Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội:
Đánh giá kết quả thực hiện tháng 9, 10 và phương hướng nhiệm vụ tháng 11, 12.2019
Thứ bảy: 11:09 ngày 09/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 8.11, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2017- 2021 đã chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện tháng 9, 10 và phương hướng nhiệm vụ tháng 11, 12.2019.

Các nhóm công tác cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tháng 9, 10

Theo nhóm công tác về phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường ĐT.782 - ĐT.784, đường Đất Sét - Bến Củi.

Nhóm cũng đã hoàn thành dự thảo quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, đã họp thông qua các ngành, địa phương; cơ quan soạn thảo đang điều chỉnh lần cuối, dự kiến ban hành quy định này vào ngày 10.11.2019.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân phát biểu tại hội nghị.

Đối với dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương giao UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai. Ngày 26.10.2019, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Tây Ninh đã ký kế hoạch phối hợp triển khai dự án.

Hiện Sở Giao thông vận tải (GTVT) Tây Ninh, Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh cùng các ngành có liên quan, đơn vị tư vấn đang thực hiện các bước tiếp theo. Về phía tỉnh, đã làm việc với đơn vị tư vấn lập đề xuất tiểu dự án đền bù giải phóng mặt bằng, làm thủ tục bổ sung kế hoạch vốn, trình HĐND tỉnh thu hồi đất vào phiên họp cuối  năm.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có bổ sung tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.

Nhóm công tác về thể chế và phát triển nguồn nhân lực cho biết đã xây dựng Đề án thành lập Trung tâm giám sát, điều hành KT-XH tập trung tỉnh, hiện đang thực hiện các thủ tục theo quy trình để trình UBND tỉnh quyết định; liên kết với Đại học Y dược Cần Thơ đào tạo các lớp định hướng chuyên khoa (hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, tâm thần và thần kinh) cho 56 bác sĩ tại tỉnh.

Thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, ngành GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đồng thời UBND các huyện điều chuyển giáo viên hiện có ở các trường có tỷ lệ từ 2 giáo viên/lớp sang trường mới, lớp mới xây; khi tuyển được giáo viên mới sẽ điều chuyển hợp lý, bảo đảm tỷ lệ bố trí giáo viên trên lớp theo mức tối thiểu. Kết quả đã tuyển dụng phân công 55 giáo viên mầm non giảng dạy, trong đó huyện Châu Thành 17 giáo viên, Tân Châu 24 giáo viên và Gò Dầu 14 giáo viên.

Quang cảnh hội nghị.

Đối với nhóm công tác du lịch, trong tháng 9, tháng 10.2019 đã tổ chức tốt sự kiện “Ngày Tây Ninh tại Hà Nội”, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, quảng bá văn hóa, hình ảnh, quê hương con người Tây Ninh đến với đồng bào Thủ đô, cả nước và du khách, tạo hiệu ứng tích cực cho các hoạt động xúc tiến đầu tư.

Bên cạnh đó, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Tuyến cáp treo và các công trình phụ trợ” tại Núi Bà Đen. Vừa qua, UBND tỉnh đã thông qua Quy hoạch phân khu 1, thuộc Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen.

Đối với nhóm công tác nông nghiệp, chuẩn bị các nội dung để làm việc với Tập đoàn Cao su Việt Nam, định hướng sử dụng diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 6.000 đến 7.000 ha theo quy hoạch của tỉnh, nhóm đã phối hợp với các công ty cao su để định hướng quy hoạch chuyển đổi cao su sang các loại sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, cây ăn trái) có giá trị gia tăng cao hơn. Trong đó Công ty CP Cao su Tây Ninh chuyển đổi diện tích 2.273 ha, Công ty CP Cao su Tân Biên 1.184,64 ha và Công ty TNHH MTV cao su 30/4 là 1.889 ha.

Phối hợp với Tanifood, hỗ trợ nhà máy phát triển vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động tốt. Tính đến cuối tháng 9.2019, Nhà máy đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với nông dân địa phương với diện tích 296,4 ha, gồm các loại sản phẩm: xoài cát chu (25 ha), xoài keo (4 ha), xoài úc (75 ha), khóm queen (88,7 ha), thanh long đỏ (20,7 ha), mít thái lá bàng (79,6 ha), mãng cầu xiêm (1,4 ha).  Nhà máy đã thu mua nông sản của nông dân trên địa bàn tỉnh được 839,336 tấn, gồm các loại nông sản: mít lá bàng (1,6 tấn), rau rừng (10,4 tấn), xoài tứ quý (17 tấn), khóm queen (222,4 tấn), chuối cau (7 tấn), đậu bắp (9,9 tấn), chanh dây (571 tấn).

Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu đến năm 2023, diện tích khoảng 5.006 ha nguyên liệu phục vụ cho chế biến, trong đó nhà máy tự tổ chức sản xuất 1.171 ha; liên kết với nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh 3.835 ha.

Đến nay, Nhà máy đã hoàn chỉnh chính sách hỗ trợ nông dân, gồm: chính sách thu mua nông sản, bảng giá mua bao tiêu nông sản; liên kết và giới thiệu ngân hàng (SCB hoặc Agribank) tham gia tài trợ tín dụng cho nông dân để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất dưới hình thức hợp đồng ba bên (nông dân, Lavifood, ngân hàng); hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và cung ứng vật tư, giống, nông cụ, máy nông nghiệp; sử dụng phần mềm E-Farm để hỗ trợ nông dân canh tác và quản lý trang trại; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản.

Tập trung đề ra nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá của năm 2020

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các nhóm công tác tiến hành xây dựng kế hoạch hoạt động của nhóm trong năm 2020, trên cơ sở đó, các nhóm tổng hợp và đề xuất định hướng phát triển trong từng lĩnh vực của từng nhóm giai đoạn 2020 – 2025, làm cơ sở bổ sung vào Nghị quyết cho phương hướng của 5 năm tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu.

Đối với nhóm công tác về phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, cần có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện đột phá về hạ tầng trong năm 2020, cụ thể là kế hoạch đẩy nhanh thủ tục pháp lý đối với triển khai dự án đường cao tốc, làm cơ sở để đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, tập trung cho việc triển khai đền bù giải phóng mặt bằng 2 tuyến đường Đất Sét – Bến Củi và ĐT.782 –  ĐT.784.

Đối với nhóm nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhóm phối hợp với các doanh nghiệp, đặc biệt là Nhà máy Tanifood để xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, bảo đảm đạt công suất. Xây dựng một số mô hình điểm nâng cao chuỗi giá trị.

Qua việc rà soát quỹ đất của các nông, lâm trường, nhóm phải định vị và đề xuất những vùng đất sạch; trên cơ sở thổ nhưỡng và đánh giá nhu cầu thì xây dựng tiêu chí phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, làm cơ sở xây dựng danh mục thu hút đầu tư.

Thực hiện báo cáo sơ kết thực trạng triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xem các chính sách đến được với người dân, doanh nghiệp được bao nhiêu, có khó khăn vướng mắc gì để từ đó có đề xuất tháo gỡ khó khăn.

Nhóm du lịch tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện quy hoạch chung núi Bà, các phân khu chức năng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành du lịch phải nghiên cứu, khảo sát, đề xuất phát triển du lịch sinh thái theo kiểu miệt vườn ở dọc 2 con sông Vàm Cỏ và Sài Gòn. Năm 2020, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm về văn hóa du lịch.

Nhóm phát triển nguồn nhân lực tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập theo đề án, tập trung ngành y tế, giáo dục, nông nghiệp, khoa học công nghệ. Nâng cao chất lượng các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực y tế, giáo viên mầm non, lao động nông thôn, nguồn nhân lực du lịch, nhân lực 4.0.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị sơ kết hoạt động Trung tâm hành chính công để hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng tiếp tục bổ sung thêm lĩnh vực tiếp nhận hồ sơ, cũng như đa dạng hóa thêm dịch vụ công. Sớm hoàn thiện xây dựng mô hình trung tâm điều hành, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống camera giám sát về giao thông và an ninh trật tự.

Bà Nguyễn Đài Thy - GĐ sở Nội vụ, đại diện nhóm thể chế và phát triển nguồn nhân lực phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân đề nghị các nhóm tập trung đề ra nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá của năm 2020 và giai đoạn 2020 – 2025.

Về dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, nhóm phát triển kết cấu hạ tầngKT - XH, nhất là hạ tầng giao thông, phối hợp các ngành liên quan chuẩn bị tốt các nội dung để thông qua kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh, trong đó có nội dung báo cáo kết quả nghiên cứu tiền khả thi và kế hoạch triển khai thực hiện đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh; trình phê duyệt chủ trương đầu tư tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng - đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua địa phận tỉnh Tây Ninh.

Về cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, nhóm tham mưu UBND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức đầu tư dự án và cho phép tổ chức nghiên cứu tiền khả thi sau khi tuyến được bổ sung vào quy hoạch.

Đối với dự án sửa chữa, cải tạo QL22B, phối hợp với Ban Quản lý dự án 8, Cục Quản lý đường bộ IV và các địa phương có tuyến đi qua đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án sửa chữa, cải tạo QL22B, đồng thời thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông và khắc phục theo các ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh.

Trong tháng 11, 12.2019, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nhóm nông nghiệp sơ kết các chính sách đầu tư về nông nghiệp; phối hợp với các công ty cao su để hoàn chỉnh kế hoạch chuyển đổi đất, phát triển vùng nguyên liệu, trong đó có Nhà máy Tanifood.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục