Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đắp lá chữa trĩ gây hoại tử hậu môn
Chủ nhật: 14:53 ngày 07/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau 7 ngày đắp thuốc, nữ bệnh nhân 68 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, phải đi viện cấp cứu vì đau dữ dội, hậu môn hoại tử tím đen.

Nữ bệnh nhân cho biết bị trĩ đã lâu nhưng ngại đi khám, chữa bệnh ở thầy lang gần nhà. Bà được thầy lang bán thuốc về đắp vùng hậu môn, song ngày một đau hơn. Đến khi đau không chịu được nữa, bà mới chịu đi viện.

Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng toàn bộ hậu môn hoại tử tím đen, bắt buộc phải mổ cấp cứu. Ca xử lý rất phức tạp do phần hoại tử lan rộng, nguy cơ biến chứng hẹp hậu môn rất lớn.

Theo bác sĩ, những trường hợp gặp họa vì đáp lá, đắp thuốc, xông… chữa trĩ không phải hiếm gặp. Ở giai đoạn nhẹ người bệnh chỉ cần uống thuốc, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt để bệnh không tái phát và tiến triển nặng hơn. Thay vì đi viện khám, nhiều người lại tìm đến thầy lang; lúc vào viện thì bệnh đã nặng. 60% bệnh nhân trĩ đến bệnh viện khám khi đã ở giai đoạn 3, 4, trĩ thò dài ra ngoài bắt buộc phải phẫu thuật.

Bệnh trĩ gồm trĩ nội và trĩ ngoại, giai đoạn 1-2 người bệnh chỉ cần uống thuốc, kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp. Ảnh: WP.

Bác sĩ khuyến cáo, khi có những dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn, cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh. Đại tiện ra máu có thể là biểu hiện của bệnh trĩ nhưng cũng có thể do các bệnh lý ác tính khác ở vùng hậu môn như ung thư ống hậu môn, ung thư trực tràng, polyp trực tràng...

Tiến sĩ Cường cũng khẳng định không có biện pháp nào chữa trĩ 100%, vì thế người dân cần cảnh giác với những lời quảng cáo chữa khỏi trĩ. Không như những bệnh lý khác chỉ cần phẫu thuật là xong, bệnh nhân trĩ dù được phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ thì bệnh vẫn có khả năng tái phát do căn nguyên của bệnh chưa được giải quyết. Tỷ lệ tái phát tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng của bác sĩ và từng phương pháp điều trị.

Phẫu thuật cắt trĩ chỉ là một phương pháp trong phác đồ điều trị tổng thể. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần hồi phục chức năng hậu môn, điều trị ngăn tái phát bằng thuốc; tránh ngồi lâu, uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả như diếp cá, khoai lang, đu đủ, chuối...

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Quỹ, Phó Chủ tịch hội Tiêu hóa Hà Nội, trĩ là một bệnh phổ biến tại nước ta với trên 50% dân số mắc phải và ngày càng tăng do lối sống, sinh hoạt. Bệnh thường gặp ở những người làm công việc nặng nhọc, phụ nữ thời kỳ sinh đẻ, những người hay dùng chất cay nóng nhiều. Cường độ làm việc quá nhiều, căng thẳng, thức khuya, sinh hoạt đảo lộn, ăn uống không đúng giờ, ăn uống không lành mạnh, nhiều rượu bia, ngồi nhiều ít vận động… là những điều kiện thuận lợi gây ra trĩ.

Bệnh nếu không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng như: xuất huyết, búi trĩ sa xuống, nghẹt lại gây hoại tử, áp xe hậu môn, viêm tắc, thậm chí cục máu đông có thể chảy theo hệ thống tuần hoàn gây tình trạng áp xe gan, áp xe mật, áp xe phổi...

Dự phòng bệnh quan trọng nhất là chế độ ăn tránh táo bón, ăn nhiều rau xanh để tăng tính nhuận tràng; giảm các chất kích thích, ớt, bia rượu. Đặc biệt chú ý vận động đều đặn, tránh ngồi nhiều và cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày...

Nguồn VNExpress

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh