Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nhà báo vốn đã được xem là một nghề nguy hiểm. Khi chiến sự và thảm họa xảy ra với quy mô tàn khốc như trong năm 2023, nhà báo còn phải đối mặt với nguy hiểm đến tính mạng.
Báo chí và Những “cuộc chiến sống còn”
Thế giới đã chứng kiến nhiều bất ổn và những cuộc chiến khốc liệt trong năm 2023. Và báo chí cũng vừa trải qua nhiều “cuộc chiến” có thể nói là sống còn. Đó là khi họ dấn thân vào giữa bom đạn để đưa tin về những cuộc xung đột hay những thảm họa. Ngoài ra, đó còn là cuộc chiến với thông tin sai lệch để giành lại sự thật và cả cuộc chiến vì sự tồn tại trước sự chèn ép của những gã khổng lồ công nghệ!
Trong chiến tranh, sứ mệnh của báo chí không chỉ là đưa sự thật đến với công chúng, mà còn mang trên mình sứ mệnh cảnh tỉnh về sự tàn khốc của chiến tranh, từ đó góp phần tìm kiếm hòa bình cho nhân loại.
Khi năm 2022 kết thúc, các tổ chức báo chí trên thế giới thống kê rằng đây là khoảng thời gian chết chóc nhất của các nhà báo, với 58 người làm việc trong lĩnh vực báo chí và truyền thông thiệt mạng vì nghề nghiệp. Đây là con số cao nhất trong vòng 4 năm trước đó, thậm chí tăng tới 13,7% so với năm 2021. Nhìn rộng hơn, khoảng thời gian từ năm 2003 đến cuối năm 2022 còn được đánh giá là thập kỷ chết chóc nhất của ngành báo chí, khi có tới gần 1.700 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, năm 2023 mới là nỗi kinh hoàng nhất với thế giới báo chí trong nhiều năm gần đây, khi mà hàng loạt những biến động lớn trên thế giới, từ thiên tai, thảm họa, bạo lực băng đảng, sự hận thù và đặc biệt chiến tranh đã trực tiếp gây ra những mối hiểm họa đối với những nhà báo dấn thân vào các sự kiện này.
Khi năm 2023 dù chưa qua đi, nhưng một “kỷ lục buồn” dành cho báo chí đã được thiết lập. Tính đến cuối tháng 11 năm 2023, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đã thống kê được tới 69 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp như trong chiến sự hoặc gián tiếp bởi công việc làm báo của mình như việc bị sát hại vì đưa tin về các hoạt động băng đảng.
Tất nhiên, con số đó không thể lột tả hết được nỗi hiểm nguy mà các nhà báo đã trải qua trong vòng 12 tháng qua. Đơn giản không có thống kê đầy đủ nào về các nhà báo bị thương về thể xác, chứ đừng nói đến những nhà báo bị tổn thương về tinh thần, bị đe dọa tâm lý bởi những sự kiện đáng sợ mà họ theo đuổi, đặc biệt trong các cuộc xung đột vũ trang.
Các phóng viên quốc tế tác nghiệp ở thành phố Sderot phía nam Israel khi chiến sự với Hamas đang diễn ác liệt. Ảnh: AFP
Cuộc chiến Israel - Gaza quá khốc liệt đối với các nhà báo
Cả thế giới báo chí đã phải xót xa khi nhận được thông tin vào ngày 25/10 rằng nhà báo Wael Dahdouh, người phụ trách khu vực Gaza của hãng tin Al Jazeera, đã mất cả gia đình vì các cuộc oanh tạc của Israel, gồm vợ, con trai, con gái và cả cháu trai của ông. Sự kiện này thật giàu cảm xúc khi thông tin về cái chết của những người thân nhà báo này đến đúng vào lúc ông đang đưa tin trực tiếp ở hiện trường cuộc chiến.
Sau khi nhận được hung tin, chương trình phát sóng trực tiếp của nhà báo Wael Dahdouh vẫn tiếp tục, nhưng lúc này ống kính máy quay hướng về phía Wael Dahdouh như một chủ thể. Ekíp phóng viên tiếp tục ghi hình và theo chân ông đến bệnh viện, nơi thi thể những người thân yêu nhất của ông, đang nằm ở đó. Hình ảnh Wael Dahdouh đau đớn ôm thi thể được quấn trong tấm vải liệm của con gái nhỏ được chiếu trực tiếp trên truyền hình đã khiến tất cả người xem phải nghẹn lòng.
Các nhà báo chiến trường luôn ý thức và luôn được khuyến cáo rằng cần phải bảo vệ mạng sống của mình trước tiên. Nhưng với các nhà báo Palestine ở Gaza, việc đảm bảo mạng sống của mình là điều không thể, đơn giản họ đang phải đóng cả 2 vai trong cuộc chiến này: vừa là người dân của vùng chiến sự, vừa là những nhà báo có trách nhiệm phải ra hiện trường để đưa tin. Dẫu vậy, Wael Dahdouh và nhiều nhà báo khác, họ vẫn không từ bỏ sứ mệnh đưa thông tin đến thế giới ngay cả sau khi đã mất người thân và dù đều hiểu được rằng họ có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến ở Gaza còn hơn là một cơn ác mộng đối với các nhà báo Palestine, thậm chí không quá khi nói rằng còn là “địa ngục”. Xin lưu ý, cuộc xung đột Ukraine - Nga là cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II và lớn hơn nhiều so với cuộc chiến ở Gaza xét về quy mô, song gần 2 năm qua chỉ chứng kiến khoảng 17 nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.
Nhà báo người Palestine, Wael Dahdouh, đau đớn khi đến nhận thi thể vợ và 2 con tại bệnh viện ở Gaza. Ảnh: Al Jazeera
Mối đe dọa với nữ nhà báo gia tăng trên thế giới
Dù sự bình đẳng giới đã được nâng cao trên thế giới trong nhiều năm qua, song thực trạng đe dọa và kỳ thị nữ nhà báo lại đang có nguy cơ gia tăng bởi những bất ổn và khủng hoảng trên thế giới. Theo nghiên cứu của UNESCO và Trung tâm Nhà báo Quốc tế (ICFJ) vào tháng 5/2023, 20% nữ nhà báo trên toàn thế giới bị tổn hại liên quan đến các mối đe dọa, lạm dụng, những lời nói căm thù và quấy rối trực tuyến.
Chưa hết, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2023, tổ chức Women in Journalism (WIJ) đã công bố một cuộc khảo sát làm sáng tỏ vấn đề bạo lực đối với các nhà báo nữ. Trong số 403 người được hỏi, 25% người cho biết họ từng bị quấy rối tình dục hoặc bạo lực tình dục liên quan đến công việc. 75% nữ nhà báo cho biết họ đã trải qua một mối đe dọa hoặc thách thức đối với sự an toàn của họ và gần 20% nữ nhà báo cân nhắc rời khỏi ngành hoàn toàn.
Các nhà báo nữ đang là nạn nhân của những lời nói căm thù trên mạng xã hội. Ảnh minh họa: GI
Vậy mà tính tới ngày 21/11, tức chỉ vỏn vẹn khoảng một tháng rưỡi kể từ khi chiến sự bùng phát, cuộc xung đột Israel và những người Palestine, đã chứng kiến tới 53 nhà báo thiệt mạng ở các mặt trận khác nhau, từ ở Gaza, Bờ Tây cho tới các trận giao tranh ở biên giới Israel - Lebanon.
Theo thống kê, những người thiệt mạng bao gồm 46 người Palestine, 4 nhà báo Israel và 3 người Lebanon. Ngoài ra, còn có hàng chục nhà báo bị thương khi đang tác nghiệp trong chiến sự, gồm cả các thành viên của những hãng tin lớn trên thế giới như Reuters, AFP hay Al Jazeera.
Chiến sự ở Israel - Gaza cũng như các mặt trận liên quan là thử thách đáng sợ nhất đối với ngay cả những phóng viên chiến trường kỳ cựu nhất, bởi thực tế khoảng cách giữa các mục tiêu tấn công và nơi tác nghiệp của các nhà báo là rất mong manh. Ví như, 2 nhà báo của kênh truyền hình Pan-Arab Al-Mayadeen đã bị trúng pháo kích và thiệt mạng ở biên giới Lebanon với Israel hồi giữa tháng 11. Trước đó, một trung tâm truyền thông ở Lebanon với nhiều nhà báo quốc tế cũng đã bị trúng pháo kích, khiến 1 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương.
Như vậy, không chỉ có những nhà báo người Palestine ở Gaza mới gặp nguy hiểm đến tính mạng trong chiến sự mà các nhà báo quốc tế đang dũng cảm dấn thân đưa tin về cuộc chiến này cũng có thể đối mặt với tử thần bất cứ lúc nào. Trong cuộc chiến này, các hãng truyền thông quốc tế lớn như CNN, Reuters, AP, CBS, FOX hay ABC News cũng đều cử các phóng viên chiến trường đến đưa tin và trực tiếp về cảnh giao tranh giữa 2 bên. Những thước phim nghẹt thở mà các nhà báo ghi lại trong hành trình tác nghiệp đã mang đến cho thế giới những hình ảnh khủng khiếp và nỗi sợ hãi tột cùng trong chiến tranh. Những thước phim đó phần nào giúp cho chúng ta hiểu rằng chiến tranh đáng sợ như thế nào, hòa bình quý giá như thế nào!
Nguy hiểm trên các “chiến tuyến”
Tất nhiên, năm 2023 không chỉ là mối rủi ro lớn đối với nhà báo trong cuộc xung đột Israel - Palestine, mà còn bởi nhiều cuộc chiến khác và nhiều cuộc khủng hoảng khác. Lưu ý, nhà báo thứ 17 thiệt mạng trong cuộc chiến Nga - Ukraine chỉ mới diễn ra vào ngày 23/11 năm nay, khi phóng viên truyền hình người Nga Boris Maksudov của kênh Rossiya 24 đã chết trong một cuộc không kích và pháo kích của Ukraine ở Zaporizhzhia.
Như vậy, mối nguy hiểm đối với các nhà báo ở Nga và Ukraine - những người mà hằng ngày đang mang đến cho thế giới thông tin trực tiếp về chiến sự - chưa hề suy giảm trong suốt gần 2 năm qua, bất kể họ ở phía bên nào của chiến tuyến. Và đến lúc này, như tình hình chung của cuộc chiến, không hề có dấu hiệu cho thấy đến bao giờ mối nguy này mới kết thúc.
Chiến sự và thảm họa bùng nổ khắp các châu lục trong năm 2023. Và hiển nhiên đó đều là những nơi mà những nhà báo phải đặt dấu chân của mình để giúp thế giới biết điều gì đang diễn ra. Có nghĩa thế giới có bao nhiêu khủng hoảng thì các nhà báo cũng phải đối mặt với từng đấy mối nguy, có thể bỏ mạng hoặc thậm chí phải từ bỏ nghề nghiệp của mình.
Cuộc nội chiến ở Sudan đầu năm nay cho thấy rõ bức tranh đó. Chiến sự giữa 2 phe phái quân sự ở quốc gia châu Phi đã đặt các nhà báo nước này vào tình thế nguy hiểm và làm trầm trọng thêm những thách thức mà họ gặp phải trong công việc. Vì cuộc khủng hoảng này, hàng trăm nhà báo không chỉ phải đối mặt với rủi ro khi tác nghiệp, mà còn không còn cơ hội để theo đuổi nghề nghiệp, khi phải di cư hoặc tổ chức tin tức của họ buộc phải giải thể do chiến sự.
Tại Afghanistan, hầu hết các nữ nhà báo cũng đều phải từ bỏ công việc của mình bởi chính sách hà khắc của chính quyền Taliban đối với các phụ nữ, thậm chí nhiều người bị đột kích vào nhà, bắt giam, đe dọa, bỏ tù v.v... Những điều kể trên là tình trạng chung của nhiều cuộc xung khác trên thế giới vào năm 2023, cũng như trước đây.
Trong khi đó, trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã đem lại cho các nhà báo những trải nghiệm đáng sợ khác. Ngoài việc có thể trở thành nạn nhân trong các đợt dư chấn, thì việc phải chứng kiến thảm họa khủng khiếp này sẽ tác động tới tinh thần của các nhà báo. Theo chia sẻ của các phóng viên chiến trường thì việc thoát ra khỏi những câu chuyện đau lòng mà họ chứng kiến trong các sự kiện kinh hoàng như trận động đất khiến gần 60.000 người thiệt mạng kể trên là điều không hề dễ dàng, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh suốt đời.
Việc các nhà báo bị tấn công khi đang tác nghiệp diễn ra ở mọi nơi trên thế giới. Ảnh: WAFA
Phóng viên bị tấn công khi đang tác nghiệp, đâu cũng có!
Việc phóng viên bị tấn công hoặc bị cướp khi đang tác nghiệp đang ngày càng diễn ra phổ biến hơn và gần như ở đâu cũng có trên thế giới. Ngay tại hội nghị APEC 2023 hồi giữa tháng 11 ở San Francisco, nhóm phóng viên người Séc đã bị cướp dí súng vào đầu và cướp đi các thiết bị tác nghiệp.
Trước đó vào tháng 8 tại Chicago, hai nhà báo đã bị cướp khi đang đưa tin về một vụ... cướp! Cũng ở Mỹ, vào cuối tháng 2, một phóng viên của kênh Florida TV đã bị bắn tử vong khi đang đưa tin về một vụ giết người trước đó. Riêng tại Mexico việc các phóng viên điều tra băng đảng bị bắn hoặc tấn công gần như diễn ra hằng ngày.
Trong khi đó, ở Ecuador bom thư cũng đã từng được gửi tới một đài truyền hình vào hồi cuối tháng 3. Đặc biệt, một vụ việc gây sốc đã xảy ra khi một phát thanh viên nổi tiếng ở Philippines đã bị bắn tử vong trong lúc đang phát sóng trực tiếp.
Sứ mệnh cảnh tỉnh về sự tàn khốc của chiến tranh
Bên cạnh chiến tranh, xung đột và thảm họa, năm 2023 còn chứng kiến rất nhiều bất ổn có tác động to lớn tới hoạt động báo chí khác. Ví như, cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh và kinh tế triền miên ở Pakistan đã khiến các nhà báo ở nơi đây phải đối mặt với rủi ro cùng cực khi tác nghiệp. Họ đang phải chống lại các mối đe dọa đến tính mạng, bắt cóc, tấn công, bạo lực v.v…
Theo một báo cáo của UNESCO, từ năm 2002 đến 2022, 90 nhà báo đã thiệt mạng ở nước này. Điều này tiếp tục diễn ra vào năm 2023. Vào tháng 4 năm nay, giám đốc của hãng truyền thông Bol Media Group, đã bị bắt cóc vì những vấn đề liên quan đến sắc tộc.
Trong khi đó, Muhammad Qasim, một phóng viên kỳ cựu của báo Ummat, chia sẻ: “Hậu quả tới rất nhanh chóng và đáng sợ. Tôi trở thành mục tiêu thường xuyên của các mối đe dọa. Cuộc sống của tôi đã bị thay đổi mãi mãi chỉ bởi tiêu đề một bài báo”.
Câu chuyện của Muhammad Qasim hiển nhiên cũng thường xuyên bắt gặp ở các quốc gia đang phải đối mặt với vấn nạn bạo lực băng đảng và tham nhũng khác như ở Ecuador, Haiti và đặc biệt Mexico - quốc gia từng là nơi nguy hiểm nhất với các nhà báo trước khi xung đột Israel và Palestine diễn ra.
Năm 2023 với quá nhiều sự kiện khủng khiếp, đã trực tiếp gây ra những nỗi đau và mất mát lớn đối với thế giới báo chí nói chung. Nhưng dù thế nào thì năm 2023 cũng đã cho thấy và làm giá trị và vai trò nổi bật của báo chí chân chính. Những nhà báo, phóng viên chiến trường đã dũng cảm dấn thân vào chiến sự để giúp thế giới biết được những gì đã xảy ra, dù nó thật khủng khiếp.
Điều đó cũng có nghĩa, những nhà báo đang không chỉ ghi nhận sự thật, mà còn đóng góp một phần vào nền hòa bình và sự bền vững của thế giới bằng những bài viết, những hình ảnh và những thước phim; giúp thế giới hiểu rằng chiến tranh, bạo lực hay thảm họa khí hậu không phải trò đùa, mà chúng vô cùng tàn khốc!
Nguồn congluan