Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm hộ dân phải chịu khổ vì địa giới hành chính không hợp lý, rõ ràng.
Bưu điện văn hoá xã Long Phước đang toạ lạc trên địa bàn ấp Long Tân của xã Long Giang.
Ở xã Long Phước (huyện Bến Cầu), từ nhiều năm nay tồn tại một thực trạng rất khó hiểu. Ðó là có nhiều cơ quan thuộc xã Long Phước toạ lạc trên địa bàn xã Long Giang và hàng trăm hộ dân ở trước trụ sở UBND xã Long Phước, nhưng lại là cư dân xã Long Giang.
Trụ sở các cơ quan như Hội Ðông y, Hội Người cao tuổi, Nhà văn hoá ấp, Bưu điện văn hoá xã Long Phước lại nằm trên địa bàn ấp Long Tân của xã Long Giang, dù rằng ở ngay trước cửa UBND xã Long Phước.
Ngược lại, hàng trăm hộ dân trên địa bàn ấp Long Tân, xã Long Giang, mặc dù ở ngay trước trụ sở UBND xã Long Phước nhưng mỗi khi có việc phải đi một quãng đường khá xa đến UBND xã Long Giang để thực hiện thủ tục hành chính. Một người dân ấp Long Tân nói: “Phải chi địa bàn ấp này được sáp nhập về xã Long Phước thì đỡ khổ cho người dân”.
Ông Ðỗ Quang Thuận, Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, trước đây, địa bàn ấp Long Tân thuộc xã Long Phước. Khoảng 20 năm trước, khi còn chính sách thu thuế nông nghiệp, UBND xã Long Giang xin Chính phủ cho tách địa bàn ấp Long Tân ra và nhập vào xã Long Giang để tạo nguồn thu cho xã.
Ðến nay, hơn 100 ha đất và hơn 190 hộ dân của ấp Long Tân vẫn thuộc xã Long Giang. “Người dân ấp Long Tân tha thiết muốn được trở lại xã Long Phước. Chúng tôi cũng đã có văn bản đề nghị cấp trên trình Chính phủ xin cho sáp nhập trở lại để thuận tiện cho người dân, đồng thời giúp chính quyền địa phương dễ quản lý hành chính, an ninh trật tự... nhưng chưa được giải quyết”.
Trong khi đó, người dân ấp Tân Châu (xã Tân Phú, huyện Tân Châu) gặp cảnh trớ trêu khác. 28 năm trước (13.5.1989), huyện Tân Châu được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Tân Biên và gộp thêm một số xã, ấp của các huyện Dương Minh Châu, Hoà Thành. Từ đó đến nay, có hàng chục hộ dân với hàng trăm ha đất “nằm ngoài vòng pháp luật”, vì không thuộc địa phương nào quản lý.
Ông Lê Tấn Thành, Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) cho biết, khi huyện Tân Châu tách ra từ huyện Tân Biên, không rõ công tác đo đạc lúc bấy giờ như thế nào mà nơi giáp ranh với xã Thạnh Bình, dọc theo phía Ðông của đường 793, có một phần đất khá rộng bị “hở”.
Phần đất này không thuộc địa giới hành chính của địa phương nào. Vì vậy, tất cả những hộ dân làm ăn, sinh sống trên phần đất này gặp vô vàn khó khăn. Họ muốn làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDÐ) trên phần đất của mình đang canh tác cũng không được, muốn sang nhượng đất cũng không xong, muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc xin giấy phép cất nhà ở cũng không biết xin ở đâu. “Bản thân tôi cũng có gần 1 ha đất trong khu vực này, hàng chục năm qua không có giấy CNQSDД, ông Thành nói.
Một người dân khác cũng “phàn nàn” bà từ nơi khác đến đây mua đất để mở quán bán thức ăn sáng, nước giải khát. Hai bên mua bán chỉ làm “giấy tay”, vì không có giấy CNQSDÐ để sang tên, tách thửa.
Thời gian gần đây, việc buôn bán gặp khó khăn, bà muốn làm giấy CNQSDÐ phần đất này để vay vốn ngân hàng nhưng không nơi nào giải quyết.
Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Châu, đúng là từ khi thành lập huyện đến nay, có một khu vực không xác định rõ ranh giới.
Trước đây, khu vực này thuộc đất của Nông trường Thạnh Bình. Sau khi nông trường bị giải thể, khu đất này được giao lại cho Công ty Mía đường quản lý. Năm 2013, huyện Tân Châu đã phối hợp với Xí nghiệp trắc địa bản đồ - Công ty Tài nguyên và Môi trường miền Nam tiến hành đo tổng thể khu vực này để xác định ranh giới giữa hai xã thuộc hai huyện.
Năm 2016, khi nghiệm thu công tác đo đạc và vẽ bản đồ lại thấy phần đất “hở” nêu trên hiện thuộc ấp Tân Châu, xã Tân Phú.
Ðể xác định lại thông tin phần đất “hở” nêu trên có đúng là thuộc địa bàn ấp Tân Châu hay không? UBND xã Tân Phú đã xây dựng phương án sử dụng đất xong chưa, người dân trong khu đất này muốn được cấp giấy CNQSDÐ thì cần những hồ sơ gì, nộp ở đâu, nộp cho ai, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú và cán bộ địa chính của xã để tìm câu trả lời nhưng bị từ chối với lý do bận họp.
Trường Sơn - Thái Hoà