Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dắt, chở “thú cưng” dạo phố cần tuân thủ pháp luật
Thứ tư: 21:21 ngày 17/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở thích nuôi thú cưng, đặc biệt là chó, mèo được nhiều người ưa chuộng và ngày một phổ biến. Trên các tuyến đường, hình ảnh “thú cưng” được chở trên xe, thậm chí là dắt chạy giữa đường phố không phải là hiếm thấy. Tuy nhiên, nếu chủ quan, việc dắt, chở chó, mèo trên đường phố có thể gây tai nạn giao thông, không bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Thú cưng “bình tĩnh” ngồi sau yên xe (ảnh minh họa).

 

Nhiều người yêu động vật, đi đâu, làm gì cũng mang theo chó, mèo như một người bạn đồng hành. Chị Ngọc Thảo, ngụ xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành cho hay, để thú cưng ngồi im trên xe cần tập cho chúng làm quen từ từ. Ban đầu, thú cưng sẽ được tập ngồi trên xe khi có người ôm, tránh bị sợ hãi. Khi đã quen, chúng có thể tự đứng, ngồi đằng trước hoặc phía sau xe. Hầu hết bọn chúng đều rất thích ngồi trên xe máy đi vòng vòng.

Ngày 4.10, người viết bài này chứng kiến một người phụ nữ điều khiển xe máy chở theo chú chó kiểng đặt ở yên sau, chạy bon bon trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn gần khu vực Toà thánh Tây Ninh. Dường như được huấn luyện từ trước, chú chó khá bình tĩnh khi xe chạy, không tỏ ra sợ sệt. Có nhiều đoạn đường, người phụ nữ thắng gấp, chú chó hơi chao đảo, việc điều khiển xe của chị cũng chao đảo theo, rất nguy hiểm.      

Không chỉ chở trên xe máy, nhiều người còn liều lĩnh vừa điều khiển phương tiện vừa dắt chó chạy theo. Có trường hợp vật nuôi không theo kịp, hoảng loạn chạy lung tung, ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông cùng hướng. Trái ngược với sự thích thú của nhiều người, bà V.T.K.O (45 tuổi), ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh cho rằng, việc chở thú cưng trên xe, không có dây an toàn, đồ bảo vệ, khi xảy ra tình huống bất ngờ rất khó xử lý. Khi nghe âm thanh quá lớn, nhìn thấy ánh đèn sáng hay gặp các loại động vật khác, nhiều con thú cưng có biểu hiện hoảng loạn, dễ gây tai nạn.  

Một số ý kiến cho rằng “chó, mèo là động vật được nuôi trong gia đình, không nên cho tham gia giao thông”, “chuyện nuôi thú cưng không bị cấm, nhưng không được làm ảnh hưởng đến cộng đồng và an toàn của người khác”, hay “nếu muốn cho thú cưng cùng tham gia giao thông, mọi người cần bảo đảm đầy đủ các biện pháp an toàn, có chuồng bảo vệ hoặc ghế ngồi chắc chắn để ràng buộc, kiềm chế chúng”…

Chia sẻ về vấn đề này, một giảng viên trường cao đẳng bày tỏ, hiện nay, nhiều người còn khá chủ quan, thiếu kiến thức trong việc bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác. Vật nuôi thường hành động theo bản năng, không thể suy nghĩ, tư duy như con người. Với vai trò là người nuôi thú, chủ vật nuôi cần nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân khi đưa chúng cùng tham gia giao thông.   

Thời gian qua, những quy định của pháp luật về chăn nuôi động vật vẫn chưa được nhiều người quan tâm đúng mức. Việc dắt, chở vật nuôi trên đường gây cản trở giao thông, tiềm ẩn tai nạn còn bị xem nhẹ. Theo quy định, hành vi chở vật nuôi ngồi trên xe không có vật cố định, ràng buộc hay vừa điều khiển xe, vừa dắt theo vật nuôi khi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật. Nghị định 46/2016/NÐ-CP quy định, người điều khiển và người ngồi trên xe dẫn, dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.  

Việc dắt, dẫn thú cưng dạo phố là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, sở thích đó cần tuân thủ pháp luật, bảo đảm an toàn cho bản thân và người khác, không gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Ðừng để thú cưng trở thành nguyên nhân gây ra những vụ việc đáng tiếc hay nỗi bức xúc cho người khác.

PHƯƠNG THẢO

Tin cùng chuyên mục