Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dân lập chốt, thu tiền xe "né" trạm BOT
Thứ năm: 09:24 ngày 13/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Để né trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5, Hải Phòng, mỗi ngày có hàng trăm xe ô tô phải chi tiền cho "ban tự nguyện" đóng chốt tại khu vực thôn Cữ, xã Lê Thiện, huyện An Dương, TP Hải Phòng để được đi qua đoạn đường liên xã.


Một thành viên trong "ban tự nguyện" của thôn Cữ, xã Lê Thiện nhắc tài xế nộp 10.000 đồng để được đi qua chốt - ẢNH: Tiến Thắng

Từ cuối năm 2016, đoạn đường liên xã dài hơn 2km nối từ khu vực thôn Cữ, xã Lê Thiện đến xã Dụ Nghĩa, huyện An Dương, TP Hải Phòng đi vòng qua trạm thu phí BOT số 2 quốc lộ 5 đã bị quá tải bởi dòng xe cơ giới ùn ùn đổ về cả ngày lẫn đêm nhằm "né" trạm thu phí.

Thu tiền để nâng cấp đường

Theo người dân khu vực, trung bình mỗi ngày tại đoạn đường này có đến hàng trăm lượt xe ô tô qua lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông.

Nắm bắt được điều này, một người dân trên địa bàn xã Lê Thiện đã quyết định đứng ra huy động cũng như tự bỏ tiền túi để đầu tư nâng cấp mặt đường liên xã bằng cách mua đất đá về rải lên mặt đường cũ. Sau khi "nâng cấp", người dân trong thôn Cữ cũng tự thống nhất lập barie đặt ngay đầu thôn để ngăn chặn dòng phương tiện rầm rầm qua lại đây.

Tuy nhiên, những chủ phương tiện nào qua đây chịu "chi" từ 5.000-10.000 đồng/lượt thì lại được đi lại thoải mái.

"Ban tự nguyện" đứng ra thu tiền, có cắt cử lực lượng thay phiên nhau đứng gác bất kể ngày đêm.

Ông H, 64 tuổi, trú tại thôn Cữ, xã Lê Thiện, một trong số những người trực tiếp thu tiền của các lái xe đi qua chốt, cho biết việc "thu phí" đã được người dân trong thôn thống nhất và tự cắt cử người đứng ra thu để nhằm lấy kinh phí sửa chữa đoạn đường đang ngày càng xuống cấp.

Theo đó, mỗi ngày nhân viên tại chốt này sẽ chia làm ba ca túc trực 24/24 để thu phí.

Ngoài các phương tiện từ địa phương khác thi thoảng mới đi qua với mức thu phí mỗi lần là 10.000 đồng/lượt, những phương tiện nào thường xuyên đi qua chốt thì cũng có thể mua "vé tháng" với mức 300.000 đồng/tháng.

Theo quan sát, bên trong chốt barie tại đây có treo tấm bảng ghi danh sách số lượng phương tiện đã đóng tiền mua vé tháng 6 với khoảng 20 xe các loại. Bên cạnh đó cũng có một cuốn sổ thống kê số lượng phương tiện qua lại hàng ngày, trung bình đạt gần 300 lượt xe/ngày.

Anh T.Đ.N, 36 tuổi, tài xế xe tải chở hàng tại TP Hải Dương, cho biết anh thường xuyên phải đến Hải Phòng giao hàng, từ sau khi tăng cước phí qua Trạm BOT trên QL5 thì anh quyết định tìm cách chọn cung đường khác để "né" trạm nhằm giảm chi phí.

Theo anh N, mặc dù biết việc thu phí của người dân thôn Cữ là không đúng quy định nhưng vẫn chấp nhận nộp tiền để được đi qua bởi nếu đi qua trạm thu phí trên đường 5 thì số tiền bỏ ra lớn hơn gấp 7-8 lần.

"Nếu đi qua trạm thu phí trên quốc lộ 5 thì tôi phải mất đến 90.000 đồng, còn đi qua đường liên xã này dù không có biên lai nhưng chỉ mất có 10.000 đồng/lượt", anh N nói.


Để "né" trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5, nhiều ô tô bỏ từ 5.000-10.000 đồng/lượt để được đi qua đường liên xã - ẢNH: Tiến Thắng

Chỉ thu tiền xe "tự nguyện" nộp

Ông Lê Anh Quân, chủ tịch UBND huyện An Dương, cho biết có nắm được việc người dân thôn Cữ, xã Lê Thiện tự lập chốt barie để thu phí ô tô đi qua. Theo ông Quân, UBND huyện đã có chỉ đạo, giao cho lãnh đạo UBND xã Lê Thiện khẩn trương chấn chỉnh, dẹp bỏ điểm thu phí tự phát này từ tuần trước.

Tuy nhiên, đến nay chốt thu phí này hoạt động với khoảng 3-4 người túc trực tại hai bên đường tiến hành thu tiền của các xe ô tô qua lại.

Ông Phạm Văn Hải, chủ tịch UBND xã Lê Thiện, cho biết việc thu tiền mới diễn ra từ đầu năm 2017 đến nay. Trước đó, có mấy người trong thôn chủ động xin phép xã cho ra gác để điều tiết các xe qua lại nên chính quyền cũng phải đồng ý.

Ông Hải cho rằng "ban tình nguyện" không tổ chức thu phí mà chỉ những xe nào đi qua, tài xế tự nguyện hỗ trợ thì người của ban mới cầm, trường hợp nào không đưa tiền vẫn được đi qua thoải mái.

Ông Hải nói: "Những người thu tiền cũng khổ lắm chứ không sung sướng gì. Thu được tiền lại phải lo đi mua đất đá rồi thuê người san gạt. Nếu UBND huyện chỉ đạo căng quá thì địa phương sẽ cho cắm biển cấm hết xe đi qua", ông Hải nói.

Ông Hải khẳng định số tiền thu được từ các phương tiện qua lại đoạn đường thôn Cữ, chính quyền không nắm được cụ thể như thế nào và cũng không quản lý vấn đề này.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục