Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo anh Kiệt, ban đầu anh chỉ muốn thử tìm một môn thể thao phù hợp để vận động. Anh tập tành leo núi vào cuối năm 2016 và… mê luôn. Tính đến nay, anh có hơn 100 lần chinh phục đỉnh núi Bà Đen.
Anh Mai Tuấn Kiệt trong một buổi leo núi.
Anh Mai Tuấn Kiệt là giảng viên của Trường Chính trị tỉnh, mà còn là một người đam mê leo núi. Mỗi tuần, anh Kiệt đều dành thời gian để chinh phục đỉnh núi Bà Đen. Thói quen này được anh duy trì từ nhiều năm qua và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Với anh, leo núi không chỉ là cách thức rèn luyện sức khoẻ mà còn là khoảng thời gian thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.
Theo anh Kiệt, ban đầu anh chỉ muốn thử tìm một môn thể thao phù hợp để vận động. Anh tập tành leo núi vào cuối năm 2016 và… mê luôn. Tính đến nay, anh có hơn 100 lần chinh phục đỉnh núi Bà Đen.
Anh Kiệt đạt mục tiêu mỗi tuần dành một khoảng thời gian nhất định để leo núi. Có lúc anh leo với nhóm bạn, có lúc một mình. Đó là khoảng thời gian để anh lắng đọng và suy nghĩ về cuộc sống. Mỗi lần leo núi đều để lại trong anh một cảm xúc riêng biệt. Anh càng say mê hơn cái cảm giác náo nức, tự hào khi được đứng trên đỉnh của nóc nhà Đông Nam bộ.
“Tôi có thói quen leo núi rất sớm, tầm 4 giờ sáng là bắt đầu xuất phát. Lúc ấy, thời tiết rất dễ chịu và trong quá trình leo núi có thể thấy được ánh mặt trời ló dạng trên sườn núi. Mỗi lần leo núi, tôi đều có cảm giác được hoà mình vào thiên nhiên” - anh Kiệt tâm sự. Qua những lần chinh phục đỉnh núi, anh cảm nhận sâu sắc hơn vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng không kém phần thi vị của núi Bà Đen.
Anh kể: “Khi lên khoảng 700-800m không khí đã bắt đầu khác đi, không khí se lạnh với sương mù, mây bao phủ. Vào buổi sớm của những ngày mưa, không gian nơi đây càng ảo diệu hơn với mây mù bao phủ”. Anh Kiệt chia sẻ thêm: “Điều thích thú nhất khi leo núi là cảm giác được chinh phục, nhất là leo núi vào lúc sáng sớm. Chúng tôi gần như phải chạy đua với mặt trời để lên đến đỉnh vừa kịp lúc ngắm cảnh bình minh một cách trọn vẹn. Ngắm bình minh trên đỉnh núi là trải nghiệm vô cùng thú vị, chỉ muốn giang tay đón lấy bầu không khí trong lành, cảm giác như bản thân được tiếp thêm năng lượng cho một tuần mới”.
Hiện nay, thời gian để anh Kiệt chinh phục đỉnh núi Bà trung bình là 1 tiếng 45 phút theo đường cột điện. Đây cũng là đoạn đường được nhiều người lựa chọn vì tương đối dễ đi. Anh cũng từng thử chinh phục đỉnh núi bằng nhiều đoạn đường khác nhau. Mỗi con đường là một thử thách riêng biệt để lại trong anh những ấn tượng khó quên.
Anh nói: “Trong các đoạn đường để chinh phục núi Bà Đen, xuất phát từ hướng Ma Thiên Lãnh tốn nhiều thời gian và sức lực nhất. Đây là đoạn đường theo tôi có độ khó cao, địa hình hiểm trở với những con đường trải đầy đá, dây leo um tùm buộc người leo núi phải có những kỹ năng nhất định. Bên cạnh đó, người chinh phục phải có sức khoẻ và biết cả cách phối hợp nhóm vì có đoạn vượt qua khe đá bên dưới là hố sâu, người trước phải đỡ lấy người sau, đòi hỏi tinh thần đồng đội rất lớn”. Với đoạn đường này, trung bình anh Kiệt mất khoảng 4 giờ đồng hồ vận động đủ kiểu như nhảy, bám, leo trèo, luồn lách trong đá, trong cây mới tới được đích đến.
Sau mỗi chuyến đi, anh Kiệt đều cập nhật hình ảnh, chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình để mọi người biết, qua đó lan toả tinh thần rèn luyện sức khoẻ và truyền cảm hứng leo núi đến nhiều người hơn. Không ít bạn bè trầm trồ trước hình ảnh núi non hùng vĩ từ những chuyến leo núi và khâm phục tinh thần, sự nhẫn nại, thói quen đáng ngưỡng mộ của anh.
Chia sẻ kinh nghiệm đối với những bạn trẻ muốn thử sức mình chinh phục đỉnh núi Bà Đen, anh Kiệt cho rằng, phải hiểu rõ được khả năng, sức khoẻ của bản thân và tìm hiểu kinh nghiệm từ những người đi trước như: đường đi, trang bị thiết yếu và phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bạn thực sự có ý định gắn bó với môn thể thao leo núi thì không nên nóng vội. Những lần đầu leo chỉ nên thử sức mình ở những đoạn ngắn cho quen thể trạng, rồi từ từ tăng dần đoạn đường đi và cuối cùng là chinh phục đỉnh. Luyện tập như vậy sẽ không ảnh hưởng đến sức khoẻ và hơn cả là không bị “ngộp” khi bỏ sức quá nhiều.
Một tuần tất bật, vất vả với cuộc sống bộn bề, được hoà mình vào thiên nhiên, đất trời là cảm giác rất tuyệt vời. “Tôi thấy hiện nay phong trào leo núi rèn luyện sức khoẻ ngày càng thịnh hành. Trong quá trình leo núi tôi có dịp tiếp xúc với rất nhiều nhóm khác nhau kể cả trong và ngoài tỉnh, từ những nhóm nhỏ chỉ có 2-3 người đến những nhóm với hơn chục thành viên.
Điều đáng khen nhiều bạn luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không vứt rác thải bừa bãi. Thậm chí, còn có cả những nhóm leo núi kết hợp hoạt động thu gom rác thải. Họ góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của những người leo núi chân chính”- anh Kiệt nói.
Hoàng Kha