Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vụ tranh chấp đất ở Phường 2, Thành phố Tây Ninh:
Đất của ai ?
Chủ nhật: 11:43 ngày 13/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh nhận được đơn của bà Đinh Thị Lục, trình bày về việc đất của gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ năm 2010, nhưng mới đây lại bị một hộ hàng xóm “ngang nhiên” rào chắn đường vào khu đất với lý do: “đất không phải của bà Lục” (?!)…

 

Hàng rào chắn lối vào khu đất đã được cấp sổ đỏ cho bà Lục.

Xóm giềng căng thẳng

Bà Đinh Thị Lục, thường trú tại ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, hiện ngụ tại địa chỉ DD9/2, hẻm 4, đường Yết Kiêu, khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh. Khu đất đang tranh chấp (đã cấp sổ đỏ cho bà Lục) có diện tích 1.283m2, thuộc thửa đất số 48, tờ bản đồ số 8, khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh.

Trong đơn, bà Lục trình bày, khoảng 9 giờ ngày 22.6, bà Lê Nguyễn Hoàng Lan (hàng xóm ở gần khu đất) đã huy động hơn 10 người đến vị trí lối vào khu đất ngang nhiên cắm cọc xi măng, kéo rào lưới B40 tạo chướng ngại vật không cho gia đình bà Lục vào khu đất.

“Chị Hoàng Lan cầm rựa đe doạ, ngăn cản không cho ai bước vào và nói đây là đất của gia đình chị, nếu ai đụng đến tài sản của chị Lan đang xây dựng (hàng rào) thì chị sẽ chém đứt đầu... Sự việc sau đó đã được Công an phường 2 và Công an 113 đến can thiệp, lúc này việc xây dựng hàng rào đã thực hiện xong”, đơn bà Lục nêu rõ.

Bà Đinh Thị Lục uỷ quyền việc giải quyết tranh chấp đất lại cho con gái là bà Lê Thị Kim Tiến. Ngày 27.6, UBND phường 2 tiến hành hoà giải lần thứ nhất việc tranh chấp đất giữa hai gia đình. Theo ý kiến của bà Hoàng Lan tại buổi hoà giải, phần đất này là do ông, bà và cha để lại cho anh em bà, nay bà Lục tự tiện vào chặt cây và chiếm đất để sử dụng là không đúng, yên cầu bà Lục trả lại đất.

Bà Kim Tiến cho rằng, đất này do mẹ của bà (bà Đinh Thị Lục) canh tác và sử dụng có nguồn gốc rõ ràng, đã được Nhà nước cấp sổ đỏ. Lần hoà giải thứ nhất không thành. Ngày 31.7, UBND phường 2 tổ chức hoà giải lần hai. Lần này, bà Kim Tiến giải thích rõ hơn, nguồn gốc đất là do mẹ của bà sang nhượng lại từ bà Nguyễn Thị Liễu vào năm 1990, đất được bà Lục sử dụng liên tục từ đó cho đến nay.

Bà Lê Nguyễn Hoàng Lan yêu cầu phía bà Kim Tiến phải chứng minh được nguồn gốc đất bằng giấy tờ, vì gia đình bà Hoàng Lan vẫn còn lưu lại nhiều biên lai đóng thuế khu đất từ sau năm 1975 cho đến năm 1991. Bà Hoàng Lan còn khẳng định: “Thậm chí khi cần thiết, chúng tôi sẽ cung cấp luôn chứng từ quyền sử dụng đất của ông bà từ trước năm 1975.

Riêng việc bà Lục cho rằng tôi huy động hơn 10 người đến xây dựng hàng rào, bản thân tôi cầm hung khí đe doạ gia đình bà là không đúng, chỉ có người nhà tôi ra làm hàng rào để bảo vệ khu đất của gia đình mình thôi”.

Bà Trần Thị Thanh Thảo, cán bộ địa chính phường 2 cho biết, cả hai bên đều khẳng định có cơ sở chứng minh nguồn gốc sử dụng đất. Hai cuộc hoà giải đã không thành, chính quyền địa phương sẽ chuyển hồ sơ lên toà án để giải quyết. Đồng thời đề nghị các bên kiềm chế, giữ nguyên hiện trạng, tránh xâm phạm lẫn nhau. Biên bản thống nhất, trong thời hạn 40 ngày (kể từ ngày 31.7.2017) nếu không có văn bản phản hồi từ phía toà án thì bà Lê Nguyễn Hoàng Lan phải dỡ bỏ hàng rào trả lại hiện trạng vào khu đất.

Ký nhưng không rõ nội dung?

Qua trích lục hồ sơ nguồn gốc sử dụng thửa đất số 48, tờ bản đồ số 8 từ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh thành phố Tây Ninh, thì thửa đất đang đề cập được bà Lục sang nhượng lại từ bà Nguyễn Thị Liễu vào ngày 17.11.1990, có giấy sang nhượng viết tay và xác nhận của cơ quan công an. Về phía bà Liễu (người sang nhượng đất), có giấy chứng nhận đã đăng ký ruộng đất số 67, ngày 6.9.1990.

Từ hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lục, cho thấy quy trình thủ tục được thực hiện đầy đủ. Theo đó, chính quyền địa phương xác nhận là đất không có tranh chấp, mốc thời gian mà bà Lục sử dụng đất là bắt đầu từ 17.11.1990, nguồn gốc đất sang nhượng.

Bà Lê Thị Kim Tiến cho hay, tuy giấy tờ về đất đai của gia đình có phần bị thất lạc, nhưng một số chứng từ quan trọng về phần đất này vẫn còn, một trong số đó là biên lai đóng thuế đất vào ngày 30.10.1998, điều này chứng tỏ bà Lục có liên tục sử dụng đất.

Ngoài ra, trong biên bản kiểm tra đo vẽ thửa đất ngày 29.6.2009 của Văn phòng Đăng ký QSDĐ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh) cũng xác nhận là đất không tranh chấp, các bên tứ cận giáp ranh đều đồng ý ký tên vào biên bản, đáng chú ý là trong đó có cả chữ ký và ghi rõ họ tên của bà Lê Nguyễn Hoàng Lan.

Thêm nữa, trong phiếu lấy ý kiến khu dân cư ngày 31.7.2009 về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, cũng như đất không ai tranh chấp để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Lục lại cũng có chữ ký và tên họ của bà Lê Nguyễn Hoàng Lan. Trong hồ sơ, quy trình cấp sổ đỏ còn thể hiện: ngày 26.11.2009, Văn phòng Đăng ký QSDĐ có Thông báo số 123, niêm yết công khai về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho một số hộ dân ở khu phố 2, phường 2, thị xã Tây Ninh, trong đó có bà Lục. Tiếp đến, ngày 14.12.2009, Văn phòng Đăng ký QSDĐ có Biên bản số 68 kết thúc thông báo công khai, đất vẫn không có ai tranh chấp. Ngày 18.3.2010, phần đất được cấp sổ đỏ cho bà Đinh Thị Lục.

Lý giải về họ tên, chữ ký của mình trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho bà Lục, bà Lê Nguyễn Hoàng Lan giải thích: “Do thời điểm đó tôi lu bu bán cà phê nên không đọc kỹ nội dung giấy tờ đã ký, chỉ cốt ký đại để còn lo việc buôn bán”.

Bà Hoàng Lan đặt nghi vấn, nếu nguồn gốc đất là của bà Lục sang nhượng lại từ bà Liễu, thì tại sao gia đình bà lại có biên lai đóng thuế đất từ khoảng năm 1975 đến năm 1991, cần làm rõ giấy tờ về quyền sử dụng và sang nhượng đất của bà Liễu và bà Lục. Bà Hoàng Lan trưng ra khá nhiều biên lai đóng thuế đất của gia đình trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1991.

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, các loại giấy tờ này cần phải được cơ quan chức năng thẩm định lại vì có nhiều nội dung chưa rõ, qua thời gian, giấy tờ, chữ viết đã bị phai mờ.

Bà Lê Nguyễn Hoàng Lan kể: “Khu đất này do ông bà để lại cho cha tôi (ông Lê Quang Liên- đã mất), cha để lại cho anh em tôi, và được biết có một khoảng thời gian cha tôi có cho bà Lục cất chòi ở đậu trên đất để cắt rau muống bán sinh sống. Việc cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho bà Lục chúng tôi hoàn toàn không biết, mãi cho đến khi sự việc được phát hiện và xảy ra tranh chấp”.

Như thế, qua hồ sơ lưu trữ của cơ quan chức năng cũng như giấy tờ còn giữ của đương sự, có nhiều điểm nghi vấn về nguồn gốc sử dụng thửa đất đang tranh chấp, cần phải được làm rõ. Xem ra, việc tranh chấp đất giữa hai gia đình này phải nhờ đến toà án phán quyết.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục