Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dạo quanh các phòng trà ca nhạc ở Tây Ninh
Thứ sáu: 00:13 ngày 11/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mùa xuân đầu tiên trong giai đoạn “bình thường mới” 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở Tây Ninh, các hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi một cách cơ bản. Trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hoạt động ca hát cộng đồng tại một số tụ điểm, phòng trà ở một vài nơi đã phục hồi.

“Nữ ca sĩ” 82 tuổi.

Một bạn đọc thân thiết với Báo Tây Ninh, là người kinh doanh karaoke - phòng trà cho biết, không kể việc ca hát “có chữ chạy chạy” thường đi theo sau các buổi “trà dư, tửu hậu”, hiện nay ở khắp nơi trong tỉnh, từ các vùng sâu, vùng xa- Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu… đến các khu vực trung tâm thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, các thị trấn Châu Thành, Gò Dầu… đều có các tụ điểm hát với nhau, thu hút khá đông khách mọi lứa tuổi đến tham gia vui chơi, thư giãn.

Hoạt động này có sự phân biệt khá rõ nét. Nếu ở các tụ điểm hát với nhau thường tập hợp các bạn trẻ vui tính, sôi động thì ở các phòng trà là nơi họp mặt của những người trung niên trầm tĩnh, đôi khi có cả một vài người cao tuổi U70, U80 được con cháu đưa đến góp tiếng hát, dù chất giọng, làn hơi không còn được mạnh mẽ.

Về mặt nội dung sinh hoạt, ở các tụ điểm hát với nhau, thể loại nhạc trẻ được yêu chuộng hơn, có khi kết hợp với khiêu vũ, hát Rap; còn các phòng trà vẫn là không gian của nhạc trữ tình, nhạc tiền chiến, hay nói theo cách phổ biến hiện nay người ta gộp chung lại là “nhạc Bolero”.

Chuyện này, một người chơi nhạc ở phòng trà đầu tiên xuất hiện ở Tây Ninh nhiều năm trước khá băn khoăn. Không hiểu sao người ta có sự “đánh đồng” âm nhạc một cách khó hiểu như vậy?

Đúng ra, Bolero chỉ là một điệu nhạc như rất nhiều giai điệu khác được các nhạc sĩ sáng tác sử dụng để thể hiện cảm xúc nghệ thuật của mình qua các ca khúc. Thực chất, điệu nhạc này rất “dễ chơi” nên khá phổ biến trong giới bình dân ở miền Nam trước năm 1975, được gọi là “nhạc thời trang”.

Loại nhạc này trước đây có một thời người ta gọi là “nhạc vàng” để phân biệt với “nhạc đỏ” chỉ dòng nhạc cách mạng, yêu nước, rất phổ biến trong các thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc ở cả hai miền.

Riêng dòng nhạc trữ tình trong nước và cả nhạc quốc tế thì được gọi là “nhạc xanh”; ở Việt Nam, các sáng tác nhạc trữ tình có trước Cách mạng tháng 8.1945 còn được gọi là “nhạc tiền chiến”. Vậy mà tất cả ca khúc thuộc về loại nhạc trữ tình hiện nay đều được gọi chung là nhạc Bolero.

Các phòng trà ca nhạc ở Tây Ninh được nhiều người biết đến như Tiếng Xưa ở phường 2- thành phố Tây Ninh; Phố Đêm, Bạch Diệp ở phường Hiệp Tân, Tình Khúc ở phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành; Cõi Riêng ở phường 3, Phố Đêm ở phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh; các tụ điểm hát với nhau kết hợp khiêu vũ Bảo Phong, Khánh Sơn ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành…

Những tiết mục trình diễn âm nhạc thường là hát theo lối đơn ca, thỉnh thoảng có song ca. Gần như tất cả đều hát nhạc trữ tình, tức là “nhạc Bolero” nêu trên, loại nhạc thích hợp với không gian hẹp của một thính phòng khép kín.

Phần đệm đàn do các nhạc công đảm trách, chủ yếu là một tay chơi đàn keyboard, một hoặc hai cây guitar; ít nơi nào có trang bị dàn trống jazz, thường là dùng bộ gõ điện tử tích hợp trong đàn keyboard, chỉ có ở phòng trà Tiếng Xưa có trang bị dàn trống bongos.

Một người quản lý phòng trà cho biết, việc xuất hiện nhiều phòng trà ở tỉnh nhà là do lòng yêu thích âm nhạc, chứ không phải hoạt động kinh doanh, nên để duy trì hoạt động phòng trà, các chủ cơ sở thường kết hợp tính phí hát và cả nghe hát với việc bán nước giải khát.

Do vậy, giá một món thức uống thường gấp ba, bốn lần giá bán ở một quán giải khát. Ví dụ, một ly cà phê đá ở phòng trà thường là 50, 60 ngàn so với giá 12, 15 ngàn đồng ở các quán cà phê. Và mọi người khách dù đến hát hay chỉ đến để nghe đều vui vẻ chấp nhận giá cả trên.

Trong khoản doanh thu đó, chủ cơ sở trích một phần để trả thù lao cho anh em nhạc công. Mỗi phòng trà có cách tính khác nhau, có nơi trả công chơi đàn theo mức giá thoả thuận cho từng đêm phục vụ, không kể khách đến mỗi đêm đông hay vắng, có nơi tính trên “đầu ly” nước giải khát, nơi tính trên số lượng tiết mục nhạc công đệm đàn cho người hát.

Hoạt động phòng trà ca nhạc ở một tỉnh nông thôn, biên giới như Tây Ninh như thế kể cũng là phong phú. Cho dù đây chỉ là hoạt động tự phát, không có sự định hướng của ngành chức năng hoặc tổ chức tập hợp các văn nghệ sĩ, nhưng dù sao cũng là sân chơi phù hợp với từng đối tượng thành phần dân cư.

Rõ ràng nếu không có phòng trà Tiếng Xưa làm sao có chỗ cho bà Tám ở Cầy Xiêng đến trình bày giọng ca nữ 82 tuổi cho con cháu nghe. Nếu không có phòng trà Hướng Dương thì làm sao ông Hai Dư ở phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) có nơi để phô diễn giọng ca trên 70 tuổi của người từng chơi trong ban nhạc Ty Y tế Tây Ninh từ trước ngày giải phóng. Rõ ràng, tình yêu âm nhạc đâu có dành riêng cho lứa tuổi nào. Hay nói như lời giới thiệu của phòng trà Tiếng Xưa trên Facebook: Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát.

Duy Nhã

Tin cùng chuyên mục