Đó là một trong những ý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm của Nghệ An trong dịp về thăm quê lần thứ hai (ngày 9/12/1961). Tại đây Người còn nói: “…Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới tốt…”. Những điều Người nói cách đây 57 năm vẫn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nhân dịp kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2018), Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu bài nói chuyện của Người:
_________________
Nhân đây, tôi xin nhắc lại mấy điều:
Đảng ta là đảng chỉ có một điều là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội và cộng sản chủ nghĩa. Ngoài ra, không còn lợi ích nào khác. Trong thời kỳ cách mạng bí mật, thời kỳ kháng chiến, có nhiều đồng chí hy sinh cực kỳ anh dũng. Có đồng chí phải xa nhà, xa cửa, xa vợ, xa con, bị địch bắt, ít ra cũng bị tù đày, thường khi bị xử tử là khác. Có đồng chí theo đuổi cách mạng hoạt động từ đầu đến cuối, khi Đảng giao việc gì, bảo việc gì đều làm nấy, không kể sang hèn, địa vị cao thấp, không có việc gì khó Đảng giao mà không làm. Đó là những anh hùng. Có đồng chí từ nǎm 1930 đến nay vẫn cứ đeo đuổi cách mạng, không đòi hỏi gì cho gia đình và cho cá nhân cả. Đó là những người con ưu tú của Đảng, của cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lúc khổ sở, khó khǎn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau.
Các đồng chí ở đây có biết chữ Trung Quốc không? (ở dưới trả lời: “Có ạ”). Chắc các đồng chí đều hiểu câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”, chớ không phải: “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”. Hiểu cả chứ? (Cả hội trường đồng thanh trả lời “Hiểu ạ”).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn và Hoàng Văn Diệm – Thường vụ Khu ủy Khu IV đến dự cuộc mít tinh chào đón Người về thăm quê hương, ngày 14/6/1957.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An tại Hội trường Tỉnh ủy trong thành cổ Vinh, ngày 14/6/1957.
Cũng vì vậy, Đảng ta, mặc dù bị những cơn khủng bố ác liệt, có khi bị tan rã, nhưng Đảng vẫn ngày càng mạnh. Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên. Hiện bây giờ Đảng ta đang ngày càng lớn lên, nếu chỉ có đồng chí già thôi, Đảng ta chỉ có từng này thôi (Bác chỉ tay vào hội trường), thì cách mạng, kháng chiến có làm được không? (Mọi người đáp “Không ạ”). Vậy cần phải có đồng chí trẻ. Đảng ta quang minh chính đại. Đảng ta như thế, đảng viên cũng phải như thế. Đảng ta lớn như thế, ta phải hiểu.
Các đồng chí già là rất quý, là gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ. Đồng chí già phải giúp đỡ cho đồng chí trẻ tiến bộ. Như thế đòi hỏi ở đồng chí già phải có thái độ độ lượng, dìu dắt đồng chí trẻ. Đó cũng là một tiêu chuẩn đạo đức cộng sản chủ nghĩa.
Công việc ngày càng nhiều. Trước đây, Đảng ta tổ chức đánh Tây, đánh Nhật rất gian nan cực khổ. Nhưng so với trước, công việc bây giờ khó khǎn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn. Bây giờ, Đảng ta phải làm nhiều chuyện: Xây dựng nhà máy, xây dựng hợp tác xã, làm sao cho người nông dân, người công nhân ǎn no, mặc ấm; làm sao cho nước nhà càng ngày càng mạnh, dân càng ngày càng giàu. Ngày nay làm cả việc chống trời nữa.
– Làm thuỷ lợi có phải chống trời không? (cả hội trường đồng thanh trả lời: “Phải ạ”)
– Diệt sâu có phải chống trời không? (cả hội trường đồng thanh trả lời: “Phải ạ”)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, ngày 16/6/1957.
Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ǎn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Tôi lo chuyện này lắm: các cháu mắt choẹt, da bủng, tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng phải lo. Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo. Ngay cả tổ chức hợp tác xã, Đảng cũng phải lo sao cho tốt.
Các đồng chí phải làm việc rất nhiều. Đảng ngày càng cần nhiều cán bộ. Đảng viên bất kỳ làm gì cũng phải gương mẫu. Ta làm nhà máy, tuy có các đồng chí Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, nhưng cũng cần phải có cán bộ trẻ. Có nhiều chuyện trước không có, bây giờ phải làm, như xem thiên vǎn để biết gió bão, tin cho máy bay đi, báo cho thuyền đánh cá ngoài biển,v.v…
Những việc đó các đồng chí có làm được không? Không làm được. Vì phải học, mà học thì rất khó khǎn, tinh vi, cần phải có lớp trẻ. Một cái máy tính, một giây đồng hồ làm được hàng ngàn phép toán, không phải cộng, trừ, nhân, chia bình thường. Ta phải học toán, toán rất cao.
Bà con thường nghe nói Liên Xô bắn tên lửa trúng đích và xa một vạn hai ngàn cây số. Xa lắm, không thấy đâu, phải có tính toán giỏi mới trúng đích. Những cái đó, bảo chúng mình làm thì không làm được đâu.
Hay như con tàu vũ trụ bay cao hơn 300 cây số, lại bay vòng quanh trái đất (Bác đưa tay làm hiệu); đồng chí đầu bay một vòng rồi trở về; đồng chí thứ hai bay 17 vòng rồi cũng trở về an toàn.
Bây giờ bảo chúng mình bay, có bay được không? Lộn nhào được mấy vòng thì có gì trong ruột đều nôn ra hết. (Bác cười và cả hội trường cùng cười rộ lên).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với bộ đội Quân khu IV, ngày 14/6/1957.
Vì vậy, Đảng nói: Cần cán bộ già, đồng thời rất cần nhiều cán bộ trẻ. Các đồng chí già đánh Tây. Đánh Tây là dọn đường. Nhưng không thể nạnh kẹ: Chúng tôi vác cuốc, vác cào làm đường, già rồi mà chưa được đi xe, các anh mới lên đã được đi xe. Thế là nạnh người đi xe. Có đúng không? Sau này đến chủ nghĩa cộng sản, bọn trẻ còn đi xe sướng hơn nữa kia. Già có việc già, trẻ có việc trẻ. Tục ngữ có câu “mǎng mọc quá pheo”. Mǎng mọc sau, mà tốt hơn tre đấy. Không lẽ ta ngồi nói: “Mǎng, sao mày mọc quá tao?” (Mọi người cười vui vẻ).
Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, đảng viên phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học.
Nhân dân Nghệ An đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ hai, ngày 8/12/1961.
Đồng chí năm nay bao nhiêu tuổi? (Bác chỉ tay hỏi một đồng chíngồi phía trước). (“Thưa bác, 65 tuổi ạ!” – Một đồng chí đứng dậy trả lời).
Tôi nǎm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm.
Tôi cũng dốt lắm. Một cháu bé bây giờ đã nghe nói đến vệ tinh, biết nghe rađiô. Tôi và các đồng chí hồi đó không biết. Trước đây, có đồng chí nào biết rađiô không? (có tiếng trả lời: “Chưa biết ạ”). Tôi cũng chưa biết. Thế mà các cháu bé bây giờ đã biết. Nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới tốt. Các cháu không hơn là bệt. Bệt là không tốt.
Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”, ta hiểu như thế, nhưng không có tư tưởng thụt lùi, nạnh kẹ: Tao làm cách mạng già đời không được gì. Nó mới vào, mà Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch, Chủ nhiệm,v.v…
Bây giờ, tôi sang phần thứ hai. Đây là những điểm nhỏ, tôi gom góp, nói để các đồng chí rõ:
– Có đồng chí nói thế này: Đưa lớp trẻ vào mới làm được việc. Nhưng thâm tâm lại mong muốn là con cháu của mình kia.
Con cháu mình là ai? Con cháu mình là tất cả, là thanh niên Việt Nam. Chứ không phải như thời phong kiến: Cha làm quan, con là cậu ấm. Con mình xấu thì đề bạt sao được. Đảng là Đảng của giai cấp, của nhân dân, của thế giới, chứ không riêng cho con cháu mình.
– Có đồng chí nói: Tôi làm cách mạng nhiều nǎm, sao nay cứ làm ở xã thôi? Lại có người nói: Sao Đảng lại không đề bạt tôi lên cao hơn nữa?
Cái đó không đúng. Việc của dân, việc của nước, việc có ích cho xã hội là làm. Đảng không thiên tư, thiên vị. Không biết các đồng chí có hiểu không? Làm Chủ tịch nước mệt lắm. Trǎm việc đều phải lo. Trời mưa, trời nắng, gió bão, v.v,… chưa ai lo, mình đã phải lo. Các cháu choẹt mắt, chưa ai lo, mình đã phải lo.
Trước người ta thường nói: “Thiên tử nhất nhật vạn cơ” . Thực ra thì “thiên tử” không có “cơ” gì đâu. Bây giờ làm Chủ tịch, không phải “thiên tử”, nhưng lại phải lo mọi việc. Có đồng chí tưởng là làm Chủ tịch, Bộ trưởng mới sướng. Đồng chí nào làm ở hợp tác xã, làm tốt là anh hùng. Bộ trưởng mà không làm tròn nhiệm vụ là tồi. Cho làm việc ở xã là hèn thì không đúng. Vì Đảng ta còn cần nhiều cán bộ làm hợp tác xã tốt. Hợp tác xã tốt là làm cho dân giàu, nước mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh cùng các chiến sỹ lão thành cách mạng tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931, ngày 9/12/1961.
Cũng có một số đồng chí hoạt động không tích cực, nói mình già, yếu, mệt, nhưng lại trách Đảng, trách nhân dân, trách phong trào sao lại không đưa mình lên. Cái đó không nên. Đó là mắc bệnh công thần. Mình mới làm nên một chút đã cho bằng trời rồi.
Đảng không đưa mình lên thì mình tìm cách dìm đảng viên trẻ mới đề bạt lên. Đảng rất quý, rất tôn trọng các đồng chí già, nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được. Tôi cũng là một trong những đồng chí già. Tôi có lái được xe không? Không, phải nhờ đồng chí trẻ. Muốn học lái xe thì phải học các đồng chí trẻ. Chớ có nói: Sao mình không được đi, nó lại được đi xe.
Có đồng chí nói: Có những thành phần không tốt, khi trước nó phản cộng sản, nay nó được đề bạt, mình trung thành với cách mạng thì không được chú ý.
Không đúng. Cố nhiên, một đôi lúc các ban tổ chức địa phương hay Trung ương không cẩn thận… Đó là nhầm. Nhưng bất kỳ ai, có khả nǎng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng.
Ví dụ: Giữa hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng, con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn, con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Con của người ngoài Đảng hay con của người trong Đảng? (Cả hội trường đồng thanh trả lời: “Con của người ngoài Đảng”).
Đúng, vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết. Đảng lo việc cho cả nước. Đó là chính sách cán bộ.
Khi cách mạng thành công, cả Đông Dương, bao gồm cả Việt, Miên, Lào chỉ có trong ngoài 5.000 đảng viên. Bây giờ, riêng Nghệ An có 53.000 đảng viên, thế là hơn 10 lần. Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay.
Kháng chiến bị hy sinh đi một số, nếu Đảng không biết huấn luyện, đào tạo, cất nhắc thì làm sao mà có như ngày nay. Chỉ có 5.000 đảng viên mà làm nổi cờ, nổi trống, cách mạng thành công. Bây giờ Nghệ An có 53.000 đảng viên, lại có 5 vạn đoàn viên thanh niên lao động, Nghệ An còn ít đoàn viên thanh niên lao động.
Vậy là có 10 vạn cán bộ cách mạng, mà không làm cho Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu, không làm nổi cờ, nổi trống lên thì thế nào? Có xấu hổ không? Các đồng chí già nghĩ thế nào? Đồng chí trẻ nghĩ thế nào? Đồng bào Nghệ An nghĩ thế nào?
Trước đây, tù đày, chết chóc, càng làm càng nguy hiểm mà vẫn làm. Bây giờ, làm cho mình ǎn, mình mặc, càng làm càng no ấm mà không làm được à? (Đồng chí Võ ThúcĐồng – Bí thư Tỉnh ủy đứng dậy nói: “Tỉnh ủy quyết tâm đưa phong trào tỉnh nhà đi lên. Đềnghị các đồng chí cũng quyết tâm với Tỉnhủy để đưa phong trào đi lên!” Cả hội trường hô vang: “Quyết tâm! Quyết tâm!”).
Nói chung, các đồng chí vì không hiểu, nên có những tư tưởng phức tạp trên. Nhất là bệnh công thần, cho rằng không ai giỏi bằng ta, không ai làm bằng ta. Các đồng chí giúp nhau tiêu diệt tư tưởng ấy đi. Trước chưa hiểu, nay hiểu rồi thì phải sửa đổi.
Đại đa số các đồng chí hiện nay đang tích cực hoạt động theo khả nǎng của mình, cần phải cố gắng tích cực hơn nữa. Những đồng chí được đề bạt vào các cấp cũng cần chú ý mà học tập, đừng cho mình già rồi mà tiêu cực.
Tôi đi thǎm một nông trường ở Liên Xô, có 3 cụ: một cụ 140 tuổi, một cụ 110 tuổi, một cụ 105 tuổi mà vẫn đang hoạt động trong nông trường. Tôi hỏi: Sao các cụ không nghỉ đi thôi? Các cụ nói: Chúng tôi không nghỉ, còn làm được gì thì làm. Cụ cao tuổi nhất mà còn nhảy múa giỏi, cưỡi ngựa giỏi, bắn giỏi. So với các cụ ấy thì chúng mình đây đang còn thanh niên cả. (Mọi người cười vui vẻ).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đơn vị công an vũ trang Nghệ An (nay là Bộ đội biên phòng Nghệ An), ngày 8/12/1961.
Mặt khác, thanh niên phải biết công lao các đồng chí già, phải thấy các đồng chí già đã trải qua phong ba bão táp, có kinh nghiệm, thanh niên phải học tập. Có số thanh niên tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay là trên trời rơi xuống, không biết sự gian nan, cực khổ cũ.
Các đồng chí già phải kể lại cho họ nghe. Đó là một cách giáo dục thanh niên. Cố gắng mà dìu dắt thanh niên; không nên công thần, không nên tiêu cực. Đó là hai tư tưởng xấu. Một người cách mạng hoạt động và học tập cho đến phút cuối cùng, không bao giờ tiêu cực. Các đồng chí có tán thành không? (Cả hội trường đồng thanh trả lời: “Tán thành ạ”).
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) và trò chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn), ngày 10/12/1961.
Có đồng chí xin biếu báo học tập. Báo cũng là một ngành kinh tế. Nó làm công tác giáo dục, nhưng là kinh tế. Có phải nuôi người viết không? Có phải mua giấy, mua mực không? (Có tiếng trả lời: “Có ạ!”). Vậy một người mua không được thì 5, 7 người góp nhau lại mua. Nếu biếu thì biếu ai? Ở đây có bao nhiêu người? (Ở dưới trả lời: “900 người ạ”). Biếu người này, không biếu người kia thì không được, mà biếu cả 900 người thì nay mai không có báo học tập nữa. Nó sập tiệm mà.
Còn vấn đề lo cho con cái của các đồng chí. Cái đó là đúng. Nhưng, nếu là con tôi – à, tôi không có con – mà nó không có khả nǎng, nó xấu cũng phải dẹp lại. Không phải hễ cứ bố là cán bộ thì con là “cậu ấm”. Bố có việc của bố, con có việc của con. Cố nhiên, con của những đồng chí đã mất đi, Đảng phải chăm lo. Nhưng nếu bố mẹ nó đang còn, nó xấu, mà đòi hỏi đặc biệt chú ý, thì chú ý cái gì?
Về việc đề bạt vào các cấp lãnh đạo. Cấp nào là cấp lãnh đạo? Cấp nào là không lãnh đạo? Hợp tác xã có phải là lãnh đạo không? Đội lao động có phải là lãnh đạo không? Xã có lãnh đạo, huyện có lãnh đạo, tỉnh có lãnh đạo. Chỉ sợ mình không có chí khí, chỉ lo mình không có sức mà lãnh đạo. Nói Đảng cất nhắc là thế nào? Đảng là dân chủ, do dưới bầu lên. Các đồng chí trong chi bộ bầu, cấp trên chuẩn y. Cấp trên không có quyền bầu.
Trong lãnh đạo cần có già, có trẻ. Công việc ngày càng mới. Càng về sau này, càng nhiều cái mới, càng ít cái cũ. Con người ta đẻ ra, ai cũng lớn lên, già đi, rồi chết. Chết rồi thì bảo người ta bầu làm sao được. Có người nay còn lãnh đạo đó, nhưng sau này tiến lên máy móc, nếu không biết kỹ thuật, có lãnh đạo được không? Nếu không biết, phải mời anh ra, cho người khác giỏi hơn vào làm… chứ không phải như ngày xưa mà tưởng rằng: “sống lâu lên lão làng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Sen, làng Hoàng Trù, nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn.
Cố nhiên, đối với các đồng chí già, đồng chí trẻ phải có những hành động tỏ rõ lòng tôn trọng của mình, như đi xem vǎn công đều phải mua vé cả; nhưng mời đồng chí già, nhiều tuổi ngồi trên hay nhường chỗ. Nhưng cũng không phải là “xuân thu lưỡng kỳ” để đồng chí già lên kiệu mà khiêng đi. Nếu làm như thế thì thật là vô lý.
Hôm nay, tôi rất sung sướng gặp các đồng chí, nói lên mấy ý kiến, mong các đồng chí trao đổi. Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, vui vẻ, phấn chấn, tiến lên mãi mãi.
(*) Theo Hồ sơ lưu trữ tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An, bản đánh máy năm 1961.
(**) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.
Thiết kế & Kỹ thuật: Đào Tuấn – Hữu Quân
Ảnh tư liệu
Nguồn BNA