Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Ngành giáo dục năm học 2017-2018:
Đạt nhiều kết quả quan trọng
Thứ hai: 07:03 ngày 03/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 31.8, Sở GD-ÐT tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Năm học qua, ngành Giáo dục đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng khó khăn, bất cập chưa phải đã hết.

Các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua nhận khen thưởng của UBND tỉnh.

SẮP XẾP LẠI TRƯỜNG LỚP

Tại hội nghị tổng kết, lãnh đạo Sở GD-ÐT thông tin, năm học 2017-2018, toàn ngành Giáo dục và Ðào tạo tích cực triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu do Bộ GD-ÐT ban hành hồi đầu năm học. Trong đó, việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục được chú trọng.

Năm học 2017-2018, huyện Tân Biên đã sáp nhập Trường THCS Thạnh Tây và Trường THCS Nguyễn Khuyến thành Trường THCS Nguyễn Khuyến; sáp nhập Trường tiểu học Mỏ Công và Trường tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu thành Trường tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu.

Ðối với các trường tiểu học có nhiều điểm lẻ, điểm phụ, các cấp quản lý đã cho sáp nhập về điểm chính để có điều kiện đầu tư trang bị và tổ chức dạy học tốt hơn. Từ 104 điểm phụ năm học 2016-2017 đến năm 2017-2018 còn 94 điểm phụ, phấn đấu đến năm học 2019-2020 chỉ còn 80 điểm phụ.

Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tổ chức sáp nhập các trường theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII. Theo đó, sáp nhập các trường THPT lân cận có số lớp ít, khả năng tuyển sinh đầu cấp thấp vào các trường có quy mô lớn, được phụ huynh, học sinh tin tưởng vào chất lượng giảng dạy. Ðồng thời hướng dẫn sáp nhập, tổ chức lại mạng lưới các trường tiểu học và THCS theo hướng phổ thông cơ sở có nhiều cấp học ở các trường THCS có quy mô nhỏ, lẻ.

Ðối với công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, Sở Giáo dục và Ðào tạo tăng cường chỉ đạo các trường THCS triển khai công tác hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ÐT. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt (năm 2013 chỉ có 5,2% học sinh sau THCS vào học nghề, trung cấp chuyên nghiệp; năm 2017 có 4,03% học sinh sau THCS vào học nghề, trung cấp chuyên nghiệp).

Công tác phân luồng chưa đạt hiệu quả là do hệ thống trường nghề, trường trung cấp ở tỉnh chưa hấp dẫn người học. Ngành nghề đào tạo của các trường này chưa đa dạng để học sinh lựa chọn, các trường chưa thực sự liên kết với các trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động, liên thông lên cao đẳng, đại học.

Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo, Sở GD-ÐT đã phối hợp với Sở Ngoại vụ xây dựng kế hoạch ký kết hợp tác với Trường đại học kỹ thuật Minh Tân- Ðài Loan để giới thiệu đưa học sinh sang học đại học. Năm học 2017-2018, Sở đã bố trí 5 giáo viên người Philippines dạy tiếng Anh tại 5 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, đồng thời phối hợp Teach For Vietnam bố trí 16 giáo viên từ tổ chức này đến giảng dạy tại 16 trường tiểu học và 16 trường THCS.

Song song đó, Sở thực hiện giao quyền tự chủ cho 44/44 đơn vị trực thuộc Sở, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 43 đơn vị bảo đảm một phần chi phí hoạt động, 1 đơn vị tự bảo đảm được toàn bộ chi phí hoạt động (Trung tâm GDTX tỉnh). Ðối với các đơn vị thuộc huyện, thành phố, tổng số đơn vị thuộc đối tượng thực hiện giao quyền tự chủ là 480 đơn vị. Việc giao kinh phí tự chủ cho các trường phát huy hiệu quả tốt trong điều kiện biên chế giáo viên và sĩ số học sinh ổn định (tăng giảm không đáng kể), các trường tiết kiệm được các khoản để tăng thu nhập cho giáo viên.

Hiện nay, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đã được Sở GD-ÐT, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả để từng bước hoàn chỉnh, hiện đại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Trong nhiều năm qua, cơ sở vật chất cho giáo dục đã được cải thiện, nhất là ở các vùng khó khăn. Các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn tài trợ, từ xã hội đã được kết hợp để đẩy mạnh việc kiên cố hoá trường, lớp học. Kinh phí đầu tư cho giáo dục và đào tạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, năm sau luôn bằng hoặc cao hơn năm trước.

Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện 5 giải pháp cơ bản để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Năm giải pháp này bao gồm: hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục và đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

Nhìn nhận lại một năm học qua, lãnh đạo Sở GD-ÐT cho rằng, toàn ngành đã nghiêm túc thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi được chú trọng theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Trường học, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, lớp học 2 buổi/ngày phát triển và mở rộng ở mọi địa bàn dân cư. Các chính sách đối với người dạy, người học được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập được bảo đảm. Ngành tổ chức thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non, đưa trẻ mầm non ra lớp đạt được chỉ tiêu đã đề ra; duy trì vững chắc tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục phổ thông tiếp tục được thực hiện có hiệu quả theo hướng chuẩn hoá, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên. Chất lượng công tác dạy nghề ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên ngày càng được nâng cao về chất lượng.

Trong thời gian qua, ngành đã phấn đấu đạt được 3/4 chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội X Ðảng bộ tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em 6 tuổi ra lớp hằng năm (chỉ tiêu trên 99%) năm 2017 đạt 100%; phổ cập mẫu giáo 5 tuổi (chỉ tiêu 99%) năm 2017 đạt 99,3%. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (chỉ tiêu 60 trường, mỗi năm 12 trường), đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 59/60 trường đạt chuẩn quốc gia, dự kiến vượt chỉ tiêu. Riêng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cấp trung học cơ sở tiếp tục học tiếp lên trung học phổ thông và trung cấp nghề đến năm 2020 (chỉ tiêu 100%), năm 2017 đạt 96,6%, chưa đạt chỉ tiêu.

Những khó khăn, hạn chế của ngành cũng được chỉ ra. Ðó là kết quả việc phân luồng sau trung học cơ sở vào trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề theo Chỉ thị 10-CT/TW ngày 2.12.2011 của Bộ Chính trị khoá XI chưa đạt hiệu quả cao. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp có tăng so với năm học trước nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước.

DẠY HỌC CẦN ÐƠN GIẢN NHƯNG HIỆU QUẢ

Tại hội nghị, lãnh đạo một số phòng GD-ÐT đề nghị xem xét tuyển bổ sung giáo viên mầm non để bảo đảm các quy định, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ.

Phát biểu chỉ đạo, đồng thời trao đổi với cán bộ quản lý ngành GD-ÐT một số nội dung quan trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc tán thành việc tuyển bổ sung giáo viên mầm non. Ông Nguyễn Thanh Ngọc thông tin, vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh và Sở GD-ÐT đã đề xuất cấp trên tuyển bổ sung giáo viên mầm non. Bộ GD-ÐT tán thành, ủng hộ nhưng Bộ Nội vụ lại chưa có câu trả lời sau cùng.

Tuy vậy, căn cứ vào các quy định hiện hành, tỉnh sẽ có phương án tuyển giáo viên bổ sung cho bậc học này. Trước mắt, có thể ký hợp đồng ngắn hạn với sinh viên mầm non đã tốt nghiệp, sau đó sẽ ký dài hạn. Ngoài việc chúc mừng những kết quả mà ngành GD-ÐT đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, trong chuyên môn, điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của quá trình dạy học.

Giáo án soạn chỉn chu, đầy đủ nhưng khi dạy lại thiên về lý luận thì cũng không hiệu quả. Mỗi giờ lên lớp cần có một cách tiếp cận vấn đề, cách đặt vấn đề khác nhau, hấp dẫn mới lôi cuốn người học. Nói ngắn gọn, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học là điều mà những người đang trực tiếp đứng lớp cần thường xuyên trau dồi. Về một số vấn đề khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc yêu cầu toàn thể cán bộ, giáo viên đổi mới tư duy về cách nghĩ, cách làm, không ngừng học tập để cải thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

Liên quan chuyện phân luồng không đạt hiệu quả như mong đợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục cần mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân, không né tránh để giải quyết được vấn đề, vì “nguyên nhân nào thì giải pháp đó”.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục