Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Đạo lý tri ân - Mạch nguồn không bao giờ vơi cạn
Thứ tư: 09:39 ngày 23/07/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng bảy về khơi dậy mạch nguồn tri ân để triệu triệu con tim đất Việt cùng tưởng nhớ những người đã “vị quốc vong thân”.

Khúc trầm hùng và khải hoàn

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới sáng ngời cho dân tộc. Phía sau đó là sự hy sinh thầm lặng và hiến dâng vĩ đại, là máu đào của bao người con ưu tú đã thấm vào lòng đất mẹ. Ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm là khoảnh khắc thiêng liêng để mỗi người Việt Nam nhớ về quá khứ, hiểu thấu rằng không có khúc khải hoàn nào mà không trải qua đau thương và không có lá cờ chiến thắng nào mà không nhuộm thắm bằng máu đào của những người đã ngã xuống. Như lời Bác Hồ đã từng khẳng định: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói”.

Niềm vui Ngày Quốc khánh vì thế trở nên sâu sắc hơn; còn Ngày Thương binh - Liệt sĩ lại tạc vào cõi bất tử lòng biết ơn vô hạn. Và từ đó, thế hệ hôm nay, mai sau càng hiểu, nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát triển quê hương, đất nước. Trong đó, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các bạn đoàn viên, thanh niên dọn dẹp Nghĩa trang Liệt sĩ 

Kể từ Sắc lệnh đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành năm 1947 về chế độ “hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”, lòng tri ân ấy đã được thể chế hóa thành chính sách của Đảng, Nhà nước. Những quy định, nghị định, chương trình được ban hành không phải để hoàn thành một mục tiêu hành chính mà chính là cách hiện thực hóa đạo lý tri ân thành hành động.

Đặc biệt trong năm 2025, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng và các hộ nghèo trở thành trọng tâm. Những ngôi nhà được dựng xây không chỉ là nơi “an cư” mà còn thể hiện sự quan tâm chăm lo, lòng biết ơn và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Khắc ghi nghĩa tri ân

Trong giai đoạn kiện toàn tổ chức theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau sáp nhập, dù còn nhiều khó khăn ban đầu nhưng tỉnh vẫn quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đó là đạo lý mãi được gìn giữ, phát huy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Các chương trình, hoạt động tri ân được tổ chức thực hiện đã tạo sức lan tỏa như những Bữa cơm nghĩa tình - nơi lãnh đạo tỉnh ngồi bên Bà mẹ Việt Nam Anh hùng lắng nghe từng câu chuyện về sự thầm lặng hy sinh, các Mái ấm đồng đội mà cựu chiến binh dành tặng những đồng chí từng chung chiến hào,…

Mỗi hành động, mỗi việc làm là tấm lòng thành kính tri ân của thế hệ hôm nay và mai sau - những người đã, đang và sẽ viết tiếp những trang sử mới bằng bản lĩnh và khát vọng. Tri ân vì thế không thể là lời nói suông mà phải là hành động cụ thể: Học tập nghiêm túc, lao động sáng tạo, sống tử tế và dấn thân, không ngại ngần để dựng xây một Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong. Tri ân còn là bảo vệ lịch sử khỏi mọi xuyên tạc, là giữ gìn phẩm chất người Việt giữa nhịp sống số đang thay đổi từng ngày.

Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là thêm một lần nghĩa tri ân khắc sâu vào tâm khảm dân tộc. Không chỉ tri ân người ngã xuống, đó còn là ngọn đuốc soi đường để thế hệ hôm nay nối tiếp lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của thế hệ cha ông thành “Quyết dựng xây non sông hùng mạnh” trong thời đại ngày nay./.

Trần Quốc Việt

Tin cùng chuyên mục