Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
'Đất nước luôn cần những nhà lãnh đạo như ông Kim Ngọc'
Thứ năm: 15:01 ngày 13/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhớ về ông Kim Ngọc, người dân mong muốn nhìn thấy một đội ngũ lãnh đạo có ý chí và sự sáng tạo của một con người sống hết mình vì nhân dân.


Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc.

“Cha đẻ” của khoán 10, khoán hộ; người đi trước thời gian, người tư duy đi trước thời đại” là cách mà người ta nghĩ về ông – cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Ông cũng là người mà khi nhắc đến, người ta sẽ liệt kê ra một loạt những phẩm chất cần có ở một nhà lãnh đạo: người biết nghĩ, dám làm, biết cách làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Năm 2019, thời điểm đất nước đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm kỷ niệm 40 năm ngày mất của ông Kim Ngọc. Dư luận hoàn toàn có lý khi nghĩ đến ông, nhớ về ông với mong muốn đất nước sẽ tìm ra một thế hệ lãnh đạo có được ý chí như ông để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới. 

Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (1917-1979). Ông được coi là "cha đẻ của khoán hộ" (hay khoán 10) với quan điểm "phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình".

Điểm khác biệt lớn nhất ở ông Kim Ngọc, đó là, ông không làm theo chính sách có sẵn, chỉ đạo có sẵn, bởi nếu cứ tiếp tục làm theo cách làm đó, người nông dân không biết khi nào mới ngẩng mặt lên. Họ có đất trong tay mà vẫn thiếu lương thực. Họ đi làm theo tiếng kẻng và kết quả là sản xuất trì trệ, kém phát triển, đời sống khó khăn, giá trị ngày công ngày càng thấp đi. Ông luôn trăn trở, nghĩ đến trách nhiệm của người lãnh đạo, ở một địa phương, ở một đơn vị như vậy mà để sản xuất trì trệ, đời sống nhân dân khó khăn thì ông không đành lòng.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã có một quyết định táo bạo, thậm chí liều lĩnh khi giao khoán ruộng đất cho từng hộ nông dân. Chủ trương này từng bị coi là đốt cháy giai đoạn không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh hợp tác hóa của Trung ương. Ông Kim Ngọc sau đó bị phê bình, chương trình phải dừng lại và ông Kim Ngọc sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với cấp trên. Hơn 20 năm sau, khoán hộ đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 10, người dân vẫn gọi là “Khoán 10” và được phổ biến rộng rãi khắp cả nước. 

Chia sẻ những suy nghĩ, đánh giá của mình về cố Bí thư Kim Ngọc, ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa -xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, có thể nói một Bí thư như Kim Ngọc là một mẫu hình tuyệt vời, một mẫu hình lãnh đạo rất cần thiết trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Hình mẫu lãnh đạo đó chính là nói phải đi đôi với làm, sâu sát thực tế, tôn trọng mọi người. Ông không chỉ gương mẫu mà còn dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm, đồng thời khích lệ, động viên được cấp dưới và người dân cùng làm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Chức, những mẫu hình đó vẫn còn thiếu trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay. “Người sẵn sàng vì cái tốt, vì sự tiến bộ chung chứ không nghĩ đến cá nhân mình, thậm chí chấp nhận thiệt thòi về mình. Rõ ràng ông Kim Ngọc thời đó đã chịu không ít thiệt thòi, bởi người đi đầu, đi tiên phong không phải lúc nào cũng được ủng hộ ngay nhưng vì công việc chung, sự nghiệp chung sẵn sàng không tính đến tới lợi ích của cá nhân, mà vẫn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, không nề hà bất cứ gian khổ, khó khăn nào để làm”, ông Chức phân tích và khẳng định “người tài như  Kim Ngọc, là mẫu hình lãnh đạo, người đứng đầu mà Đảng, đất nước và nhân dân đang rất cần”.

Để tìm được những con người như ông Kim Ngọc, ông Chức cho rằng, cơ chế cần thiết chính là sự dân chủ, lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng những ý kiến mang tính sáng tạo, đặc biệt ở những công việc cụ thể cần phải chọn được người đứng đầu xứng đáng. 

Còn ông Đỗ Duy Thường - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam mong muốn được nhìn thấy nhiều hình mẫu Kim Ngọc trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo đất nước thời gian tới. Họ cần phải có thực tiễn, phải về với người dân, xem họ nghĩ gì, mong muốn cái gì để ra được những quyết sách có lợi  cho dân nhất. 

“Người lãnh đạo đã nhận trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước Nhà nước, làm sao đem hết sức mình cống hiến. Những việc làm vì dân, vì nước chắc chắn sẽ được người dân, đất nước đánh giá, ghi nhận. Điều đó đã đúng với trường hợp của Kim Ngọc”, ông Thường nhận xét. Ông cũng cho rằng tinh thần, phong cách làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần được truyền cảm hứng đến với lớp lãnh đạo đất nước hôm nay và tương lai./.

Nguồn vov.vn

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh