Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đất Ninh Điền (Tiếp theo kỳ trước)
Thứ tư: 11:19 ngày 01/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cứ nhìn vào “cơ ngơi” của Ninh Điền hôm nay, chẳng mấy ai ngờ rằng miền đất này cũng có một lịch sử dài lâu không kém những miền đất nay đã trở thành Thị xã hay Thành phố. Như Hoà Thành, Trảng Bàng, Tây Ninh.

Giờ đây Ninh Điền cũng đã có cụm công nghiệp. Đấy là ở cuối con đường trục xã, gần ranh giới với huyện Bến Cầu. Vài nhà máy đã xây dựng xong, như Tapioca Starch Factory hay Skey paint… còn tươi mới màu sơn, trước cổng có cờ bay phấp phới. Nông trường mía Hưng Thịnh cũng ở gần đấy. Cả một vùng đất bao la đang dâng lên màu xanh của một vụ mía mới trồng.

Tám ha bưởi da xanh của Công ty Hương Quê cũng giăng một màu xanh mát mắt dài hơn trăm mét bên đường… Tất cả hứa hẹn một tương lai phát triển của một vùng đất còn đang khô vì nắng. Có lẽ cũng phải đợi đến khi hệ thống thuỷ lợi lòng hồ dẫn nước vượt sông, dự kiến hoàn thành năm 2022 thì mới thật sự là bước đột phá cho Ninh Điền trong phát triển về nông, lâm nghiệp.

Cao su giữa rừng Ba Bàu.

Còn hiện tại, cơ sở vật chất của Ninh Điền vẫn chưa có gì nổi bật. Ngoài con đường trục bê tông nhựa thì hai bên nhà cửa dân cư và cả công trình công cộng cũng thưa thớt và chủ yếu là nhà trệt. Tại ngã ba Gò Nổi, nơi có vẻ “sầm uất” nhất, cũng chỉ thấy chợ Ninh Điền, tuy cũng đủ nhà lồng ở giữa, hai dãy nhà vừa ở vừa buôn bán hai bên nhưng vẫn chưa thoát cảnh nghèo nàn, lụp xụp.

Một ngôi trường tiểu học Gò Nổi mái ngói đỏ au, thuôn thả 2 tầng, sạch và quạnh vắng trong mùa dịch Covid-19. Ngang chợ còn có cả một bãi đậu xe rất rộng, vài trụ ăng-ten cao và vài ngôi biệt thự 2 tầng. Dọc đường trục vào UBND xã cũng có đủ quán sá, cửa nhà xen kẽ với rẫy, ruộng, mía, mì, bắp lai… cùng cỏ lau phơ phất.

Rẽ đường vào ấp Bến Cừ, chạy 3 cây số nữa là tới chùa Thát-Rát, cùng xóm ấp của bà con Khmer. Nhưng hình ảnh nổi bật ở đấy cũng chỉ là các khóm cây thốt nốt, đứng rải rác trên các cánh đồng khô nắng bạc màu. Cái bàu trước chùa cũng đã kiệt hết nước, chỉ thấy lục bình chen kín và đồng loạt nở đầy hoa tím, trông như một cánh đồng hoa.

Cứ nhìn vào “cơ ngơi” của Ninh Điền hôm nay, chẳng mấy ai ngờ rằng miền đất này cũng có một lịch sử dài lâu không kém những miền đất nay đã trở thành Thị xã hay Thành phố. Như Hoà Thành, Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Giở sách Từ điển Địa danh hành chính Nam bộ (Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) thấy có mục từ Ninh Điền (trang 753). Đấy là “thôn thuộc tổng Hàm Ninh Thượng, h. Tân Ninh, p. Tây Ninh, t. Gia Định, triều Thiệu trị… Đầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh. Ngày 24.12.1873 đổi thuộc tổng Giai Hoá…

Ngày 6.3.1891 được sáp nhập thêm làng Long Vĩnh giải thể…Thập niên 20 thế kỷ XX thuộc quận Thái Bình… Từ 1942 đổi thuộc q.Châu Thành… Ngày 24.5.1955 đổi thuộc tổng Hoà Ninh cùng quận. Từ năm 1956 gọi là xã, đổi thuộc quận Phước Ninh… Sau 30.4.1975 đổi thuộc h. Châu Thành, t. Tây Ninh…”.

Xem thêm mục từ Hàm Ninh (trang 416), ta sẽ biết chính xác hơn thời điểm khai sinh của xã Ninh Điền. Đấy là “từ triều Thiệu Trị năm thứ nhất” (1841), triều Nguyễn cho lập tổng Hàm Ninh, thì đã có tên các thôn trực thuộc, trong đó có cả Ninh Điền và Long Vĩnh kề bên. Vậy là đến năm 2020, Ninh Điền đã 179 tuổi.

Chỉ một năm nữa thôi, đã có thể kỷ niệm 180 năm- ngày khai sinh miền đất nắng Ninh Điền. Nói đất “nắng” kể cũng hơi oan. Bởi Ninh Điền xưa vốn là vùng đất “mát”, toàn rừng và ao bàu, sông suối. Rừng Ninh Điền từng nằm trong rừng Quang Hoá, nổi tiếng từ xa xưa trên miền đất đạo Quang Phong.

Đấy là miền: “Gò đồi trùng điệp, rừng rú liền dăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp hàng vài trăm dặm…” (Đại Nam nhất thống chí). Ngay từ thời các chúa Nguyễn (trước năm 1802), người ta đã khai thác gỗ của rừng Quang Hoá đóng tàu thuyền phục vụ cho chiến tranh và xây dựng. Cái danh từ “rỗng” cũng xuất xứ từ đây, khi trâu bò kéo gỗ làm các con đường lún sâu xuống thành mương hay rạch nước.

Ký ức về rừng, bàu với người Ninh Điền vẫn còn sâu đậm lắm! Chẳng thế mà trong sách Truyền thống cách mạng xã Ninh Điền, do Ban Tổng kết Chiến tranh, Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1986 cũng có các đoạn mô tả rất hình tượng như sau:

“Thuở xa xưa, Ninh Điền là một vùng đất đầy rừng rú và bưng biền dính liền với đồng bằng Nam bộ. Rừng chiếm bốn phần năm (4/5) đất đai. Rừng nguyên sinh có nhiều cây to, có cây rất to, gốc của nó hai ba người ôm mới hết. Và, có rất nhiều cây quý, có giá trị cao trong  xây dựng, sản xuất… như: sao, sến, dầu, quỷnh, bình linh, gõ, cẩm lai, lào táo…

Có loài cây cho nhựa, dầu phục vụ công nghiệp như sơn, dầu. Có loài cây cho thực phẩm như tràm, nhum. Ngoài ra có các loài cây ăn trái rất ngon như trái viết, chùm đuông, trường, gùi…

Rừng còn là nơi quy tụ nhiều loài ong về đóng tổ, ong ruồi, ong mật… Hằng năm đến tháng 3, tháng 4 bà con trong làng, đầu trên, xóm dưới từ mờ sáng kéo nhau vào rừng, tốp năm, tốp mười, có tốp hai, ba mươi người hái trái và nhổ nấm, lấy mật. Có nhiều người quanh năm vào rừng chặt đọt mật cật, làm chổi, đan quạt, chằm nón, chặt mây, lượm chai…

Các loài thú rừng ở đây không ít như: voi, cọp, gấu, hươu, nai, mễn, chồn, cheo, thỏ… nhiều nhất là cà tông, có đàn hàng mấy trăm con chạy lẹ như ngựa và rất nhiều chó chóc, heo rừng…” (trang 8-9). Đọc lại những dòng này, tôi nhớ lại những lần sang Ninh Điền trong mùa khô 2019-2020. Lòng bỗng thầm hỏi: “Rừng ơi, rừng đã về đâu?”.

Cuối năm ngoái, qua Ninh Điền tìm rừng Bà Bàu thì tôi bị lạc. Không phải “lạc rừng” mà lạc con đường tìm đến cánh rừng trên. Lần ấy tìm đường vào từ ấp Bến Cừ, nơi có xóm người Khmer ở cạnh chùa Thát-Rát.

Theo đường người Khmer chỉ, thì gặp một con đường đang bị lấp đầy từng đống đất để thi công. Lần này, vào tháng 3.2020, may gặp được anh cán bộ địa chính xã là Vương Đức Lợi, anh chỉ đường cho thật rõ ràng, dễ tìm. Anh mở máy tính ra, có cả một bản đồ kiểu như “không ảnh”. Đây nhé, từ trụ sở Uỷ ban, đi ngược về phía ngã ba Gò Nổi, 900 mét nữa thì gặp con đường nhựa.

Quẹo trái thêm khoảng 500 mét là tới cửa rừng. Quả nhiên, lần này thì tìm thấy cửa rừng ngay. Rừng Ba Bàu đó. Theo tấm bản đồ in kèm sách đã dẫn (Truyền thống…) thì hồi năm 1985, rừng Ba Bàu còn tới 300 ha. Trước cửa rừng khoảng hơn trăm mét có duy nhất một cái nhà với hai thanh niên đang chuẩn bị cơm trưa.

Hai anh cho biết, gọi tên Ba Bàu vì trong đó, xưa có 3 cái bàu lớn liên tiếp kề nhau, là bàu Gõ, bàu Sữa và bàu Bà Tám. Nay, phần thì đã bị lấp đi hoặc lấn làm đất trồng cây, nên có đi tìm thì ngay cả dân bản địa cũng khó tìm ra.

Ngay trước cửa rừng là một vườn tràm tốt tươi, bên một cái bàu nhỏ, nước lắp xắp lục bình hoa tím nở. Sau đấy mới là đường mòn đất đỏ vào rừng. Rừng vẫn còn đây, với nhiều cây cối vươn cao bên những cụm le và lùm bụi. Có cả trảng nhỏ, với cỏ tranh và lau khô héo. Nhưng nhiều trảng lớn giờ đây đã thành các vườn cao su và tràm hoặc keo tai tượng.

Nhìn xuyên qua một vườn cao su khoảng 2-3 năm tuổi đang xanh mơn mởn, vẫn thấy một dáng hình cây cầy (kơ-nia) kiêu hãnh vươn cao. Thấy rõ là một rừng nghèo, vắng cả tiếng chim giữa buổi trưa chao chát nắng.

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục