Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiểu khu 47 Rừng phòng hộ Dầu Tiếng:
Đất rừng tự nhiên bị lấn chiếm Kỳ 1: Hồ sơ bị thất lạc, không xác định được người phá rừng
Thứ sáu: 19:16 ngày 04/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước thực trạng đất rừng tự nhiên phải “nhường chỗ” cho cây điều, cây mì và cây keo, người dân địa phương có đơn tố giác các hành vi vi phạm. Thế nhưng, việc xác định người phá rừng tại đây đến nay vẫn là một “ẩn số”. Người tố giác tiếp tục bức xúc, phản ánh...

Cây keo được trồng có quy cách tại khu vực thứ hai 0,6 ha, nhưng khi cơ quan chức năng làm việc thì không có người nhận (ảnh chụp ngày 23.11.2020).

Nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm

Theo đơn phản ánh của bà T.T.H, SN 1973, ngụ ấp Cây Khế, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu, năm 2016, bà H từng làm đơn tố giác ông N.V.T và bà P.T.N.H (cùng ngụ xã Tân Hoà) có hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại khu vực khoảnh 9, tiểu khu 47 để trồng điều, keo và mì. Sự việc sau đó được các cơ quan liên quan vào cuộc xử lý, ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả này kéo dài cho đến nay.

Về quá trình giải quyết đơn tố giác của bà T.T.H trước đây, tháng 8.2016, Ban Quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL) và UBND xã Tân Hoà kiểm tra, lập biên bản về hành vi bao chiếm đất lâm nghiệp của ông T.

Ngày 26.9.2016, BQL có Văn bản số 452 trả lời đơn cho bà T.T.H. Theo đó, BQL xác định hộ ông T vi phạm lấn, chiếm đất rừng phòng hộ trồng cây điều với diện tích 0,2 ha tại khoảnh 9, Tiểu khu 47. BQL đã lập hồ sơ chuyển UBND xã để xử lý theo quy định. Ðối với phần diện tích đất rừng 0,6 ha có cây keo tái sinh (gần vườn điều), ông T chỉ rong nhánh nhằm hạn chế cháy rừng lây lan. BQL yêu cầu ông T không được tiếp tục tác động lên phần diện tích đất 0,6 ha để rừng tự tái sinh, phục hồi.

Cũng theo Văn bản số 452, hộ bà P.T.N.H có hành vi vi phạm lấn, chiếm đất rừng phòng hộ để trồng mì (đã thu hoạch) tại khoảnh 9, tiểu khu 47, với diện tích 0,4 ha. BQL lập hồ sơ chuyển UBND xã xử lý theo quy định. Riêng diện tích 1 ha đất lâm nghiệp gần đó, bà P.T.N.H đã ký hợp đồng trồng rừng với BQL vào ngày 18.8.2015, và thực hiện đúng theo hợp đồng. Năm 2015, do thời tiết nắng hạn nên một số cây rừng bị chết, bà P.T.N.H trồng giặm cây rừng đầy đủ. Về phần diện tích còn lại 0,4 ha có cây và cỏ tái sinh, BQL đang khoanh nuôi, bảo vệ rừng để tự phục hồi; nếu ai cố ý tác động lấn, chiếm sẽ bị xử lý nghiêm.

Bà T.T.H không đồng ý với kết quả trả lời của BQL, cho rằng như vậy là “chưa đầy đủ” so với tình hình thực tế, nên tiếp tục gửi đơn tố giác. Ngày 4.10.2016, Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Dầu Tiếng (Hạt Kiểm lâm) cùng phối hợp với BQL và UBND xã Tân Hoà kiểm tra thực tế tại khoảnh 9, tiểu khu 47; lập biên bản chi tiết, tứ cận giáp ranh về các vị trí vi phạm của ông T và bà P.T.N.H, trước sự chứng kiến của bà T.T.H. Kết quả kiểm tra xác định, có 6 khu vực đất lâm nghiệp bị tác động tại đây.

Khu vực thứ nhất diện tích 0,2 ha, do ông T đang trồng cây điều. Khu vực thứ hai trồng cây keo 0,6 ha. Theo nhận định là của ông T, cây keo này được trồng theo cự ly cây cách cây 1,2m, hàng cách hàng 2m. Trong số đó, có một số cây tái sinh không theo quy cách trồng, đã được chặt cành, rong nhánh. Ngoài ra, trên đất còn có dấu vết của gốc cây rừng đã bị cưa hạ, đốt cháy từ lâu. Khu vực thứ ba có diện tích 0,4 ha, tại thời điểm kiểm tra đất trống, có dấu mới thu hoạch cây mì, do bà P.T.N.H bao chiếm sử dụng.

Khu vực thứ tư diện tích 0,6 ha, hiện trạng là trảng cỏ và rừng mới bị phá còn trơ gốc. Trên đất đã được trồng cây keo theo cự ly hàng cách hàng 2m, cây cách cây 1,2m hướng cặp theo triền suối. Phía trên đó giáp rừng tự nhiên, rừng có dấu tiếp tục bị tác động (theo bà H thì phần diện tích này do bà P.T.N.H “làm chủ”- biên bản nêu).

Khu vực thứ năm diện tích 0,45 ha, nằm phía sau đuôi rừng trồng của bà H, giáp rừng trồng của bà P.T.N.H; phần diện tích đất này tại thời điểm kiểm tra cây rừng chồi đang tái sinh, nhóm hộ không phát hiện người vi phạm. Khu vực thứ sáu diện tích 1,2 ha, trên đất đang trồng cây khoai mì cao khoảng 1,6m đến 2,3m, theo bà T.T.H thì đám mì này là của ông T trồng.

Hồ sơ bị... thất lạc

Biên bản kiểm tra ngày 4.10.2016 của Hạt kiểm lâm kết luận, vị trí rừng bị tác động tại khoảnh 9, tiểu khu 47 thuộc BQL có 6 khu vực khác nhau, trong đó 5 khu vực nằm liền kề nhau, diện tích đất rừng bị tác động là 3,45 ha. Trên đất đã được trồng cây điều, keo, mì, có một số cây chồi tái sinh. Ðoàn kiểm tra lập biên bản ghi nhận sự việc, giao nhóm hộ bảo vệ rừng tiểu khu 47 tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, chờ kết quả giải quyết từ cấp có thẩm quyền.

Ngày 15.11.2016, Hạt Kiểm lâm ban hành Thông báo số 02 trả lời đơn tố giác và tống đạt cho bà T.T.H. Thông báo xác định, ông T lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp trái phép gồm diện tích 0,2 ha, tại khoảnh 9, tiểu khu 47, vị trí giáp đất vườn cao su sau nhà ông T; trên đất đang trồng cây điều 3 năm tuổi (vào thời điểm đó). Ðối với phần diện tích đất này, trước đây BQL có lập biên bản nhưng do trải qua nhiều năm hồ sơ lưu bị thất lạc, không tìm được.

Tuy nhiên, việc ông T sử dụng trái phép diện tích này là có thật. Ngày 17.8.2016, BQL rừng phòng hộ lập biên bản, chuyển hồ sơ đến UBND xã Tân Hoà để giải quyết theo quy định. Tháng 9.2016, UBND xã chuyển hồ sơ lên UBND huyện Tân Châu để xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Ngoài ra, hộ ông T còn trồng mì trên diện tích đất lâm nghiệp 1,2 ha, cũng tại khoảnh 9, tiểu khu 47, tại vị trí giáp rừng trồng hợp đồng diện tích 3,6 ha của hộ ông T.

“Ðối với diện tích này (tức khu vực đất lâm nghiệp 1,2 ha bị ông T lấn chiếm để trồng mì), trước đây, BQL đã lập biên bản không có đối tượng, không phát hiện được người vi phạm, không xác định được đối tượng là ai, do trải qua nhiều năm nên hồ sơ lưu bị thất lạc. Ðến tháng 12.2015, BQL tổ chức cày huỷ bỏ cây mì trồng trái phép trên đất rừng phòng hộ.

Trong đó có diện tích 1,2 ha mì nêu trên thì ông T đến nhận, BQL đã lập biên bản về việc ông T lấn chiếm đất lâm nghiệp để trồng mì trái phép. Qua làm việc, ông T trình bày diện tích 1,2 ha này có nguồn gốc mua lại của một người dân nhưng không biết tên gì và ở đâu, khi mua hiện trạng đất trống, chỉ còn cỏ mỹ, cây chồi, bụi le, gò mối. Ông T sử dụng đất trồng cây mì đến nay, ông không thừa nhận mình đã phá rừng để trồng mì” - Thông báo số 02 nêu.

Thông báo trên còn thể hiện, qua tra cứu hồ sơ ngày 17.4.2013, ông T có hành vi vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng, địa điểm xảy ra vi phạm tại khoảnh 11, cùng tiểu khu 47. Vụ việc này, ông T bị Hạt Kiểm lâm xử phạt số tiền 1,5 triệu đồng, ông đã nộp phạt. Ðối với phần diện tích đất rừng 0,6 ha (giáp 0,2 ha cây điều), trên đất được trồng cây keo theo quy cách đã nêu, có một phần cây keo tự tái sinh, ông T không thừa nhận mình canh tác trên phần đất này.

Hạt Kiểm lâm kết luận, ông T có hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp để trồng cây mì với diện tích 1,2 ha, trồng cây điều trên diện tích 0,2 ha. Riêng việc ông T có hành vi phá rừng hay không là chưa đủ cơ sở để chứng minh, xử lý.

Lý do, các diện tích này đã bị phá từ nhiều năm, BQL không xác định được cụ thể thời điểm nào rừng bị phá (do hồ sơ lưu thất lạc), cũng không xác định được đối tượng đã phá rừng. Người tố giác cũng không cung cấp được chứng cứ. Trong quá trình làm việc, ông T chỉ thừa nhận việc mua lại đất của người khác để trồng mì, ông không thừa nhận việc phá rừng để trồng mì.

Mặc dù vậy, sự thật là ông T có lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp, hành vi này cần phải được xử lý, thu hồi đất để Nhà nước quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hạt kiểm lâm kiến nghị UBND xã Tân Hoà, UBND huyện Tân Châu kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của ông T; không cho ai vào hợp đồng trồng rừng đối với các diện tích bị vi phạm nêu trên; thực hiện thu hồi đất, tổ chức quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi rừng tái sinh...

Mãi đến năm 2020, ông T vẫn trồng mì trên diện tích 1,2 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm (ảnh chụp ngày 17.7.2020, do bà T.T.H cung cấp).

Ngày 18.12.2016, UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 5714 về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (lý do hết thời hiệu) đối với ông T, buộc ông T phải khôi phục lại tình trạng 0,2 ha đất rừng trước khi vi phạm (BQL chưa cung cấp được thông tin cụ thể về việc xử lý vi phạm 1,2 ha đất rừng đối với ông T - P.V), trả lại đất rừng đã lấn chiếm cho BQL trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Trong một diễn biến khác, ngày 13.1.2017, UBND huyện Tân Châu còn ra Quyết định số 114 với nội dung tương tự như trường hợp của ông T, áp dụng cho bà P.T.N.H. Quyết định này buộc bà P.T.N.H khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng của 0,4 ha đất rừng trước khi vi phạm, trả lại đất rừng cho BQL trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

“Tôi không đồng ý với lý do hồ sơ bị thất lạc khi liên quan đến những vụ phá rừng với diện tích lớn và nghiêm trọng đến vậy. Kể cả không đồng ý với nội dung cơ quan chức năng trả lời rằng người đang vi phạm có lấn chiếm, sử dụng trái phép đất rừng nhưng không thừa nhận hành vi phá rừng là... coi như xong, để rồi các vi phạm vẫn còn. Rừng không tự mất đi. Vậy nên, sự việc cần phải được làm rõ, xử lý đến cùng các hành vi vi phạm nhằm răn đe, ngăn chặn dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng tự nhiên tại tiểu khu 47”- bà T.T.H nêu ý kiến.

Minh Quốc

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục