Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đàn bà đẹp, đàn bà xấu...
Chủ nhật: 08:47 ngày 16/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đẹp thu hút người ta đã đành. Đằng này - kỳ khôi - cái xấu xa, dị thường cũng hút hồn khán giả không kém. Nó khiến cho ai gặp Bớt cũng chỉ tập trung nhìn mỗi… cái bớt.

1. Chị tên Bớt, không phải hỗn danh, tục danh gì ráo mà tên khai sinh luôn. Ai chưa gặp nghe hơi lạ; nhưng gặp rồi sẽ à lên, hết thắc mắc. Một cái bớt quá khổ, phần ba khuôn mặt. Nó to gồ ghề, đỏ sậm, loang từ cằm loang lên, nuốt nguyên hai phần gò má. Nhìn xa đã ớn. Còn nhìn gần: kẻ yếu vía cầm chắc… phát hãi! Dễ hiểu vì sao con nít gặp chị cứ khóc thét. Hậu quả, nhà nào có con nhỏ thấy bóng Bớt láng cháng ngoài ngõ đều ra đuổi.

Xua như xua tà. Dù biết nói vậy hơi ác nhưng không thể nói khác. Ngay tôi đây, đã nhiều lần cố nhìn cái bớt kia bằng một nỗ lực khoan dung hết mức mà vẫn không trôi. Cái bớt lồ lộ, xua đuổi thẳng thừng mọi thiện chí nhân văn hay trắc ẩn gì gì của bàn dân. Đẹp thu hút người ta đã đành. Đằng này - kỳ khôi - cái xấu xa, dị thường cũng hút hồn khán giả không kém. Nó khiến cho ai gặp Bớt cũng chỉ tập trung nhìn mỗi… cái bớt.

Giá thế gian rạch ròi, công tâm hơn thì dáng vóc cao ráo thon gọn, chiếc mũi cao và cái miệng đầy đặn với cặp môi tim đầy gợi cảm của Bớt sẽ là những “điểm cộng” mà không ít phụ nữ phải khát khao. Được vậy chắc Bớt đã không đến nỗi bị xem là cô gái xấu nhất làng. Khốn thay, nhan sắc không giản đơn là chuyện có thể đem quy điểm số cộng - trừ. Một điểm trừ; nhưng là trừ sinh tử luôn đủ sức phủ cái bóng đen ám ảnh của mình lên hàng bao nhiêu điểm cộng.

Ba lăm tuổi, Bớt vẫn chưa biết tới một lần hò hẹn, nói chi lấy chồng. Xấu như tao thì chắc cú yên phận gái già, ai ưng?? Câu ấy dành cho Bớt nói. Người khác không dám nói ra nhưng chắc đều nhất trí. Bớt đủ thông minh để hiểu điều đó. Hiểu và chấp nhận. Hình như có lần tôi nghe cũng chính miệng Bớt nói ra điều đó. Chúng tôi là bạn học, bạn chận (chăn) bò cho dù tôi nhỏ tuổi hơn. Nhà quê xưa đi học muộn là chuyện bình thường. Bạn mà hơn tôi hàng 5, 6 tuổi nên tôi cứ phải kính cẩn gọi “chị”.

Là bạn học nhưng tới lớp 8 thì Bớt nghỉ học. Bảo không thích học. Cũng đáng tin vì Bớt học chỉ làng nhàng ở mức trung bình. Nhưng tôi biết còn một lý do khác. Lý do thầm kín, tế nhị. Người đàn bà khi bước sang tuổi trưởng thành, khi bắt đầu ý thức về nhan sắc của mình thì hãnh diện hay mặc cảm cũng đều hoá nhân đôi nhân ba.

2.

Hàng xóm với Bớt có anh Thảng.

Anh Thảng tướng thấp lùn răng hô môi sứt thêm cái nói ngọng; chỉ có mỗi nghề đi chăn thuê vịt chạy đồng. Mùa vịt đẻ có người thuê, anh suốt ngày lặn lội bãi đồng sông nước, đêm về ngủ luôn nơi lều vịt vừa canh trộm vừa chờ khuya lượm trứng cho chủ. Hết mùa, anh gác sào chuyển sang nghề “thợ đụng” - tức ai kêu gì làm nấy.

Gánh nước, bửa củi, dọn vườn, leo dừa leo cau và vân vân. Nghiệp thợ đụng công việc bữa đực bữa cái, thu nhập bấp bênh. Kệ, ít còn hơn không. Chê ít chẳng lẽ ở nhà ăn cho… chết cơm? - bác Bốn Kịch cha anh tuyên bố chắc khừ. Không sao, anh Thảng xấu tướng nhưng được cái nết hiền lành, cha biểu sao anh nhất nhất làm theo y vậy.

Giá kiếp người chỉ cần cơm ngày 3 bữa thì không nan giải gì lắm. Khổ nỗi, anh Thảng cũng có cái giống hệt như mọi người đàn ông, nghĩa là anh cần phải… lấy vợ. Người ngợm, công việc như anh đúng khó kiếm vợ. Anh Thảng từ lâu đã tới tuổi lập gia đình, lại là con trai một. Vợ chồng bác Bốn Kịch thèm cháu bế, sấp ngửa chạy ngược chạy xuôi tìm mối cho con mãi không ra. Xinh đẹp, giỏi giang đương nhiên không dám trèo; nhưng đám gái quê tầm tầm chẳng giỏi chẳng xinh cũng cứ nghe anh Thảng là ẹ. Có người hiến kế: hay qua hỏi con Bớt…

Ông Bốn Kịch nhảy nhồng như kiến đốt đít, mắt toé lửa: Nè, có xấu có dở cũng là con Bốn Kịch, con trai một đó, hết chuyện đùa na?? Ông hàng xóm lỡ miệng im khe, nhưng sau đó xì xào sau lưng: nồi nào vung nấy, đã thấp còn cứ muốn trèo cao hỏi tìm sao ra… Tin bay tới tai Bốn Kịch khiến ông càng nổi xung thiên. Được, đã vậy, ông đây sẽ quyết tìm, cưới cho thằng Thảng được con vợ xinh, cho mấy đứa xì xào ác miệng kia phải tắt đài luôn cho bõ ghét!

Tưởng ông Bốn sướng miệng nói vung chơi, ai dè thiệt!

Cô Lụa xóm bên xinh nhất xóm, trai ngấp nghé tùm lum không hiểu sao đùng cái lại đi nhận trầu cau nhà anh Thảng. Và hỏi, và cưới, trong vòng nửa tháng. Xóm làng té ngửa, không ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Thánh nhân đãi khù khờ, thằng tốt số dữ! Tội nghiệp con Lụa, hoa lài cắm cứt trâu…

Lần xì xào này với Bốn Kịch chẳng đáng quan tâm. Đại thắng lợi. Ông đi ra đường ngực ưỡn tay khuỳnh, mặt cứ vênh lên. Điệu bộ ấy phát đi rõ ràng một thông điệp, dịch sang tiếng phổ thông có nghĩa rằng: đã - biết - tay - ông - chưa? Biết rồi, khổ lắm, im như thóc, đâu ai dám nói gì đâu.

Có chăng chỉ mỗi anh Thảng luôn mồm cười toét cười toe, gặp ai cũng sung sướng khoe bằng cái giọng ngọng líu ngọng lô: ui lấy ược zợ ầu nghen (tui lấy được vợ rồi nghen). Nhìn cảnh anh Thảng hớn hở tung tăng mà lắm anh trai cùng xóm cõi lòng tê tái. Mình vầy mà cuối cùng lại thua nó. Rõ thiệt là…

Cưới đâu được 3 tháng thì cô Lụa đẻ.

3.

Tiếng có chồng con nhưng Lụa chẳng ngó ngàng gì đến chuyện nhà chuyện cửa (mình đẹp mình có quyền chớ). Cô thích diện áo quần, ngắm vuốt, phấn son hơn là loay hoay với cơm nước, chợ búa. Rảnh nữa thì cô đi “bà tám” với lối xóm hoặc lập hội đánh bài.

Hắt hủi anh chồng cục mịch xí trai như đầy tớ: trừ mùa anh Thảng chăn vịt mướn ngủ luôn ngoài đồng cô mới chịu nhúc nhích tay chân. Hết mùa là thôi, anh Thảng về nhà sẽ được “ôm show” tất tật từ chuyện bé tới chuyện to; vậy mà lơ mơ vẫn bị cô chửi như tát nước.

Không sao, anh Thảng vốn tốt nước nhịn, cứ đánh bài ôm bụng chịu, nai lưng cày. Oái oăm, anh càng nhịn cô càng thấy anh… đáng ghét. Cô ghét cái tướng người lé đé (thấp nhỏ) lúc nào cũng chua loét mồ hôi, hăng hăng phân vịt. Cô ghét cái giọng ngọng líu ngọng lô nói ba từ chỉ nghe ra một; ghét luôn cả thái độ chiều luồn nhẫn nhục của anh dành cho cô.

Chuyện “sinh thiếu tháng” có khiến cô e dè mất một thời gian, nhưng sau lờn mặt có lần khùng lên cô bảo thẳng tưng: thằng cu Giống đâu phải con anh mà anh thương. Tui, con đàn bà mất nết, lừa anh vậy đó. Anh chửi tui đi… Mặt anh Thảng đỏ lựng, nhưng anh không chửi, vẫn cứ tiếp tục nhịn vợ, chăm thằng cu Giống, điên chưa?? 

Ai đó bảo: phụ nữ đẹp như con thuồng luồng, không chịu ở cạn… câu này đem áp dụng cho cô Lụa quả đúng. Với cô, anh Thảng là cái ao quá cạn, không đủ cho cô vẫy vùng. Vậy nên, một buổi trưa anh Thảng đi làm về không thấy bóng cô Lụa đâu. Quần áo tư trang cũng không. Sót mỗi một thứ cô không mang theo là thằng cu Giống. Nó đang lê la trước thềm nhà, khóc mếu…

4.

Tôi xa xứ đã lâu, mang theo mảnh ký ức về chị Bớt xấu gái không chồng, luôn câu chuyện ông Thảng ngọng nghịu xấu trai lấy vợ đẹp nhất làng để kết cục lại thành có - con - không - vợ. Ký ức dở dang mà ám ảnh. Kiếp người sao trớ trêu quá đỗi, ai bảo cứ ở hiền rồi sẽ gặp lành? Như tôi đây: tận tuỵ yêu thương hết lòng hết dạ với bạn đời để một sớm được văng vào mặt câu nói phũ phàng từ miệng anh: tôi muốn ly hôn. Sống với cô tôi không thấy mình hạnh phúc!

Người phụ nữ ấy đẹp hơn tôi. Hơn nhiều. Tôi biết.

Tết. Tôi đưa con về thăm quê, thăm mẹ. Cũng định “an trú” một thời gian nơi cái nôi thơ ấu cho nhẹ lòng. Xong tết mẹ dọn nhà, kêu người tới mua nhôm nhựa. Tưởng ai, hoá ra chị Bớt. Gặp lại bạn xưa mừng quá, tôi xắng xở phụ thu gom, còn toan phụ chị chở về nhà. Không cần, lát ảnh tới chở… Ngữ điệu nghe giống đàn bà có chồng. Chẳng lẽ…

Tế nhị không hỏi tiếp, sợ vô ý chạm phải vết thương đàn bà còn đang đau buốt. Xe máy tới. Chiếc honda cối đời 1980 cà tàng ào vô sân. Người đàn ông thấp bé nhảy xuống, cùi cụi rinh bao phế liệu to đùng chất lên cái ba-ga to tướng đằng sau; cùi cụi một mình lo toan dây nhợ không để chị Bớt động tay, xong rồ máy xe chạy thẳng. Anh Thảng! Giờ thì tôi bắt đầu lơ mơ hiểu ra, khỏi hỏi.

Tối, mẹ kể:

Duyên nợ của hai đứa nó cũng “lên bờ xuống ruộng” lắm. Thằng Thảng từ ngày con vợ bỏ đi đầu tắt mặt tối lo làm mướn nuôi con. Nó đi chăn vịt suốt ngoài đồng, thằng cu Giống ở nhà lê la không ai chăm. Gửi ông bà nội không nhận, bảo đồ con hoang, máu mủ gì tao mà chăm với chút? Quên nói: lão Bốn Kịch từ ngày con dâu bỏ nhà đi cứ rượu vào tê tê là chửi vung thiên địa.

Chửi chán đứa con dâu lăng loàn mất nết lại quay sang chửi thằng con trai ngu đần vô tích sự, có con vợ cũng không giữ nổi. Thứ ngu như mày chỉ có lấy… chó, lấy người ai ưng?? Chửi tàn tệ vậy nhưng thằng Thảng vẫn im ru bà rù, không một tiếng cãi cha. Gửi con nhà cha mẹ không xong, nó đem sang hàng xóm gửi.

Hàng xóm trông con giùm cho nó, mày biết ai không, chính là… con Bớt.

Mẹ kể tiếp:

Ban đầu thằng Thảng ngại phiền, chỉ dám gửi lát trưa, lát tối. Nhưng lâu thằng nhỏ mến, cứ nằng nặc đòi ở với “mẹ Bớt” luôn đêm. Cũng lạ, cái bớt trên mặt con Bớt hù con nít cả xóm đái ra quần, riêng thằng cu Giống nó không biết sợ. Con Bớt ban đầu chắc tội nghiệp thằng Thảng, nhưng lâu riết đâm thương thằng nhỏ lúc nào không hay.

Đàn bà ở lớn không chồng thèm có đứa con cũng chuyện thường thôi. Vậy nên mới giỡn thiệt cùng anh cu Thảng: thấy anh gà trống nuôi con cực quá, hay anh… cho thằng cu Giống luôn đi, tui nuôi. Cho sao được mà cho, kệ ai nói ngược nói xuôi, thằng Thảng cũng quý ông con “lộn giống” như cục vàng. Anh/ả cùng chăm anh cu Giống; qua lại lại qua riết rồi thành chuyện lửa gần rơm…

Vậy bác Bốn Kịch chịu yên na?

Yên sao được mà yên? Lão Bốn hay tin, kêu thằng Thảng về làm dữ. Cứ tưởng nó hiền như mọi bận, ai dè lần này nổi hung. Lần đầu tiên nó dám cãi cha. Nó bảo: ông không thương tui, thương con tui thì để người khác thương, đừng có ồn! Ông Bốn Kịch cứng lưỡi, tắt đài. Bà Bốn biết chuyện hơn, tìm cách nhỏ to khuyên ông chồng ngang như cua xuống nước.

Nói vậy chớ làm gì không xuống? Kết cuộc hai đứa lấy nhau. Con Bớt coi xấu xấu vậy mà giỏi: có mỗi nghề mua nhôm nhựa mà lo đàng hoàng cho chồng con; lại còn dư tậu đất, xây nhà. Tội cái nó lấy chồng lúc lớn hung, không đẻ đái gì được. May mà có thằng cu Giống…

Y.N

Tin cùng chuyên mục