Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hầm khai thác khoáng sản:
Đất “đi”, hiểm nguy ở lại
Thứ tư: 06:31 ngày 05/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Ðất “đi” cùng với chủ hầm, hiểm nguy để lại dân gánh” là lời than thở đầy lo sợ của người dân ở những địa bàn có các hầm khai thác đất. Người dân thắc mắc: tại sao trong và sau quá trình khai thác, không thấy các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện biện pháp buộc chủ hầm phải khắc phục hậu quả và bảo đảm an toàn cho người dân?

Hầm đất sát đường đã khai thác xong nhưng không rào chắn tại ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, huyện Châu Thành.

Trên địa bàn huyện Châu Thành hiện nay có 13 điểm khai thác đất phún và tận dụng đất dôi dư từ các dự án nuôi trồng thuỷ sản. Hầu hết các hầm khoáng sản đang khai thác đều có rào chắn xung quanh ao, bảo đảm an toàn cho người dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp, chủ hầm khai thác hết thời hạn Nhà nước cho phép, thì bỏ luôn việc rào chắn xung quanh hầm tạo nguy cơ gây tai nạn cho người dân.

Hầm đất hay “bẫy tai nạn”?

Tại xã An Bình, huyện Châu Thành, người dân địa phương đang “khổ lòng” vì những cái ao khổng lồ được hình thành từ việc khai thác đất san lấp không được rào chắn. Những cái ao này lại nằm sát đường dân sinh nên hiểm hoạ luôn chực chờ người dân.

Ðiển hình như ở ấp Thanh Bình, xã An Bình có hai ao, một nằm cách đường chỉ khoảng 10m không hề được rào chắn, còn một nằm cặp đường được chắn bằng hàng cây bạch đàn trên bờ ao. Một người dân sống tại đây phản ánh: “Chúng tôi rất lo lắng. Bởi cái ao nằm sát đường nên dù có trồng bạch đàn trên bờ ao thì nguy cơ sạt lở cũng rất lớn. Rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng có biện pháp buộc chủ hầm rào chắn để bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời có biện pháp chống sạt lở cho con đường”.

Nhiều người dân cho rằng, đối việc các chủ hầm đất né tránh thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả sau khai thác, cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm, chứ không thể “nại” lý do khó khăn là “doanh nghiệp sang tên hầm” hay “giải thể”. Bởi những doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, nên chỉ cần lục lại hồ sơ gốc khi được cấp phép khai thác đất là có thể “nắm” và kiên quyết không cấp giấy phép mới cho doanh nghiệp này, như vậy mới đủ sức răn đe, buộc doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và khôi phục tài nguyên sau khi họ đã khai thác.

Ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, huyện Châu Thành có hai cái hầm đất đã hết hạn khai thác từ lâu. Hiện trạng là hai cái ao chơ vơ, mấy cái cọc rào chắn rất lỏng lẻo.

Anh N, một người dân sống gần đó than thở, trên con đường này, người dân chở vật tư ra ruộng, trẻ nhỏ đến trường. Mỗi ngày đi ngang qua hai cái ao sâu hoắm bên đường, người dân không khỏi lo sợ- nhất là vào ban đêm, vì nếu chẳng may người điều khiển xe máy bị rơi xuống ao, trẻ nhỏ trượt chân thì không biết hậu quả như thế nào?

Ấp Bến Cừ, xã Ninh Ðiền có một cái hầm khai thác đất diện tích hơn 1 ha đã hết hạn khai thác gần 2 năm, và cũng không rào chắn gì. Ngoài ra, có nhiều hầm đất đang trong thời hạn khai thác việc bảo vệ sơ sài, hàng rào chỉ để “làm kiểng”, có nơi chỉ làm một bên, có nơi hàng rào quá thấp, có đoạn rào bị nghiêng... hoàn toàn không bảo đảm an toàn theo quy định.

“Ðất “đi” cùng với chủ hầm, hiểm nguy để lại dân gánh” là lời than thở đầy lo sợ của người dân ở những địa bàn có các hầm khai thác đất. Người dân thắc mắc: tại sao trong và sau quá trình khai thác, không thấy các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện biện pháp buộc chủ hầm phải khắc phục hậu quả và bảo đảm an toàn cho người dân?

“Sang tên, đổi chủ” né trách nhiệm

Theo Nghị định 33/2017/NÐ-CP, nếu khai thác vượt độ sâu thì ngoài hình thức phạt tiền theo quy định, chủ hầm đất còn bị phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ khối lượng khoáng sản đã bị khai thác vượt độ sâu và diện tích cho phép được quy đổi bằng tiền theo giá đất khoáng sản, và phải san lấp lại khu vực đã khai thác vượt độ sâu. Vậy, thời gian qua, trách nhiệm xử lý của chính quyền đối với chủ hầm đất khai thác không đúng giấy phép ra sao, và công tác giám sát việc khắc phục “hậu khai thác” như thế nào?

Ông Phạm Hoàng Lộc- Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Bình thừa nhận, hầm đất không rào chắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, nhưng việc xử lý rất khó, vì phần lớn các hầm đất này đã khai thác xong nhiều năm. Hiện nay, việc tìm kiếm các chủ hầm để yêu cầu họ khắc phục hậu quả không hề dễ dàng, bởi khai thác xong, hầm đã bị sang tên cho chủ mới (!?).

Chính quyền địa phương đang “đau đầu” để tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo UBND xã Ninh Ðiền cho biết: “Xã rất quan tâm xử lý hầm đất không rào chắn tại ấp Bến Cừ, đã nhiều lần liên hệ với chủ hầm nhưng... không được, và nghe đâu là doanh nghiệp trên đã giải thể”. Còn theo Chủ tịch UBND xã Trí Bình, xã đã mời các chủ hầm trên làm việc để yêu cầu thực hiện việc rào chắn nhưng chưa được. Sắp tới, xã sẽ... tiếp tục mời đến làm việc, cũng như sẽ rà soát để báo cáo UBND huyện có hướng chỉ đạo.

Riêng về việc giám sát các chủ hầm đất có khai thác vượt phạm vi, vượt độ sâu cho phép hay không, theo ông Lộc, cần có thiết bị chuyên dụng của cơ quan chuyên môn để đo lường chính xác, có biện pháp yêu cầu chủ hầm khắc phục hậu quả. Ông Phạm Hoàng Lộc cho rằng, chính quyền địa phương có giám sát nhưng chỉ có thể cảm nhận bằng mắt thường, hoặc cán bộ địa chính đo bằng thước dây chứ không thể nào xác định chính xác. Thời gian qua, UBND xã thường xuyên giám sát, nếu chủ hầm có dấu hiệu vi phạm về độ sâu, rào chắn thì báo cáo cho UBND huyện để xử lý.

Một hầm đất đã khai thác xong ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Ðiền gần 2 năm nhưng không rào chắn.

Theo Trưởng Phòng TN-MT huyện Châu Thành, Phòng sẽ tham mưu UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn trong toàn huyện rà soát, báo cáo để có hướng xử lý.

Ông Ðặng Thanh Hải- Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, trước thông tin phóng viên phản ánh về tình trạng nhiều hầm đất khai thác xong nhưng không thực hiện việc rào chắn, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã nắm danh sách cụ thể từng doanh nghiệp, cá nhân đã xin phép khai thác hầm đất trước đây để có biện pháp yêu cầu họ thực hiện việc rào chắn.

Riêng về vấn đề giám sát chủ các hầm đất thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do khai thác vượt độ sâu, ông Hải cho rằng, do thiếu thiết bị máy móc nên hiện nay việc giám sát chỉ bằng cách đo thủ công, khó bảo đảm độ chính xác. UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo xử lý vấn đề này.

THẾ NHÂN

Ðã có nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến các hầm đất sau khai thác được người dân tận dụng nuôi cá, nhưng không có rào chắn bảo đảm an toàn. Ðiển hình: Ngày 12.1.2016, tại một hầm đất khai thác ở xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành xảy ra tai nạn thương tâm với hai chị em ruột, một 5 tuổi và một 3 tuổi. Do hai bé đùa giỡn nên trượt chân té xuống ao tử vong. Ngày 4.9.2014, ở khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, 5 học sinh lớp 6 sau giờ học rủ nhau ra ao tắm và bị đuối nước, 2 em tử vong.
                                                                                                                                                                                                                                   
THIÊN TÂM
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh