Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Châu Thành:
Dân lo sạt lở đất hay làm khó doanh nghiệp ?
Thứ tư: 06:15 ngày 04/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một số hộ dân có đất nông nghiệp gần sông Vàm Cỏ Ðông (thuộc địa bàn ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành) gửi đơn đến Báo Tây Ninh phản ánh DNTN Trường Thắng khai thác cát gây sạt lở bờ sông và đất đai của người dân. Trong khi đó, doanh nghiệp khai thác khoáng sản lại cho rằng “bà con đã cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian dài”.

Ðất ruộng của bà Bay còn cách mép sông một bờ đất khá rộng và cũng không bị sạt lở.

Ðất của dân chưa bị sạt lở       

Một số hộ dân đứng tên trong đơn phản ánh đến ngành chức năng và Báo Tây Ninh gồm: Nguyễn Văn Phương (người đại diện), Nguyễn Thị Bay, Lê Thanh Hải, Lê Văn Sa, Nguyễn Thành Dũng, Nguyễn Thành Trung. Các hộ dân trình bày, hằng ngày, có khoảng 4 ghe của Doanh nghiệp tư nhân Trường Thắng (DNTT) hút cát dưới sông, thời gian hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày, gây sạt lở bờ sông nhiều lần.

Người dân từng phản ánh đến doanh nghiệp, nhưng họ bảo đất đã mua của người dân (khoảng 4 ha) nên được quyền khai thác. Chính quyền địa phương có xuống hiện trường kiểm tra nhưng doanh nghiệp chưa khắc phục, vẫn cứ hút cát, gây sạt lở đất của những hộ dân gần đó. Các hộ dân yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm.

Ngày 29.3, quan sát tại khu vực DNTT thường khai thác cát mà người dân phản ánh, chúng tôi thấy 2 ghe của doanh nghiệp này đang khai thác cát. Ghe bơm cát hoạt động tại vị trí khoảng giữa sông, đoạn giáp ranh với đất của ông Nguyễn Ðức Thịnh.

Ông Phương kể: “Ðám ruộng này trước đây của ông Ngô Văn Dũ, ông Thịnh mới sang nhượng lại gần đây. Cạnh bờ ruộng giáp sông đã bị sạt lở nhiều lần do ghe hút cát”. Quan sát hiện trường, chúng tôi nhận thấy bờ ruộng giáp sông tại đoạn này có dấu “đất được đắp lại” khá chắc chắn.

Trong đơn phản ánh, ông Phương cho rằng doanh nghiệp này khai thác cát gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đất của ông. Nhưng khi đi cùng phóng viên đến hiện trường, ông Phương không chỉ được khu đất nào của ông bị sạt lở. “Thật ra những người có tên trong đơn, đất của họ chưa bị sạt lở. Tuy nhiên, bà con lo sợ sắp tới đây DNTT hút cát sập hết đất của ông Thịnh sẽ ảnh hưởng đến đất giáp ranh liền kề”- ông Phương nói.

Tiếp tục khảo sát đất của ông Lê Thanh Hải, Lê Văn Sa, chúng tôi nhận thấy, đất của hai hộ dân này nằm cặp bờ sông Vàm Cỏ Ðông, nhưng không thuộc phạm vi khai thác cát của DNTT. Thực tế, đất của ông Hải, ông Sa giáp ranh với khu vực khai thác khoáng sản của một doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp này đã ngưng hoạt động khoảng 1 năm. Nếu tính theo đường chim bay, đất của ông Sa cách điểm khai thác cát của DNTT khoảng 500m, đất của ông Hải cách khoảng 400m (đất ông Sa liền kề đất ông Hải, đất ông Hải liền kề đất ông Thịnh). “Doanh nghiệp đang khai thác cát bên kia đầu đất của ông Thịnh.

Tại sao chú lại lo sợ sạt lở đất?”. Khi nghe chúng tôi hỏi như vậy, ông Hải vội giải thích: “Tôi nghe nói, khi người thuê đất của ông Thịnh cắt lúa xong, DNTT sẽ cho ghe khai thác cát lấn sâu vào gần hết thửa đất của ông Thịnh. Lúc đó, sẽ có nguy cơ gây sạt lở ruộng của những hộ dân giáp ranh”.

Chúng tôi đến đất của các hộ dân còn lại. Theo quan sát, đất nông nghiệp của ông Nguyễn Thành Dũng, Nguyễn Thành Trung còn cách một đám ruộng của bà Nguyễn Thị Bay mới đến bờ sông (khoảng 30m), tức đất của hai hộ này không giáp sông.

Ðất của bà Bay giáp bờ sông một đoạn khoảng 140m, còn đất ông Phương giáp sông hơn 100m. Thực tế, đất của ông Phương và bà Bay còn cách mép sông Vàm Cỏ Ðông một bờ đất khá rộng và không hề bị sạt lở. Vào thời điểm khảo sát, có 3 chiếc ghe của DNTT đang bơm cát dưới sông, cách bờ so với đất của ông Thịnh khoảng 20m, từ điểm khai thác cát đến đất của ông Phương khoảng 150m.

Doanh nghiệp phản ánh bị dân làm khó

DNTT được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tư nhân lần đầu vào ngày 16.7.2007, ngành nghề kinh doanh khai thác cát, đá, buôn bán vật liệu… Ngày 14.8.2008, doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép. Theo đó, doanh nghiệp được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại vị trí đoạn sông Vàm Cỏ Ðông dài 8,12km với diện tích 407.954m2 (thuộc xã Phước Vinh và xã Biên Giới, huyện Châu Thành), thời gian khai thác từ tháng 8.2008 đến tháng 8.2022.

Chứng từ liên quan đến việc ông Phương nhận tiền “hỗ trợ” từ doanh nghiệp.

Về nội dung người dân phản ánh, ông Nguyễn Huỳnh Thái- Phó Giám đốc điều hành DNTT giải thích: người dân cho rằng đất của ông Thịnh bị lở một phần, nguyên nhân là do ghe hút cát. 

Thực ra, trước đây, ông Dũ (chủ đất cũ) có đắp bờ bao dần ra sông theo bãi đất bồi hằng năm, bởi vì đoạn này là khúc cua. Doanh nghiệp đã thoả thuận bồi thường cho ông Dũ 140 triệu đồng. Sau này, ông Thịnh cũng thống nhất thoả thuận áp dụng đến hết tháng 12.2018.

Việc bà con lo sắp tới DNTT khai thác luôn đám đất lúa này là không đúng. Bởi cát chỉ có dưới sông. Doanh nghiệp không thể khai thác đất vì giá trị kinh tế thấp hơn cát. Nếu vận chuyển đất bằng đường sông với lục bình dày đặc quanh năm doanh nghiệp sẽ lỗ.

Ông Thái cho biết thêm, doanh nghiệp khai thác cát theo giấy phép. Tuy nhiên, một số hộ dân có đất giáp sông hay phản ánh, khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ tiền không chính đáng, doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Thực tế đã từng xảy ra hiện tượng công nhân bơm cát bị bắn ná thun, chửi mắng, xua đuổi, chặt phá phương tiện khai thác… Trong một số trường hợp, doanh nghiệp muốn công việc kinh doanh thuận lợi buộc phải chi tiền hỗ trợ hoặc điều ghe sang vị trí khác khai thác nhưng cũng không yên.

Ðược biết, khoảng 6 tháng qua, DNTT không còn khai thác cát tại đoạn sông giáp với đất của ông Phương và bà Bay. Trong khi đó, những người khiếu nại khác như ông Hải, ông Sa, ông Trung, ông Dũng lại không liên quan gì đến doanh nghiệp cả. Ðối với trường hợp ông Phương, DNTT đã nhiều lần hỗ trợ tiền.

Cụ thể, ngày 2.2.2016, ông Phương nhận 33 triệu đồng với lý do có 110m đất chạy dọc bờ sông giáp ranh khu vực khai thác cát, với thoả thuận thời hạn 24 tháng. Chưa hết thời hạn nêu trên, ngày 28.11.2017, doanh nghiệp tiếp tục phải chi cho ông Phương 13 triệu đồng với nội dung “tiền hỗ trợ điểm bơm từ ngày 1 đến 24.11.2017”.

Ngày 12.12.2017, doanh nghiệp tiếp tục chi cho ông Phương 10 triệu đồng, sau đó - ngày 29.12.2017, lại tiếp tục chi 18 triệu đồng với nội dung “hỗ trợ điểm bơm”.

Trước tình hình một số hộ dân liên tục phản ánh không đúng sự thật, vừa qua, DNTT có văn bản kiến nghị với ngành chức năng. Theo đó, DNTT nêu: “Trong quá trình khai thác còn rất nhiều đoạn sông bị người dân ra ngăn cản không cho hoạt động. Nhiều lần, doanh nghiệp đã và đang hỗ trợ người dân nhưng vẫn bị ngăn cản, rất mong quý lãnh đạo các cấp tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trên để đẩy nhanh tiến độ khai thác”.

Về phản ánh của các hộ dân, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cho biết, Phòng đã nhiều lần nhận được đơn phản ánh với nội dung tương tự như đơn phản ánh của ông Phương. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra đều không phát hiện việc sạt lở bờ sông như phản ánh của người dân.

Ông Ðỗ Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh xác nhận, tại khu vực đất nông nghiệp mà người dân phản ánh, trước đây từng xảy ra tình trạng một nhóm người dùng ná thun bắn nhân công khai thác cát, chặt phá phương tiện khai thác cát. Công an cũng đã vào cuộc lập biên bản xử lý vụ việc.

Thiết nghĩ, doanh nghiệp khai thác cát cần thực hiện đúng quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đến tài sản người dân. Quá trình khai thác nếu sai phạm sẽ được ngành chức năng xử lý, việc xâm hại đến tài sản, quyền lợi của người dân đều phải bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, việc phản ánh, khiếu nại không đúng sự thật, có hành vi vi phạm pháp luật cũng cần được cơ quan chức năng quan tâm xác minh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

MINH QUỐC

Tin cùng chuyên mục