Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Dâng hoa mùa Phật đản
Thứ sáu: 06:37 ngày 02/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua các hoạt động để chúng sanh, phật tử tưởng nhớ ngày Đức Phật ra đời, đã dẫn độ chúng sanh giải thoát, giác ngộ với đời sống an vui, tự tại.

Bức tượng Phật đản sanh được các Phật tử đặt trang nghiêm giữa những cành hoa tươi thắm, ngát hương.

Đại lễ Phật đản ở Việt Nam được tổ chức vào ngày Rằm tháng 4 âm lịch, kéo dài từ mùng 8 đến 15.4 (âm lịch), mỗi chùa có một ngày tổ chức chính thức khác nhau. Trong thời gian này, các chùa, tịnh xá có các hoạt động mừng đại lễ như làm lễ đài để tổ chức chương trình văn nghệ, diễu hành xe hoa, thả hoa đăng, thuyết giảng về Phật pháp, nghi thức tắm Phật... Qua các hoạt động để chúng sanh, phật tử tưởng nhớ ngày Đức Phật ra đời, đã dẫn độ chúng sanh giải thoát, giác ngộ với đời sống an vui, tự tại.

Trước ngày đại lễ, các phật tử sẽ cùng trang hoàng, sửa soạn bàn nghi, chánh điện của chùa thật long trọng, trang nghiêm. Và dâng hoa cúng Phật trở thành nét tín ngưỡng tâm linh thể hiện lòng thành của phật tử hướng về cõi Phật.

Tại ngôi chùa Hiệp Long (phường 3, thành phố Tây Ninh), Đại lễ Phật đản diễn ra vào mùng 8.4. Để chuẩn bị cho ngày đại lễ, trước đó một ngày, chị Cao Thị Hồng Xuyến (phường 3, thành phố Tây Ninh) cùng anh Nguyễn Thanh Duy (phường 2, thành phố Tây Ninh) bận rộn cắm hoa, trang trí chánh điện dưới chân tượng Phật đản sanh. Cả hai bắt tay vào việc từ 7 giờ sáng, đến tận 8 giờ tối mọi việc mới hoàn tất.

Chị Hồng Xuyến đã có hơn 20 năm đi chưng hoa cúng Phật. Chị là phật tử quy y tại chùa Hiệp Long. Bước chân vào cửa Phật, chị đã nguyện sẽ dâng hoa cúng Phật vào các dịp đại lễ. “Mình thấy vào những ngày lễ trọng đại, những đoá hoa tươi sẽ tạo nên không gian trang nghiêm, rực rỡ cho cửa chùa nên cứ đến lễ, mình mua hoa vào cúng. Mang vào lại không có người cắm, mình thử bắt tay vào cắm.

Thấy cũng ổn rồi cứ vậy, mình bắt đầu cắm hoa ở chùa Hiệp Long, sau đi các chùa khác. Có năm, một ngày mình nhận cắm hoa cho 3-4 chùa. Đa số là những chùa nhỏ, phật tử còn khó khăn. Tất cả đều là làm công quả”- chị Hồng Xuyến nói.

Trong một lần đến chùa lạy Phật, thấy chị Xuyến cắm hoa, tò mò, Thanh Duy tìm hiểu và phụ chị. Thấy công việc ý nghĩa, Thanh Duy bắt đầu theo học và bén duyên với nghề cắm hoa. “Trước đây mình rất thích cắm hoa, nhưng cắm không đẹp. Khi vào đây, được chị Xuyến chỉ, rồi đi cắm nhiều cho các chùa, tìm hiểu thêm nhiều mẫu trên các trang mạng, mình dần dần đam mê công việc này.

Những dịp lễ của đạo Phật, mình cùng chị Xuyến và các anh em trong nhóm vận động để có tiền mua hoa, sau đó cắm hoa. Mình còn phụ trách trang trí cho 2 xe hoa của Ban Trị sự Hệ thống các chùa núi Bà và Ban Trị sự Phật giáo huyện Gò Dầu để diễu hành cùng các xe hoa trong tỉnh vào ngày 14.4”- Thanh Duy cho biết.

Cũng với niềm đam mê cắm hoa, từ 3 năm nay, đến các dịp lễ của Phật giáo, anh Thành Đức (phường 1, thành phố Tây Ninh) cùng các cô, chú trong nhóm đến chùa Gò Kén chưng hoa. Mọi người chủ yếu bỏ công, nhưng có khi thiếu hoa, lại cùng nhau bỏ tiền túi mua hoa cắm.

“Mấy năm trước, mình chỉ cắm hoa theo những cách đơn giản như cắm viền, cắm lẵng hoa. Năm nay, mình bắt đầu sáng tạo ra mẫu mới với những chi tiết, cách cắm cầu kỳ, công phu hơn”- anh Thành Đức nói.

Chị Phạm Thị Ngân (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) đang cắm những bông hoa cúc làm viền dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Gò Kén cho biết: “Thường ngày, đưa con đi học xong, em có nhiều thời gian rảnh rỗi, thấy chùa cần người phụ cắm hoa, em với một bạn nữa đi chung.

Ở đây, ai có kinh nghiệm, có tay nghề thì cắm những bình hoa cầu kỳ, còn tụi em chỉ cắm xung quanh các đường viền có sẵn nên không khó. Đi làm rất vui, vừa có ý nghĩa vừa tạo được phước cho mình”- Ngân nói.

Không trực tiếp đến làm việc tại chùa, nhóm bạn của chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) bàn nhau mua hoa dâng cúng tại chùa Gò Kén (thị xã Hoà Thành) và các ngôi chùa trên địa bàn thành phố Tây Ninh, gồm chùa Như Lai, Hiệp Long, Thiên Phước, Hồng Phước.

“Mọi năm, cả nhóm vừa mua hoa vừa xỏ hoa dâng Phật, nhưng năm nay thay đổi chút, do một số bạn trong nhóm có việc, nên tụi mình mua hoa dâng lên chùa và các phật tử khác đến xỏ hoa. Dâng hoa cúng Phật là nét đẹp văn hoá trong Phật giáo, để bày tỏ lòng thành kính đến đức Phật và cầu nguyện những điều tốt đẹp cho cuộc sống”- chị Ngọc Bích chia sẻ.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục