Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Các lưới cá với những mắt đan khá dày, nhỏ, bất kỳ làn cá nào qua thì cá lớn, cá bé khó mà thoát khỏi. Xen lẫn trong các vó cá là các căn chòi của người dân được cất lên để ở.
Một nhà chòi được dựng lên ngay giữa lòng sông Sài Gòn.
Cá lớn, cá bé đều khó thoát
Trung tuần tháng 3.2017, chúng tôi có dịp khảo sát vùng ven sông Sài Gòn đoạn qua xã Tân Hoà, huyện Tân Châu; phía bên kia là huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Theo quan sát, dọc lòng sông có rất nhiều vó cá với đủ loại lớn nhỏ được cất lên, mỗi vó có 4 cọc buộc dây vào lưới cá, họ thả xuống rồi lâu lâu dùng máy dầu kéo lên một lần để lấy cá. Các lưới cá với những mắt đan khá dày, nhỏ, bất kỳ làn cá nào qua thì cá lớn, cá bé khó mà thoát khỏi. Xen lẫn trong các vó cá là các căn chòi của người dân được cất lên để ở.
Ở nơi có vẻ hoang vắng này, hoạt động đánh bắt cá diễn ra khá tấp nập, họ đánh bắt và bao vây bằng tre, nứa xung quanh vó cá để chiếm lĩnh địa bàn, không cho các tàu bè chạy qua ảnh hưởng đến luồng cá và gây hư hỏng vó cá.
Trong vai một nhóm khách đi du lịch bụi, chúng tôi ghé một căn chòi nhỏ chưa đầy 10m2 nhưng có 4 người sinh sống, trong đó có những cháu nhỏ chưa đầy 4 tuổi; tuy ở giữa lòng sông nhưng vẫn có điện nhờ tấm năng lượng mặt trời, bình ắc-quy để thắp sáng và dùng ti vi, máy chạy dầu để kéo vó.
Chị “chủ nhà” cho biết: “Tôi quê ở Kiên Giang, làm nghề đánh bắt cá thế này từ lâu, anh chị trong gia đình cũng làm nghề đánh bắt cá ở sông này và cách chòi nhà tôi khoảng vài km; mình quen với nghề này rồi, có lên bờ cũng chẳng biết làm gì, ở mãi rồi cũng quen. Căn nhà chòi này và 3 vó cá được mua lại trước đó, nếu bây giờ mà cất lên chi phí cũng khoảng 200 triệu đồng; đánh bắt thế này hiệu quả nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch hằng năm, có ngày cao điểm đánh bắt được vài trăm ký”.
Do đã quen với nghề nên gia đình chị mới mua thêm một nhà chòi cách đó không xa; và gần chòi mới đó là những vó lưới được dựng lên để đánh bắt cá. Chị cho biết: “Nhà tôi còn ít chứ có nhà nhiều chòi nhiều vó cá lắm. Các vó cá phát triển tràn lan, ai đến trước giành được nhiều vị trí, người đến sau không giành được thì mua lại “nền nước” của người khác rồi thuê người cất chòi làm vó.
Cách đó không xa, tại bến đò thuộc xã Tân Hoà có một cơ sở thu mua cá. Theo lời kể của chủ cơ sở này, hằng ngày, cá được các ngư dân mang về đây bán, với đủ loại như mè, lăng, thác lác, cá cơm với đủ kích cỡ, có con lớn, nặng khoảng vài chục ký nhưng có loại trọng lượng chỉ vài gram.
Nguy cơ ô nhiễm cao
Việc các hộ tập trung ở ven sông, đặc biệt là cất chòi ra ở giữa lòng sông, dẫn đến hầu hết các loại rác thải sinh hoạt được xả bừa xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường nước. Một người dân nhà ở ven sông Sài Gòn thuộc xã Tân Hoà chia sẻ: Thời gian gần đây, trên dòng sông xuất hiện nhiều rác, nhất là túi ni-lông trôi lềnh bềnh. Trước đó, còn có nhiều nhà máy, hộ chăn nuôi xả nước thải, chất thải ra sông.
Ngoài ra, việc người dân đặt nhiều vó cá theo lối tự phát cũng gây khó khăn cho giao thông đường thuỷ. Theo anh Trần Văn Tiến, 35 tuổi, một thợ lái tàu thường xuyên qua đoạn sông này: “Việc bà con cất vó đánh cá tràn lan, rồi lấy cây cặm, lấy dây căng khoanh vùng gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hoá; thậm chí có nhiều đoạn sông vó cá bít cả đường chạy, chủ vó cá không cho tàu của tôi chạy qua vì sợ hỏng vó cá của họ và ảnh hưởng đến luồng cá. Chúng tôi chỉ biết năn nỉ chủ vó để đi qua nhưng có lần qua được có lần không, nên đã xảy ra xô xát giữa các tàu vận chuyển và ngư dân.
Để không ảnh hưởng đến việc mưu sinh, cũng như việc vận chuyển hàng hoá, mong ngành chức năng có quy hoạch rõ ràng đoạn nào cho phép đánh bắt, đánh bắt ở phạm vi nào, sao cho vẫn có luồng chạy thông thoáng để thuận lợi cho cả đôi bên. Tránh khi quyền lợi một trong các bên bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến xô xát, gây mất trật tự”.
Bên cạnh việc quy hoạch địa điểm đánh bắt cá, phân luồng vận chuyển, ngành chức năng và địa phương cũng cần tuyên truyền cho ngư dân chỉ bắt cá lớn, không đánh bắt theo kiểu tận diệt.
Về việc cất chòi trên lòng sông, lòng hồ… ngành chức năng cần giải quyết theo quy định của pháp luật để bảo đảm an toàn khu vực đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, tránh gây ô nhiễm môi trường nước.
V.Đ.L