Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dân văn phòng dễ mắc rối loạn tiền đình
Thứ năm: 20:34 ngày 07/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Rối loạn tiền đình là hội chứng nguy hiểm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đối tượng mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa đặc biệt là giới văn phòng.

Người bị rối loạn tiền đình thường có những triệu chứng như: chóng mặt, buồn nôn, nhìn mọi thứ thấy quay cuồng, đảo lộn. Ngoài ra, còn có triệu chứng như ù tai, giảm thính lực kèm theo các dấu hiệu thần kinh thực vật (buồn nôn, lo lắng, hốt hoảng, ý thức bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo)...

Với nhịp sống ngày một tấp nập, hối hả, con người thường xuyên phải làm việc trong môi trường áp lực, căng thẳng, môi trường sống ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm nhiễm độc,… thì rối loạn tiền đình càng trở nên phổ biến hơn.

Hội chứng này có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là tuổi trung niên, lão niên, phụ nữ tiền mãn kinh. Ngày nay, bệnh còn có thể bắt gặp ở cả những người trẻ tuổi, những người làm việc trí óc, văn phòng. Người bị rối loạn tiền đình có nguy cơ đột quỵ khá cao, nhất là các trường hợp đi kèm các bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch,…

Nếu trước kia bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh thì ngày nay bệnh có xu hướng mở rộng đến độ tuổi đang làm việc và cả sinh viên, học sinh.

Giới văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính. Bệnh còn liên quan đến ăn ngủ thất thường, tư thế ngồi một chỗ lâu, thoái hoá đốt sống cổ, giảm lưu lượng máu lên não…

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 25% người dưới 30 tuổi bị rối loạn tiền đình não, hơn 65% người già có hiện tượng bị hoa mắt, chóng mặt do rối loạn tiền đình não gây ra. Số còn lại chủ yếu là những người bị huyết áp thấp gây nên rối loạn tiền đình.

Rối loạn tiền đình không gây ra những triệu chứng nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, công việc và sức khỏe lâu dài. Các triệu chứng của bệnh có thể chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất, nhưng cũng có thể kéo dài.

Tình trạng này thường lặp đi lặp lại khiến người bệnh bị chóng mặt, mất thăng bằng, đau đầu, chân tay run rẩy, trầm cảm, suy yếu, mệt mỏi,… Tồi tệ hơn là chứng chóng mặt làm tăng nguy cơ té ngã, gây tai nạn khi đang lái xe.

Do đó với những người thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, ngồi lâu, không nên ngồi quá 30 phút, mà phải thường xuyên tập luyện, vận động. Nên duy trì tập luyện thể thao như: yoga, gym, đi bộ, chạy… giúp hạn chế và tránh rối loạn tiền đình.

Mọi người nhất là những người làm công việc văn phòng cũng cần chủ động phòng rối loạn tiền đình bằng cách:

-Lựa chọn công việc phù hợp tránh stress và áp lực kéo dài.

-Hạn chế ngồi lâu trước máy tính.

-Uống đủ hai lít nước mỗi ngày.

-Xây dựng chế độ ăn đa dạng, đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe tốt.

-Tập luyện điều độ và vừa sức.

-Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm.

Nguồn vietnamnet

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục