Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Danh tướng anh hùng
Thứ ba: 20:56 ngày 09/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lê Thọ Vực là một tướng lĩnh nhà Lê sơ và có công lớn trong việc bình định Bồn Man, ổn định biên giới phía tây của Đại Việt. Ông quê ở Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là thành viên trong hoàng tộc nhà hậu Lê. Lê Thọ Vực là con thứ của Vinh quốc công Lê Sao. Lê Sao là con trai của Lam quốc công Lê Trừ, anh trai Lê Thái Tổ Lê Lợi và là anh em của Chiêu Trưng vương Lê Khôi, Quỳ quận công Lê Khang.

Nhà nghiên cứu Vũ Đức Phúc trong cuốn “Bàn về văn học” lại đưa ra quan điểm Lê Thọ Vực là con của Lê Khôi, dựa trên quan điểm của một số nhà nghiên cứu văn học trước đó cho rằng Lê Thọ Vực còn có tên khác là Lê Cảnh Du (hay còn gọi là Lê Du), một nhà thơ có thơ chép trong “Hồng Đức quốc âm thi tập”. Thời Lê Thánh Tông, Lê Thọ Vực được giữ chức Thái úy, phong tước Sùng quận công.

Năm 1478, phụ đạo phủ Trấn Ninh (tức Bồn Man) là Cầm Công liên kết với Lan Xang (Ai Lao) đem quân quấy nhiễu khu vực Nghệ An. Tháng 7-1478, vua Lê Thánh Tông mở cuộc tiến công nhằm bình định Bồn Man và đánh tan nguy cơ từ Lan Xang. Lê Thọ Vực được Lê Thánh Tông trao ấn Tướng quân, đóng quân ở phủ Trà Lân (Nghệ An), từ đó mở đường đánh trực tiếp vào Bồn Man.

Trong khi cánh quân của Trịnh Công Lộ nhanh chóng đánh bại Lan Xang và phá hủy thành Luangprabang (Lão Qua) thì cánh quân của Lê Thọ Vực không được thuận lợi. Thư báo tin thắng trận của Lê Thọ Vực gửi về hành tại của Lê Thánh Tông bị Bồn Man chặn lại. Lê Thánh Tông sau đó phải sai Lê Niệm mang viện quân đến để hoàn toàn bình định Bồn Man.

http://baobinhphuoc.com.vn/Content/UploadFiles/EditorFiles/images/2018/Quy1/baoin8120171008012018021838.jpg

Sau khi khải hoàn, Lê Thọ Vực được thăng chức Bình Chương quân quốc trọng sự. Khi nhà Minh gửi sứ sang tìm cách gây khó dễ, Lê Thọ Vực đã đề xuất với Lê Thánh Tông rằng: Bây giờ nên dùng lời quyền biến đáp lại vua nhà Minh rằng, vì có người ở Đông Quan (nước tôi) chạy trốn sang Lão Qua nên tôi tự sai binh lên biên cảnh truy bắt, chứ thực không liên quan gì đến Lão Qua và Bát Bá. Lê Thánh Tông nghe theo ý kiến này, rồi sai Lương Thế Vinh viết biểu văn, sai Nguyễn Văn Chất và Doãn Hoành Tuấn cùng Vũ Duy Giáo sang nhà Minh ứng đối.

Cũng theo sử cũ có ghi lại rằng, vào khoảng năm đầu Hồng Đức, Lê Thọ Vực được lệnh vua dẫn đầu đại binh đi chinh phạt Chiêm Thành. Trong trận đánh vây thành Chà Bàn, kinh đô của Chiêm Thành, Lê Thọ Vực đã xông vào trước và bắt sống được vua Chiêm là Trà Toàn.

Sau khi mất, ông được truy tặng Sùng quốc công. Đến thời Lê trung hưng, con cháu của Lê Trừ là Lê Duy Bang được Trịnh Kiểm đưa lên ngôi vua, tức Lê Anh Tông. Sau đó, Lê Thọ Vực được truy tặng Chiêu Trang đại vương. Theo văn bia và sự tích dân gian, Lê Thọ Vực là người đã chỉ việc khai hoang vùng đất Đại Lại, lập ra các đồn điền, về sau thành các làng xã thuộc Hà Sơn, Hà Lĩnh, Hà Đông... thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Năm 1772, dưới thời chúa Trịnh Sâm, con cháu của Lê Thọ Vực là Lê Giai, Lê Thạc, Lê Năng, Lê Hữu Dũng, Lê Tất Tài, Lê Nhượng giữ các chức Chính phó Đội trưởng trong quân. Do xét công lao tổ tiên nên được cho làm nhà ở quê ngoại là trang Phạm Xá, xã Đỗ Xã, huyện Duy Tiên (nay là thôn Phạm Xá, xã Đinh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Ngày nay, Lê Thọ Vực được người dân thờ phụng tại đền Hàn Sơn (đền Hàn) thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung. Sau này đền còn là nơi thờ Mẫu. Hội đền Hàn diễn ra vào tháng 6 âm lịch hằng năm, chính hội vào ngày 12 tháng 6 âm lịch.

Lời bàn:

Các tướng lĩnh, công thần của nhà Lê sơ có vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử nước nhà ở nửa đầu thế kỷ XV. Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, hầu hết những người này tham gia vào bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thuộc các lĩnh vực, cấp độ khác nhau. Đây là đội ngũ quan lại dạn dày kinh nghiệm, quen thử thách ác liệt, đã hiến dâng tuổi xuân, sức lực của bản thân cho kháng chiến cứu nước. Nói cách khác, chính quyền mới, triều đại Lê sơ được lập nên chính từ máu xương của cả dân tộc, cả thế hệ tướng lĩnh tài ba này và họ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc của triều đình nhà Lê suốt gần nửa thế kỷ sau. Đó là các danh tướng kiệt xuất, như: Lưu Nhân Chú, Nguyễn Chích, Lê Khôi, Trần Lựu, Lê Văn An, Nguyễn Xí, Lê Ngân, Lê Sát, Lê Thọ Vực...

Có thể nói các danh tướng dưới trướng của Lê Lợi, họ không chỉ là những người khai sinh ra nhà nước Lê sơ mà còn gắn bó thân phận với chính quyền này. So với các triều đình Việt Nam tự chủ trước đó, không triều đình nào lại có đội ngũ vừa là danh tướng vừa là công thần khai quốc mang đầy chiến công, chiến tích và đông đảo như triều Lê sơ. Tiếc rằng, ngay sau khi các công thần này lần lượt ra đi thì nhà Lê sơ đã nhanh chóng rơi vào suy vong. Song, đó là quy luật của thời phong kiến, với hậu thế thì tôn vinh những người có công với nước là việc phải làm. Hơn nữa, Đảng ta chủ trương xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và nhấn mạnh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - không được quên những người đã có công với dân, với nước. 

Nguồn BBP

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh