Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đạo đức của học sinh - thách thức của ngành Giáo dục
Thứ sáu: 15:28 ngày 16/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian gần đây, trong ngành Giáo dục liên tục xảy ra những sự cố đáng lo ngại. Chuyện phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ xin lỗi ở Trường tiểu học Bình Chánh (Long An) chưa lắng xuống thì xảy ra chuyện một nam học sinh bóp cổ cô giáo ở Trường THCS Tân Thạch (Bến Tre).

Học sinh tham gia diễn đàn xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường.

Những ai thường xuyên đọc báo sẽ thấy đây không phải chuyện mới. Tình trạng sa sút đạo đức của học sinh như con sóng ngầm đã nhiều năm nay, khi lắng xuống khi trào lên nhưng chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Cách đây vài năm, báo chí đã từng nêu các trường hợp trò tạt cả chậu a xít vào thầy vì không được nâng điểm thi, hay trò kiện thầy vì bị phạt hít đất trong giờ thể dục (TP.Hồ Chí Minh), rồi trò rút dây nịt quất vào đầu, vào mặt thầy chỉ vì bị thầy gọi giám thị mời ra khỏi lớp do đánh cờ, la ó trong giờ học (An Giang); lại có chuyện một trò lao vào đánh thầy khi bị thầy tát (Bình Ðịnh) để sau đó thầy bị sa thải... Nhiều giáo viên phổ thông đã phàn nàn: học trò nay đã khác xưa quá nhiều! Nhiều người còn cho rằng nghề giáo đã và đang trở thành một... nghề nguy hiểm.

Ai đã từng cắp sách đến trường đều biết câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Nghịch ngợm, phá phách của tuổi học trò, ai đã không từng trải qua? Thầy cô giáo cũng sẵn sàng chấp nhận điều đó một cách vô tư, vui vẻ. Nhiều năm sau hoặc khi đã trưởng thành, thầy trò gặp nhau, nhắc lại sự nghịch ngợm, phá phách của trò ngày cũ như một kỷ niệm đẹp.

Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau, “cái quỷ, cái ma” của học trò ngày nay nhiều lúc không giống như xưa mà đã đúng nghĩa đen của nó. Nhiều giáo viên nhận định: ngày nay, hình như học sinh không biết sợ là gì, vì sự trách phạt không có hiệu lực, khiến thầy cô bất lực.

Trách phạt là biện pháp cần thiết trong giáo dục học sinh. Theo quy định của ngành Giáo dục, giáo viên chỉ có thể sử dụng một số hình thức như viết bản tự kiểm điểm, cảnh cáo trước lớp, cảnh cáo dưới cờ, chép bài, nộp phạt, cách ly (cho ngồi riêng)... nhưng những hình thức đó không đủ sức ngăn ngừa học sinh vi phạm kỷ luật.

Thực tế, có học sinh ngày nào cũng phải viết kiểm điểm, tuần nào cũng bị cảnh cáo, chép phạt, nộp phạt. Lại có lớp, hằng ngày, hằng tuần nhiều học sinh phải làm những việc ấy! Còn muốn cách ly, cho học sinh vi phạm ngồi riêng thì... lấy đâu ra chỗ? Có giáo viên đề nghị dùng các hình thức khác như cho điểm kém, hạ hạnh kiểm.. nhưng nếu làm như thế sẽ... không đạt chỉ tiêu trường giao, học sinh không được lên lớp, ảnh hưởng đến việc xếp loại thi đua của cá nhân và tập thể. Các hình thức trách phạt, hạ hạnh kiểm... không “ăn thua” đối với học sinh vì hạnh kiểm trung bình vẫn được lên lớp!

Học sinh ngày nay đã khác trước rất nhiều. Nhiều em thông minh, hiểu biết và có cá tính hơn, nhưng cũng nhiều em cá biệt hơn trong khi năng lực của không ít giáo viên còn hạn chế. Có thể trường sư phạm chưa trang bị đủ cho họ những kỹ năng giáo dục cần thiết.

Giáo viên, đặc biệt là những người mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh cá biệt. Họ lúng túng trước những tình huống sư phạm xảy ra, nếu xử lý vụng về, phản sư phạm dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Sự sa sút về đạo đức học sinh là hiện thực đáng buồn không thể che giấu mãi. Ðó là một thách thức đối với toàn xã hội mà trách nhiệm trực tiếp là của ngành Giáo dục. Thế hệ chúng tôi, khi ngồi lại với nhau, ai cũng kể chuyện thời đi học từng bị thầy nhéo tai, khẻ tay, cho đứng úp mặt vào bảng hay quét lớp cả tuần; nhắc với cả sự trân trọng, biết ơn.

Hồi đó, chả học sinh nào bị thầy cô phạt mà dám về mách lại phụ huynh, bởi phụ huynh bao giờ cũng đứng về phía thầy cô. Makarenco- nhà sư phạm nổi tiếng của Liên Xô cũ đã thành công trong việc giáo dục hơn 3.000 thiếu niên hư trở thành những công dân có ích từng khẳng định: “Trong giáo dục mà loại bỏ các hình phạt là thể hiện chủ nghĩa nhân đạo giả dối.

Nhân đạo không phải là bỏ qua những cái sai, cái xấu của học sinh mà phải đấu tranh để loại bỏ nó đến cùng với niềm tin nhất định học sinh sẽ tiến bộ”.

Nên chăng nghiên cứu để giáo viên có một cái quyền nào đó (đương nhiên không thể là roi vọt) tương ứng để họ thực hiện nhiệm vụ của mình? Nhiều giáo viên than phiền: họ đang bị cô độc trong việc thực hiện giáo dục đạo đức đối với học sinh.

Gia đình, xã hội giao phó cho họ trách nhiệm giáo dục con em nhưng lại quá khắt khe với họ. Là con người, ai chẳng có sai sót, mà sai sót của giáo viên thường là không cố ý. Chỉ mong phụ huynh học sinh và cả xã hội bình tĩnh hơn, bao dung hơn, đừng “nông nổi” như cách xử sự của vài người ở Trường tiểu học Bình Chánh, Long An khiến cho giáo viên đau lòng, nản chí.

Tuy vậy, trước thực trạng sa sút về đạo đức của học sinh, vẫn có nhiều giáo viên có cái nhìn tích cực. Họ cho rằng đây chính là “thuốc thử” bản lĩnh sư phạm và lòng yêu nghề. Mà muốn có được những giáo viên có bản lĩnh, yêu nghề thực sự, ngành Giáo dục cần nhanh chóng quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Bên cạnh trình độ chuyên môn, phải trang bị cho giáo viên năng lực ứng phó và giải quyết các tình huống sư phạm một cách hiệu quả, đặc biệt là năng lực kiềm chế cảm xúc trước những hành vi lệch chuẩn của học sinh. Cũng hy vọng Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên để họ hết lòng với công việc. Ngành Giáo dục cũng cần ngưng chạy theo thành tích, trả chất lượng về đúng với thực chất.

Sự sa sút về đạo đức, nhân cách của học sinh đang là thách thức đối với xã hội, với ngành Giáo dục và đặc biệt là giáo viên. Cần phải có sự phối hợp hài hoà giữa nhà trường - gia đình - xã hội, có những thay đổi đủ mạnh để tạo nên sự chuyển biến tích cực, hướng đến mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ trở thành những người đủ tài, đủ đức để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

DIỆU MAI

 

Tin cùng chuyên mục