sứ Romania tại Việt Nam Valeriu Arteni và phu nhân thăm tỉnh Bắc Giang.

Đại sứ Valeriu Arteni chia sẻ, trong những năm tháng của tuổi trẻ, tình yêu Việt Nam trong ông còn được nuôi dưỡng bởi sự hấp dẫn của ngôn ngữ và văn hóa Việt. Quan hệ văn hóa giữa hai nước đã phát triển từ những năm 1950 và tạo điều kiện để người dân hai nước hiểu nhau hơn. Những tác phẩm văn học Việt được dịch ra tiếng Romania như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm hay những phóng sự do các phóng viên chiến trường Romania tác nghiệp tại Việt Nam xây dựng nên hình ảnh những người anh hùng trong cuộc chiến tranh đã lay động trái tim người dân Romania, trong đó có trái tim của người trí thức trẻ mới tuổi đôi mươi Valeriu Arteni.

Những năm 1970, Chính phủ Romania cử học sinh đi du học trong khuôn khổ hiệp định văn hóa với các nước, trong đó có Việt Nam. Chàng thanh niên Valeriu Arteni đã quyết định lựa chọn Việt Nam, dù mảnh đất ấy còn đang chìm trong bom đạn và chia cắt. Thời điểm đó, “Tôi đã không nghĩ gì tới khó khăn, tới sự ác liệt của chiến tranh. Nhưng tôi cũng đã phải trăn trở nhiều đêm để lựa chọn giữa những đất nước hòa bình, phát triển hơn Việt Nam, với những môi trường và điều kiện học tập tốt hơn”, ông tâm sự. Nhưng cuối cùng, ông đã chọn mảnh đất châu Á xa xôi.

Ông đã đến Việt Nam vào mùa xuân năm 1971. “Lựa chọn táo bạo ấy qua thời gian đã chứng minh là sự lựa chọn đúng đắn và xứng đáng”, Đại sứ Valeriu Arteni chiêm nghiệm.

Đại sứ Valeriu Arteni nhớ lại 12 ngày đêm lịch sử và vụ ném bom ở khu dân cư Khâm Thiên tháng 12/1972. Khi ấy ông đang học ở khoa Ngữ Văn, trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Bắc Ninh (Hà Bắc) . Ông cảm nhận rõ những mất mát, hy sinh của người dân và sự tàn nhẫn của cuộc chiến. Hơn bao giờ hết, chàng sinh viên nước ngoài thấy được cái giá rất lớn mà Việt Nam phải trả cho nền tự do, độc lập và thống nhất, song người Việt vẫn chấp nhận, bởi không có gì quý hơn độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Gần 5 năm học cùng những người bạn Việt Nam, có những người từng khoác áo lính rồi sau đó trở về giảng đường, nửa thập kỷ chứng kiến con người Việt Nam gan dạ, bất khuất để giành lấy quyền làm chủ tương lai và vận mệnh của mình, tôi mới thấy khoảnh khắc ngày 30/4 thiêng liêng tới mức nào. Tôi cùng bạn bè đổ ra đường vẫy cờ, hoa, niềm vui không thể diễn tả thành lời và tôi coi đó như thắng lợi của chính bản thân mình và thêm niềm tin vào một dân tộc anh hùng – Việt Nam”, Đại sứ Valeriu Arteni nhâm nhi một ngụm trà rồi nói liền mạch bằng tiếng Việt, không vấp một từ.

Tổ quốc thứ hai

Tiếp dòng ký ức, ông Valeriu Arteni kể lại, năm 1976, ông trở về nước và được Bộ Ngoại giao Romania tuyển dụng. Sau khi lập gia đình, ông cùng vợ quay trở lại Việt Nam bắt đầu nhiệm kỳ công tác ngoại giao đầu tiên. Với ông, công tác ngoại giao là xây dựng cầu nối và nếu biết được ngôn ngữ nước sở tại thì có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, xây được cây cầu nối trái tim của nhân dân hai nước một cách bền vững. Ông Valeriu Arteni tự hào vì là người duy nhất trong Bộ Ngoại giao Romania có thể sử dụng được tiếng Việt. “Công cụ” này giúp ông tự tin trong công tác chuyên môn khi công tác tại Việt Nam.

Như bao nhà ngoại giao khác trên thế giới, sự nghiệp gắn liền với những chuyến đi, những miền đất, sau nhiệm kỳ đầu tại Việt Nam, ông Valeriu Arteni còn có các nhiệm kỳ công tác tại Pakistan và quay trở lại Việt Nam với cương vị Đại sứ sau 13 năm. Khi đó, ông là một trong những Đại sứ trẻ nhất Hà Nội. Sau khi kết thúc một nhiệm kỳ Đại sứ thành công, ông được cử sang làm Đại sứ Romania tại Hàn Quốc. Hiện tại, ông đang tiếp tục nhiệm kỳ Đại sứ thứ hai tại Hà Nội.

Trả lời câu hỏi của tôi về cảm nhận của ông khi sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước Việt Nam, Valeriu Arteni khẳng định: “Nếu trong chiến tranh tôi khâm phục tinh thần bất khuất của dân tộc Việt bao nhiêu, trong thời bình, tôi khâm phục bấy nhiêu việc Việt Nam dám thay đổi”. Đại sứ chia sẻ, bản thân ông cùng vợ cũng đã trải qua những năm tháng dùng tem, phiếu mua thực phẩm, gặp phải những hạn chế tới cả chai nước suối. Vợ ông đã phải cố gắng làm quen với những thực phẩm như măng tre của Việt Nam để nấu nướng, họ cũng đã phải xoay chuyển cuộc sống của chính mình để phù hợp với hoàn cảnh sống ở Hà Nội lúc đó.

Năm 1986, Việt Nam đã quyết định đổi mới. Với Đại sứ Valeriu Arteni, chính quyết định đó đã tạo ra được Việt Nam của ngày hôm nay. Trong chiến tranh, nhiều người cho rằng Việt Nam chiến đấu giỏi, nhưng nghi ngờ khả năng thích ứng của Việt Nam thời bình. Song sự phát triển trong những thập kỷ qua đã chứng minh Việt Nam không chỉ có các chiến sĩ giỏi, mà còn cả những nhà xây dựng tài ba. Các lãnh đạo Việt Nam đã biết sử dụng nguồn nhân lực của mình một cách sáng suốt, dám làm, dám thay đổi, sẵn sàng tiếp thu những điều tốt đẹp. Ông khâm phục điều đó.

Ông Valeriu Arteni trầm lắng một lúc rồi tâm sự, nhiệm kỳ ngoại giao hiện tại có thể là nhiệm kỳ ngoại giao cuối cùng của ông. Như vậy, mảnh đất Việt Nam là nơi ông bước vào nghề và cũng có thể là nơi ông kết thúc sự nghiệp của một nhà ngoại giao. Việt Nam đã trở thành Tổ quốc thứ hai của ông với muôn vàn kỷ niệm gắn bó.  Ông cũng tự cảm thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ công tác là đặt lại Romania trên “bản đồ quan tâm” của Việt Nam và ngược lại. Ông có niềm tin vững chắc vào mối quan hệ hai nước “không gì có thể đảo ngược, bền vững, có tầm nhìn lâu dài và không phụ thuộc vào thời cơ hay những yếu tố chủ quan nào”. Chưa có một dự định cụ thể nào về tương lai xa, song điều không thể thay đổi là dù ở bất cứ nơi đâu, Việt Nam vẫn luôn chiếm một vị trí vững vàng trong trái tim ông.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục