Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cuộc khủng hoảng liên quan đến cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Niger Mohamed Bazoum tiếp tục có thêm những diễn biến mới đáng lo ngại. Trong đó, chính quyền quân sự do phe đảo chính lập ra tuyên bố sẽ đưa Tổng thống bị lật đổ ra xét xử tội phản quốc. Động thái ngay lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ các quốc gia Tây Phi cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong thông báo chính thức hôm qua, Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố cực lực phản đối việc chính quyền quân sự Niger dự định đưa Tổng thống Mohamed Bazoum xét xử tội phản quốc, cảnh báo đây là hành động khiêu khích nguy hiểm và đi ngược lại tinh thần sẵn sàng đối thoại mà phe đảo chính Niger đưa ra một ngày trước đó. ECOWAS tái khẳng định quan điểm vẫn coi ông Bazoum là nhà lãnh đạo hợp pháp của Niger.
Thủ tướng Chính phủ lâm thời Niger Ali Mahaman Lamine Zeine. (Ảnh: Reuters)
Lời cảnh báo của các quốc gia Tây Phi được đưa ra chỉ vài giờ sau khi chính quyền quân sự Niger thông báo có thể đưa Tổng thống bị truất quyền Mohamed Bazoum ra xét xử tại tòa án với tội danh phản quốc và phá hoại an ninh đất nước. Tuyên bố trên truyền hình đêm 13/8, Đại tá Amadou Rahmane, đại diện chính quyền quân sự Niger, khẳng định Chính phủ nước này đã thu thập được các bằng chứng để truy tố Tổng thống bị phế truất cùng các đồng phạm ở cả trong và ngoài nước về tội phản quốc và phá hoại an ninh quốc gia.
Liên quan đến khả năng can thiệp quân sự từ các nước Tây Phi vào Niger, truyền thông Nigeria, nước đang giữ chức Chủ tịch ECOWAS, cho biết quân đội Nigeria đã bắt đầu tập hợp lực lượng và khí tài, chuẩn bị cho kịch bản can thiệp quân sự vào Niger. Trong đó, tờ Punch, nhật báo có nhiều độc giả nhất tại Nigeria, tiết lộ rằng Bộ Quốc phòng nước này đã yêu cầu Tư lệnh các binh chủng báo cáo về quân số, khí tài, hậu cần và chi phí tài chính cho trường hợp nổ ra xung đột. Còn theo một số nguồn tin chưa được kiểm chứng, Nigeria sẽ huy động khoảng 2 tiểu đoàn tham gia chiến dịch can thiệp quân sự vào Niger.
Trước đó, một số quốc gia Tây Phi cũng đã xác nhận sẽ đưa quân tham gia chiến dịch can thiệp tiềm năng của ECOWAS vào Niger. Trong đó, Bờ Biển Ngà cam kết đóng góp khoảng 850-1.100 binh sỹ, tương đương quân số một Lữ đoàn. Tuy nhiên, hai quốc gia thành viên quan trọng trong ECOWAS là Algeria và Cộng hòa Chad, đã tuyên bố phản đối và không tham gia bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào vào Niger. Đặc biệt, hai quốc gia đang bị đình chỉ tư cách thành viên tại ECOWAS là Mali và Burkina Faso thậm chí tuyên bố coi mọi hành động can thiệp vào Niger là lời tuyên chiến với hai nước này.
Nguồn VOV-Cairo