Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đàn chim sẻ
Chủ nhật: 23:31 ngày 31/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi được chuyển về thị trấn T dạy học. Ngày ấy thị trấn mới thành lập được dăm năm, dân cư chưa đông lắm nên với túi tiền giáo viên quèn, tôi vẫn có cơ hội mua được một căn nhà trong hẻm hợp với sở thích của mình.

Con đường hẻm ấy rộng vừa đủ cho hai xe ô tô không lớn lắm tránh nhau; không xa quá cho những nhà hai bên đường dễ dàng qua lại giao tình gần gũi thân mật như láng giềng nơi thôn dã. Tiếng là khu phố nhưng nhà cửa vẫn còn xuềnh xoàng tre lá, cư dân đều là những người lao động nghèo, ai nấy đều chung một cách thức sinh hoạt xô bồ, không xã giao kiểu cách, mọi chuyện hay dở của mọi nhà cứ bô lô ba la ngoài cửa miệng. Nhờ vậy tôi đến ở chưa đầy tuần lễ, đã có thể biết được một cách đại khái gần hết mấy gia đình cá biệt trong khu phố. Tỉ như cách nhà tôi vài căn là nhà anh Tư Bòn. Tư Bòn là biệt danh hàng xóm đặt cho bởi tính anh hay nhặt nhạnh những đồ cũ hàng xóm bỏ đi đem về tỉ mẩn sửa chữa qua loa để dùng tạm. Tên thật của anh chả ai cần biết ngoài ông cán bộ hộ tịch khu phố. Tôi nghĩ có thể bởi hoàn cảnh vợ chồng anh đã nghèo quá lại đông con. Đông con, nhưng cô vợ anh cứ ngồn ngộn đẹp một cách rất chi là phồn thực làm nguyên nhân cho những chuyện rắc rối, tôi sẽ kể ở phần tiếp theo chuyện này. Riêng bọn con cái anh ta tuy thất học nhưng cho đến lúc này chưa có đứa nào vướng víu với tụi lưu manh bụi đời ngoài chợ. Xế bên kia đường về phía trái là nhà lão Tư bốc vác độc thân. Năm trước vợ lão bỏ đi mất tăm vì lão quá vũ phu, ngày hai cữ nhậu say mèm, ca hết bài vọng cổ buồn đời lại lôi vợ ra làm cái bị bông tập đấm bốc cho hả giận. Lão thường khoe khoang từng là võ sư đai nọ đẳng kia, nhưng chưa hề thấy lão đánh đấm với ai ngoài mụ vợ hom hem, nhàu nhĩ như giẻ rách. Mà dù có võ thực thì với thân hình nhỏ thó, dúm xương tách thịt, một mắt lác còn nửa con ngươi thì lão đánh nổi ai. Của đáng tội cũng có vài người lạ nể sợ lão có lẽ ở cái bộ râu trên dày và đen nhánh như đuôi chó mực luôn tạo cho vẻ mặt lão sát khí gườm gườm dễ sợ của tụi xã hội đen trên phim Mỹ. Lão có thằng con trai mười hai tuổi chuyên ăn cắp vặt, đầu năm nay phải đi tập trung trên trường giáo dưỡng ba năm nữa mới được về. Bây giờ hằng ngày lão ra chợ mang vác cá tôm rau củ cho các chủ sạp, nhưng chả ai muốn thuê vì lão có tật hay chuyển “nhầm” đồ vào giỏ của mấy thằng ăn cắp cùng băng với con lão. Cả khu này ai cũng biết lão đang bị đói, đói rã mép vì có nguồn thu nhập nào đâu. Ngày ngày chỉ sống nhờ vào bọn trẻ bạn cùng băng với con lão đùm cơm thừa canh cặn của các nhà hàng mang đến nhà lão xì xụp nhậu nhẹt, hát hò, trai gái gây ồn ào tới khuya. Dân phố chả ai dám cự nự, dây vào. Chỉ khổ cho bác Ba già hưu trí nhà ngay sát nách với nhà lão. Ông già này có nhiều nét sinh hoạt khiến tôi để ý ngay từ bữa mới về đây cư ngụ. Có vẻ thu nhập của ông vào loại khá nhất xóm này. Trước đây ông là viên chức Bưu điện huyện. Nghỉ hưu được chục năm rồi. Bà vợ ông qua đời đã vài chục năm nay. Tuổi ông đoán chừng ngoài bảy mươi một chút. Dáng người nho nhã, đi lại ý tứ, nói năng nhỏ nhẹ. ra dáng người có học. Ông có hai con gái đã thành gia thất. Một lấy chồng xa tôi chưa gặp mặt. Còn một công tác gì đó ở một viện khoa học trên Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ nhật, thứ bảy thi thoảng vợ chồng họ có về thăm bố. Lần nào cũng đi bằng xe du lịch sang trọng. Gặp người trong xóm đều chào hỏi thân tình, cung cách giản dị thân mật dễ gần. Ông Ba ở một mình trong ngôi nhà nhỏ, sân sướng sạch sẽ không vương vãi một cọng rác. Đặc biệt vườn nhà ông tuy nhỏ nhưng toàn cây ăn trái mùa nào thức ấy trái trĩu trịt cành.

Tôi được là bạn vong niên với ông, từ buổi chiều sau năm sáu ngày gia đình tôi tàm tạm ổn định chỗ ở mới. Bữa ấy hai bố con tôi đang ngồi hóng mát trên chiếc ghế đá của chủ cũ để lại kê cạnh bụi tre la ngà thẳng chuốt mấy chục thân vàng óng, chen nhau mọc bên cạnh cổng, ngọn rủ cong cong xoè tán lá xanh trùm bóng mát rượi suốt ngày. Từ xa đã thấy ông đang đi đâu về, nhè nhẹ bước từng bước ngắn về phía chúng tôi, nách kẹp tờ báo và mái đầu màu trắng xoá cúi bất động gần như vuông góc với tấm áo nâu che bộ ngực lép kẹp. Đến gần, ông chủ động chào trước rồi xoa đầu con tôi khen cháu dễ thương quá. Đoạn ông niềm nở giới thiệu:

- Bác ở nhà trước mặt, rảnh rỗi mời sang chơi. Biết cậu giáo về làm dân xóm này cả tuần lễ mà chưa sang chào được, thật tình xin lỗi.

Tôi vừa kịp đứng lên, thì ông đã xoay người thong thả đi ngang qua đường về nhà. Thoáng sau, khung cửa gỗ trước ngôi nhà ba gian làm theo kiểu cổ, mặt tiền đối diện với nhà tôi đã được ông mở toang hai cánh. Đèn trong nhà vừa bật sáng thì từ bên ấy bỗng vọng đến tai tôi chùm âm thanh vừa dịu êm vừa náo nức của một bài hát cổ điển phương Tây, phát ra từ chiếc máy quay đĩa than có niên đại ra đời gần bằng tuổi bài hát, tôi nhận ra bản “Sông Đa-nuýp xanh” của Johann Strauss. Trưa hôm sau, cha con tôi sang nhà ông đáp lễ. Dưới bóng mát cây mận đang kỳ đỏ rực trái chín là một bộ bàn ghế đá mài, ngồi ở đó đã có mấy cụ già đang chụm đầu đấu cờ tướng. Thấy tôi, ông Ba vội đứng dậy xin phép các bạn tiếp tôi trong nhà. Được ngắm nhìn cách bài trí giản dị gian khách nhà ông, tôi càng thêm cảm mến và củng cố thêm nhận định ông là một con người có học, có văn hoá như tôi đã sơ sơ phán đoán. Thằng con trai tôi mê cây mận quá cứ len lén kéo áo cha chỉ trỏ, biết ý, ông bảo cháu ra lấy cây sào ông dựng ngoài đó, ăn bao nhiêu tuỳ thích. Rồi giải thích thêm:

- Mùa nào cũng trái đầy cây, tôi già có thiết ăn đâu. Bọn trẻ hàng xóm ăn giùm cả đấy. Mấy bữa rày có hội lao nhao bên chú Tư bốc vác không kiếm được mồi nhậu sang hái cả rổ, không thì rụng đầy sân.

Tôi nhìn ra cây xoài giữa vườn đã vào hàng cổ thụ, từng chùm trái cỡ nắm tay trẻ con đang trở nên già, sắp chín. Khoanh đất quanh gốc cây sạch bóng và mịn phẳng như sân cho gà vịt ăn mỗi sáng. Ông kể thêm, cả cây xoài cùng cây mận đều do tay bà nhà tôi trồng từ buổi mới về đây lập nghiệp. “Hơn ba chục năm rồi cậu giáo ạ”. Giọng ông ngậm ngùi có nhiều dấu hiệu của người già đa cảm nhiều tâm sự.

Từ buổi ấy, dần dà cha con tôi và ông hằng ngày gặp gỡ tri kỷ đủ mọi cung bậc nỗi đời. Con tôi thích nhà ông vì có nhiều trái cây trong vườn, còn vì sân nhà ông lúc nào cũng ríu ran nhiều chim sẻ quá. Chúng cứ tự nhiên như gà nhà, bay lên lượn xuống xập xoè vui mắt. Tôi thì mê ông vì nhiều điều ông răn bảo với nhiều câu chuyện rất đỗi thú vị, rất đỗi con người. Biết tôi sẵn nặng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, có lần ông hỏi thẳng:

- Cậu giáo có biết hiện tượng nhiều học sinh bây giờ có vẻ không tôn kính thầy cô bằng lứa học trò thời cổ hủ chúng tôi không? Rồi ý tứ ông tự trả lời:

- Hình như… cậu giáo bỏ qua cho, hình ảnh một số thầy cô bây giờ trong mắt học trò nhếch nhác quá, nhếch nhác đến độ không thể chấp nhận được, thế mà vẫn cứ hằng ngày lên bục giảng.

Lần khác ông chất vấn tôi:

- Khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” xưa nay đều viết to, viết đậm trên tường các trường học, thời nay người ta giải thích cặn kẽ, cụ thể cho cậu giáo những nội dung gì? Hình như mông lung quá phải không?

Chuyện gì ông cũng thủng thẳng đệm hai từ hình như. Chẳng khẳng định gì mà lý sự của ông khó mà bác bỏ. Được nhiều lần ông mở nỗi lòng bộc bạch với tôi, những trăn trở thế sự hàm chứa nhiều yếu tố văn hoá với một tâm tư đầy trách nhiệm như vậy, tôi hiểu ra con người này có nhiều đức tính cho cha con tôi cảm phục và gắng công học hỏi cả đời dễ gì theo được.

Cho đến một hôm trời mưa không to nhưng cứ lất phất rỉ rả cả ngày không ngớt hạt lúc nào. Thời tiết rất khó chịu, đi dạy về lòng vô cớ buồn không thể nào ngủ được, tôi lò dò định sang ông chuyện vãn. Bên này đường tôi đã thấy ông đứng sẵn đầu hè từ lúc nào, toàn thân dính sát vào vách tường, đầu nghiêng nghiêng về phía cuối vườn, vẻ như đang chăm chú theo dõi động tĩnh nhà lão Tư bốc vác.

Thoáng thấy tôi dợm bước sang đường, một tay cầm cái chén nhôm, tay kia ông khoát lia lịa về phía tôi có ý bảo hãy quay về. Một cử chỉ có phần khiếm nhã tôi chưa thấy ở ông từ khi quen biết. Tôi trở về lòng đầy băn khoăn, định bụng ngày mai sẽ gặp ông hỏi cho ra nhẽ. Nhưng ngay tối hôm ấy ông sang nhà tôi, chưa kịp ngồi, ông đã rối rít xin lỗi và thì thào bí mật tiết lộ cái lý do kỳ quặc lúc ban trưa. Hình như ông sợ có người không tin tưởng nghe lỏm được:

- Chuyện là thế này cậu giáo ạ! Cuối mùa mưa năm ngoái, bỗng đâu có trận mưa rào, lại trái khoáy đổ thêm rét nữa. Thời tiết như vậy con người ta có đủ cơm ăn áo mặc còn khổ nữa là giống chim. Tôi tự nhủ như vậy rồi để ý quan sát đàn chim sẻ làm tổ trong vườn, trong các hốc kèo nhà tôi, thấy chúng rét mướt, ướt át cứ đứng chụm vào nhau trên mấy cành cây chịu mưa mà kêu líu ríu, con già, con nhỏ đều một bộ dạng thảm hại lắm. Tôi nghĩ chúng rét thì đúng rồi. Còn đói nữa thì là cái chắc. Giông gió suốt ngày thế này kiếm ăn làm sao được. Nghĩ thế, tôi lấy nắm gạo len lén rắc dưới gốc xoài rồi ngồi rình xem chúng động tĩnh thế nào. Ngày hôm đầu chúng không để ý. Trưa hôm sau mưa gió càng già, nghe chừng đói quá, một vài con dè dặt sà xuống mổ mổ thăm chừng. Thấy bình an, chúng kéo xuống cả đàn mổ một lúc hết sạch nắm gạo tôi vừa thảy ra lúc sáng. Từ bấy đến giờ, ngày nào tôi cũng cho chúng một vài nắm gạo. Nghĩ cũng là một cách bố thí chúng sinh. Và gần năm nay đàn chim sẻ chẳng đi đâu, chúng sinh sản ngay trong vườn, quen tôi như chim nhà vậy. Trưa qua cậu giáo sang chơi, gặp lúc mưa gió tôi biết chúng đói, cho thêm ít gạo, chúng đang ăn. Sợ bị đánh động chúng bỏ đi thì tội nghiệp nên tôi có cử chỉ không lịch sự, mong cậu giáo bỏ qua cho.

Tôi lại biết thêm một góc tấm lòng nhân hậu của ông với một cảm nghĩ vô cùng thán phục. Nhưng còn cái hành vi cho chim ăn trong vườn nhà mình thì có gì phải giấu giếm? Nghĩ vậy thôi, tôi cũng chẳng bận tâm tìm hiểu làm gì. Cho tới một chủ nhật, vừa tinh mơ ông đã sang nhà tôi nhờ để ý trông hộ nhà cửa cả ngày cho ông đi vắng thăm người bạn ở xa bị ốm. Tôi nhận lời nhưng thực tình chẳng cho là quan trọng. Vì ban ngày ban mặt, vả ở khu này toàn người quen có gì phải đề phòng. Nhưng chiều hôm ấy, ông vừa về tới cổng, chưa kịp mở cửa vào nhà đã tất tả sang ngay tôi, ngồi bệt xuống mép hè thiểu não than thở liên hồi:

- Tôi hại chúng rồi, tôi giết chúng rồi cậu giáo ạ.

Chưa kịp hiểu ông hại ai? Giết ai? Tôi đã bị ông tóm tay lôi sang bên nhà chỉ cho xem chỗ gốc xoài còn vãi những lông chim màu nâu nhạt trên mặt đất. Và trong sân, trong vườn lúc ấy vắng ngắt không một bóng chim ríu rít chuyền cành như mọi khi. Tôi à lên một tiếng đau xót hiểu ra sự tình. Đàn chim sẻ nhà ông bị chúng dùng bẫy lưới chụp bắt hết rồi. Còn thủ phạm thì chính là cái lũ lưu manh đang ăn nhậu bên nhà lão Tư bốc vác kia chứ ai. Chiều ấy nhà ông lạnh ngắt buồn như đang có đám tang. Ông Ba và tôi cứ ngồi cạnh nhau lâu lắm. Tay tôi nắm chặt tay ông không rời. Còn ông thì lúc bất động như pho tượng thiểu não cúi thõng mái đầu tóc trắng, lúc thờ thẫn đưa mắt nhìn vạt đất chỗ gốc xoài đã trở nên trống trải và im ắng khác thường, miệng không ngớt thất vọng thở than:

-  Tại tôi cả, tại tôi cả, tôi có tội với chúng rồi. Giá như tôi không cho chúng ăn chỗ ấy thì đâu nên nỗi.

Trong khi ấy bên nhà lão Tư không ngớt vang ra tiếng hú hét gầm gào đủ giọng con trai, con gái đang cơn phấn khích. Trội hơn cả vẫn là cái giọng nhừa nhựa của lão già mắt hiếng có bộ ria đen nhánh như đuôi chó mực:

- Đ.M thằng mặt sẹo háu ăn, đã bảo từ từ chọc huyết chúng hứng vào can rượu, không nghe. Cái thứ rượu huyết chim sẻ uống vào là sung lắm. Thật uổng. Đ.M! Giờ mà có một ly thôi thì mấy con đ* chúng bây đêm nay cứ là sướng rơn hết biết.

Tôi lờ mờ nhớ ra mấy bữa trước từng trông thấy mấy đứa bọn chúng lấp ló bên bờ rào nhà lão chỉ trỏ sang vườn ông Ba. Lại bắt gặp một bữa lão Tư thó được đâu tay lưới cá ngồi hì hụi khâu khâu buộc buộc vào cái vành tre cong cong. Cứ nghĩ chúng dùng vào việc xúc tôm xúc tép chi đó ngoài sông kiếm ăn. Ai dè… Mà chim trời, cá nước xưa nay có của riêng ai. Kiện cáo với ai bây giờ. Buồn vậy. Ông Ba ơi! Để xảy ra cớ sự này tôi cũng có phần lỗi lớn, bởi tôi không dám nghĩ xấu về một số loại người để mà cảnh giác. Tôi buồn lắm và tôi biết lắm, ông còn đau đớn, thất vọng hơn tôi vì nhiều lẽ… Tuổi gần đất xa trời mà còn chua chát thất vọng thì đau lắm. Tôi hiểu ông mà… ông Ba!

Vĩ thanh

Sau buổi chiều buồn bã ấy mấy tháng, tôi được Sở Giáo dục - Đào tạo cử đi học hai năm lấy bằng thạc sĩ. Hè về nghỉ ít ngày, chưa nóng chỗ, ông Ba bưu điện đã tất tả sang chơi. Ông ngồi rọ rạy không yên. Đôi con mắt lim dim ánh cười như muốn khoe ngay một tin gì vui lắm. Quả nhiên mới nhấp một ngụm trà, ông bật nói như reo:

- Tôi lại nuôi được lứa chim mới rồi cậu giáo ạ. Chưa đông bằng đàn trước nhưng triển vọng lắm.

Chưa dám hỏi ông không sợ bọn Tư bốc vác nữa sao, thì ông tiếp luôn:

- Bọn nó bị Công an bắt sạch cả rồi. Đâu như làm cái việc dính đến ma tuý gì gì ấy. Nhưng mà tôi vẫn cứ phải cảnh giác cho ăn trên sân thượng mái nhà. Phòng khi…

Tôi hiểu ông muốn nói bọn ấy sẽ có ngày về. Và trong thâm tâm ông vẫn gờn gợn nỗi lo sợ bất an một năm trước đó. Có lẽ ông đã đúng. Bởi tôi sẽ còn phải kể tiếp chuyện buồn nhà anh Tư Bòn có dính dấp với chuyện lão Tư bốc vác sau này.

Nhưng dù sao thì hiện thời khu phố chúng tôi vẫn cứ vui, vì đàn chim sẻ vườn bác Ba bưu điện vẫn được hằng ngày yên ổn xập xoè ríu ran cùng với ông già nhân hậu, một thành viên của tổ dân phố nghèo nhưng giàu tình thân ái.

V.T.K

Tin cùng chuyên mục