Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Đất thiêng
Thứ bảy: 07:59 ngày 08/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vậy là ông biết chắc hùng khí các liệt sĩ vẫn muôn đời hiện hữu trên mảnh đất thiêng này. Lạy trời, xin các anh em chỉ cho con cháu ông con đường sáng.

Đoàn xe Thành phố Hồ Chí Minh chở dân đi khai hoang đợt đầu, trong đó có gia đình Hai Huân, tới ngã tư giữa rừng thì dừng lại. Lúc ấy đã xế chiều. Một thông báo ngắn gọn phát ra: - Đến quê hương mới rồi bà con ơi! Xin mau xuống để xe còn về kịp sáng mai chở chuyến tiếp theo.

Suốt hành trình, bà má Hai Huân tuổi đã ngoài sáu mươi bị say xe, mặt mày xanh lét ngồi gục đầu vào lưng con dâu. Hai Huân cũng trong trạng thái lử lả gật gật gà gà. Chợt mấy cú đập cửa thình thình. Choàng tỉnh, anh vội xốc nách bế bổng bà má đang rũ rượi như tàu cải muối rồi thập thễnh xuống xe.

Ngó lên trời vần vũ mây đen, nhìn sang bên vệ đuờng, thấy căn nhà vách đất, mái tranh mới lợp vàng ươm bỏ không, anh quyết định bước vào. Để má nằm tạm trên cái giường ghép bằng những thân cây le còn xanh rói.

Thấy yên yên, anh trở ra cùng vợ và thằng con lôi được chiếc rương và lỉnh kỉnh mấy bao đồ từ nóc xe xuống thì trời đổ mưa, như trút nước. Nhắm chừng còn mưa dai, ông trưởng ban điều hành lệnh cả đoàn gồng gánh lên vai hành quân theo ông nhận nhà.

Đến chỗ Hai Huân, nhìn bà cụ cong lưng nôn thốc tháo mật xanh mật vàng, lại còn một đống đồ đạc ướt sũng, lại thấy Hai Huân chân cẳng khập khễnh, ái ngại, ông mắm môi hạ một lệnh mồm: - Thôi giao cho vợ chồng anh căn nhà này. Hai Huân vâng dạ cám ơn rối rít.

Người bạn thân cùng nghề xe ba gác cùng phố rỉ tai: - Mày ngu bỏ mẹ, ở giữa ngã ba trống trải thế này, Miên nó tập kích có mà chết. Chả biết có linh tính nào mách bảo, Hai Huân đáp gọn lỏn: - Ông tưởng chết dễ vậy sao? Anh ta xì một tiếng rõ dài rồi lập cập bỏ đi. Lại còn ngoái cổ chửi gọn lỏn một câu xanh rờn: - Đồ ngu khó dạy!

Gần hai chục năm sau, nơi này thành thị trấn, thành trung tâm kinh tế chính trị cấp huyện. Ngã tư đường rừng xưa thành trung tâm phố huyện đèn điện sáng suốt đêm. Góc đối diện nhà Hai Huân xây khu thương mại dịch vụ quy mô một nhà lồng chợ mênh mông chứa mấy trăm hộ tiểu thương.

Chẫm sáng chẫm tối người đông nghìn nghịt. Hai góc còn lại huyện thu hồi đất để lập mấy toà công sở cao ngất. Thửa vườn góc ngã tư của Hai Huân và các hộ mặt tiền dọc đường được giữ nguyên vẹn khu dân cư. Không ít người xuýt xoa tiếc hùi hụi, sao hồi ấy mình không nhanh chân xí phần cái căn nhà đầu lô ấy nhỉ.

Đã quen túc tắc sống cầm chừng thời bao cấp, mấy năm đầu chuyển sang cung cách kinh tế thị trường, ai nấy đều lật bật đuổi theo những đổi thay chóng mặt. Các hộ có đất cạnh đường như Hai Huân đua nhau chia ra từng miếng đủ xây một căn nhà phố rồi đánh tiếng mua mua bán bán, đổi chiều ngang đất lấy chiều cao những ngôi nhà lầu.

Người bạn năm nọ chê ông ngu bỏ mẹ giờ cười hề hề: - Hai Huân hoá Hai Hên rồi. Ngồi dạng háng đếm vàng bỏ két, sướng nhá! Đáp lại, Hai Hên cũng hề hề cười, chẳng ra vui, chẳng ra buồn.

Mười năm sau nữa cái làng kinh tế mới xưa chẳng còn tí dấu vết nào. Hai bên đường, bốn bên ngã tư lên lầu lên phố rần rần, nhà nhà mở cửa hàng cửa hiệu buôn bán thu lời như nước. Riêng khu vườn của Hai Huân hai mặt tiền vuông góc áp hai con phố chính vẫn y sì xanh rờn cây trái toả bóng mát che căn nhà ba gian mái thiếc cũ xì gỉ xét.

Bao nhiêu người thèm nhỏ dãi thế đất đẻ ra vàng ấy, cậy cục, van nài, ép buộc, Hai Huân vẫn kiên định lập trường không bán. Bây giờ thì trong mắt mọi người, Hai Hên lại hoá ra Hai Hâm tỷ độ. Thâm tâm Hai Huân cũng buồn vì cái tiếng hâm ấy lắm. Cũng muốn bộc bạch nỗi niềm sâu kín vì sao mình muốn giữ cho miếng đất này thanh sạch y như nó từng thanh khiết và đang thanh khiết như xưa rày vốn vậy.

Nhưng hễ sắp mở lời thì trước mặt ông toàn chô chố những con mắt thèm thuồng; châu chẩu những cái mồm mở ra là tiền, là vàng, là lời lỗ. Ông thấy bọn họ không xứng được chia sẻ những tâm sự lâu nay ông thành kính ấp ủ trong lòng.

Bởi vì cái miếng đất ấy gần bốn chục năm rồi cả gia đình ông đã yên hàn sinh cơ lập nghiệp, ăn ngủ ở đấy, hít thở không khí thanh khiết bao trùm trên ấy, con cái ông nên người tử tế cũng bước ra đời từ đấy. Với ông, nó là một cõi đất thiêng phải bảo vệ, phải giữ gìn để không một ai, không một thứ gì có thể bôi bẩn được.

Ba mất sớm, má Hai Huân một nách con thơ, một nách khi rổ bánh bèo, khi giỏ bánh ú bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Lên năm tuổi, Hai Huân bị một cơn sốt tưởng chết. Sống được nhưng teo một bắp chân.

Từ đấy, mỗi bước đi của anh thập thà thập thễnh. Khiếm khuyết tí chút vậy thôi, các phần khác của cơ thể anh phát triển tuyệt vời. Người cứ chắc như nắm cơm. Bảy tám tuổi anh đã có thể xay bột hì hụi cả ngày phụ má làm bánh. Mười mấy tuổi đủ sức đạp xe ba gác chở thuê trăm thứ bà rằn cho hàng phố. Rồi anh lấy được vợ- hoàn cảnh cũng như anh, áo ngắn đùm áo rách, như má anh, cũng đòn gánh trên vai buôn thúng bán bưng đầu hẻm cuối phố đủ loại tầm tầm.

Trước ngày Sài Gòn giải phóng một năm, thằng Hân con anh chưa đến tuổi bị bắt lính nhưng được thả nhờ một bên mắt bị tật đục lờ như cùi nhãn. Vậy là cha con anh nhờ tàn tật mà thoát tội cầm cây súng mà chẳng biết trước đầu ruồi là kẻ thù nào.

Ngày thằng cháu mang về tấm giấy chứng nhận miễn quân dịch, má Hai Huân mắt hấp háy cười nhưng dấp dính đôi giọt lệ nói: - Rõ khổ cái nhà này, bố què con chột. Vợ Hai Huân cười thật tươi: - Thế má không thấy nhà thím Tư bên cạnh sao, chồng tử trận, con cũng vừa báo tử. Giờ ra vào thui thủi.   

Mấy tháng đầu giải phóng, Sài Gòn thất nghiệp nhiều. Chính quyền phường vận động dân đi kinh tế mới với nhiều ưu đãi. Hai Huân được cả nhà đồng thuận liền hăng hái đăng ký một suất. Giao lại cho phường gian nhà rách như tổ quạ anh chẳng tiếc.

Nhưng ở xứ rừng hoang vu liệu nhà anh có khá lên không thì anh có chút vương vấn hoang mang. Đêm đầu tiên nằm trong căn nhà vách đất lạ lẫm, tứ bề kèn kẹt từng hồi tắc kè gọi nhau không ngớt, lạ sao anh chẳng gợn chút lo lắng, bồn chồn.

Cứ như là có người mách bảo đấy là duyên phận, đấy là anh đang trở về nơi chốn của anh tự thuở nảo nào. Đêm ấy, giữa tiếng mưa rì rầm không ngớt, không hẳn thức, cũng không ra ngủ, anh mơ hồ nghe văng vẳng trong gió rừng ràn rạt lúc xa, lúc rất gần những tiếng hô một, hai, ba, bốn… cùng nhiều bước chân rầm rập chạy qua nhà.

Đồ rằng có doanh trại bộ đội đóng ở gần đây. Gần sáng anh lò dò sang bên kia đường ngồi chung bàn với mấy ông già đang uống cà phê sớm. Trời còn sớm lắm, đêm rừng đen như mực.

Quán tranh xập xệ lèo tèo vài bộ bàn ghế ghép bằng tre thấp lè tè. Vài ngọn đèn hột vịt le lói vài quầng vàng vọt. Sau mấy phút đôi hồi làm quen thăm hỏi xã giao, anh hỏi về những tiếng hô trong mưa đêm qua, mấy ông chẳng tỏ chút ngạc nhiên. Rồi một ông già nhất thủ thỉ: - Chả có trại binh nào ở đây đâu. Nhưng chúng tôi nghe thấy hoài hoài. Ngã ba này hồi đó ác liệt lắm. Ta hy sinh cũng nhiều. Bên kia cũng chết nhiều lắm.

Thương lắm. Những đêm hôm mưa gió đều nghe rầm rập di chuyển như vậy. Nhưng sáng ra tịnh không một bóng anh bộ đội nào. Đất này thiêng lắm. Phía sau căn nhà anh vừa nhận ấy, cách khoảng dăm trăm mét là trạm sơ phẫu tiền phương của quân Giải phóng thời chiến đấy. Còn con đường này hồi đó chỉ là lối mòn giao liên dẫn quân về Trung ương Cục đóng gần đây, độ chục cây số hà.

Vậy là dưới đất này chắc chắn còn nhiều hài cốt liệt sĩ. Loé trong đầu ý ấy, khi quay về căn nhà mới, bất giác Hai Huân bước đi rón rén, chỉ sợ mình sơ ý giẫm phải một thứ gì đấy rất linh thiêng đang nằm vùi trong cỏ.

Tờ mờ sáng Hai Huân đã một mình dạo quanh khu vườn vừa được giao. Mấy gốc cây lớn còn nguyên một mẩu thân rỉ mủ nhô lên mặt đất nằm rải rác lẫn với những ụ mối to như đống rơm. Đây đó những khóm le đâm măng tua tủa.

Chả hiểu sao giữa vườn còn duy nhất một cây khế rừng thân to cả người ôm. Khắp cành lá, cành bổng trái vàng âng ẩng treo lúc lỉu. Lẩn trong vòm lá, mấy chú chim nhí nhắt mổ những trái chín mọng.

Mơ hồ anh nghe tiếng khúc khích của nhiều cô con gái. Ngẩng đầu, nhiều đôi mắt chim mở tròn, hấp háy nhìn anh thân mật chẳng khác mắt người. Sẵn trong tay cây rựa, anh phát quang cỏ dại quanh gốc cây, thầm nghĩ biết đâu hồi ấy các cô Giải phóng quân đã từng đến đây hái từng nón rồi cùng ăn ngon lành, cùng cười khúc khích, cùng nao nao thương nhớ vị quê hương.

Biết đâu trong số ấy có người đang nằm lại nơi đây, hương hồn vẫn tìm về khúc khích cùng nhau dưới bóng cổ thụ này. Một tuần sau, khi dọn cỏ tới cuối vườn, hai cha con anh phát hiện một mô đất lùm lùm bề dài chừng hai mét, bề rộng non một mét.

Nhớ lời mấy ông già bữa nọ, nghi nghi là một nấm mồ liệt sĩ, anh cùng con đào đất đắp lên vuông vắn. Ngay trưa ấy, anh lập một bàn thờ thiêng trên đầu nấm đất rồi dâng hương hoa khấn vái, rằng nếu đây là nơi yên nghỉ của anh chị liệt sĩ nào thì xin báo mộng, tôi sẽ bằng mọi cách liên lạc để hài cốt anh chị được về với cố hương.

Vái xong ba vái, anh thấy ba cây nhang loé sáng khác thường và ba đoạn tàn hương uốn cong vòng tạo nên đoá hoa ba cánh. Từ đấy, mỗi tư rằm, đầu tháng chưa bao giờ nhà anh quên hương hoa cúng vái.

Cuối năm ấy vợ Hai Huân sinh con gái. Lúc đứa con cất tiếng khóc chào đời,  trong đầu anh vừa loé lên cái tên Hồng Liên thì vợ anh cũng khẽ bảo đặt tên con là Hồng Liên anh ạ. Ngày cháu Hồng Liên đầy tháng trùng với ngày mồng hai tháng chín.

Bà má anh giết gà, đồ xôi, ăn mừng lễ Quốc khánh và cúng bà mụ cháu bé luôn thể. Tất nhiên bà cụ không quên dâng lễ lên bàn thờ thiêng nơi cuối vườn. Buổi trưa hôm ấy, sẵn tí rượu ngà ngà, Hai Huân vắt áo qua vai lâng lâng ra cổng, định làm một ly cà phê cho thêm phần sung sướng.

Đột nhiên một chiếc xe Jeep quân sự phanh kít giữa đường. Mở cửa xuống xe là một nữ chiến sĩ Giải phóng. Cô vừa nở nụ cười tươi rói dưới vành nón tai bèo, vừa tiến đến nắm tay anh thân mật như người quen lâu giờ gặp lại.

Rồi kéo anh lên xe, nói đơn vị trân trọng mời anh tới dự liên hoan. Anh lặng lẽ làm theo như cái máy. Xe rồ ga lướt về phía rừng xa khoảng mươi phút thì dừng trước cổng doanh trại. Trong sân đông đặc bộ đội đi đi lại lại. Chạy ùa ra ríu rít đón anh khoảng hơn chục cô gái.

Cô nào cũng đội nón tai bèo, chân đi dép râu và vận quân phục màu xanh lá cây. Cô nào ánh mắt cũng sáng lấp lánh, tóc dài đen nhánh nhưng màu sắc áo quần thì đều in dấu nắng mưa bợt bạc.

Hình như nhận ra từ anh cái nhìn đầy ái ngại xót xa cho đời lính gái, một cô cứng tuổi hơn nói: - Đã mấy năm rồi chúng em chưa được phát quân trang. Phải thông cảm cho đất nước mình còn nghèo khó đủ bề anh ạ.

Nói rồi cả bọn kéo anh vào nhập tiệc. Tiệc đãi khách có thịt bò, thịt heo đều chế biến theo kiểu Bắc. Bữa ấy các cô thay nhau mời anh uống rượu. Vui quá, cảm động quá, chủ khách đều uống nhiều.

Rồi các cô nghiêng ngả hát, nghiêng ngả cười, nghiêng ngả ôm nhau khóc khiến anh cũng ầng ậng hai hàng nước mắt. Trong lúc tâm thần chếnh choáng, anh nghe loáng thoáng các cô nói với nhau: - Liệu anh ấy có nhận ra chúng mình hằng ngày đến hái cây khế giữa vườn không nhỉ? Mà cái Liên phải chăm sóc anh ấy nhiệt tình vào, căn nhà mày được ấm cúng là nhờ anh ấy đấy.

Khoảng xế chiều, các cô ríu rít tiễn anh lên xe, cô khóc, cô cười bịn rịn. Xe tới cổng, cô Liên còn ngồi nán lại gục vào vai anh nức nở: - Anh ơi! Em nhớ mẹ em quá. Tròn mười năm rồi em chưa được về với mẹ. Đáp lại, anh chỉ biết khóc cùng cô. Anh em quyến luyến chia tay. Liêu xiêu bước cao bước thấp chưa tới cửa anh đã nghe cả nhà ồ lên: - Tỉnh rồi! Tỉnh rồi! Tiếng má anh: - Cái thằng yếu gì đâu, mới vài ly đã say mê mệt suốt buổi. Mở mắt, thấy mình đang nằm trên giường giữa vòng vây mấy người nhà và hàng xóm. Định thần, anh chẳng nói lời nào. Chỉ im lặng nghiền ngẫm cái bữa tiệc lạ lùng vừa rồi.

Sáng hôm sau, anh lẳng lặng lên Huyện đội báo cáo về nấm đất cuối vườn. Cũng không quên kể lại câu chuyện hư hư thực thực chiều hôm trước. Khoảng một tuần sau, một toán quy tập hài cốt liệt sĩ đến chỗ anh lập bàn thờ. Họ đào sâu độ một mét thì chạm tấm tăng màu lá cây. Cẩn thận mở ra, trong đấy còn nguyên vẹn bộ xương nhỏ nhắn. Phía trên đầu còn cả một mái tóc dài đen óng ánh. Cạnh đấy vẫn nguyên xi hai chiếc bát sứ lồng miệng vào nhau khít rịt. Mở bát thấy một tấm hình con gái lồng trong túi nylon hiện lên đôi má bầu bầu, miệng nở cười tươi tắn hai hàm răng đều như hạt bắp. Lạ kỳ, chỉ ít giây sau đó tấm hình chỉ còn là tấm giấy trắng toát. Nhưng Hai Huân vẫn nhận ra đấy là cô bộ đội đã gục vào vai anh nức nở nhớ mẹ già ngoài Bắc trong buổi chiều kỳ lạ ấy. Trong bát còn vỏ một lọ thuốc péniciline chứa tờ giấy tuy đã nhoè nhưng vẫn đọc được dòng chữ: Nguyễn Thị Hồng Liên, quê quán… hy sinh ngày… Hài cốt liệt sĩ Liên chuyển đi rồi, Hai Huân thấy trong lòng vô cùng trống trải, ngẩn ngơ như mình vừa vĩnh viễn chia ly đứa em gái thân thương bé bỏng. Ngay chiều ấy, anh gửi thư báo cho gia đình cô Liên ngoài Bắc. Lại bồn chồn đón xe đến chân núi Bà đặt thợ đá làm một tấm bia khắc chữ: Nơi đây từng là chỗ yên nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Liên, quê quán… hy sinh ngày… . Rồi chở về dựng trang trọng vào chính giữa chỗ đất anh em bộ đội vừa khai quật. Vẫn chưa bằng lòng, cha con anh còn kỳ công kiếm mấy cây dầu nhỏ đem về trồng bốn góc bia, thầm khấn chỗ đất này sẽ là nơi đi về, trú ngụ của các linh hồn liệt sĩ chưa có cơ hội về với lòng đất quê nhà họ hằng nhớ thương mòn mỏi.

Chừng nửa tháng sau, người anh cả của liệt sĩ Hồng Liên bước xuống từ chiếc xe U-oắt đít bầu đậu trước nhà Hai Huân. Tận mắt chứng kiến tấm lòng của cả nhà Hai Huân đối với em gái mình, ông để lại một tấm hình của Hồng Liên cho Hai Huân đặt lên ban thờ. Ngủ lại một đêm anh em mở lòng tâm sự, ông thấy mến thương Hai Huân như đứa em trai mình. Lúc chia tay anh em thân thiết ôm nhau. Ông nói: - Hồng Liên nó nhận chú là anh trai nó rồi. Vậy chú cũng là em trai tôi. Mẹ tôi bao năm rồi mòn mỏi chờ mong ngày này. Vài hôm nữa Liên về với mẹ tôi. Thay mặt gia đình, tôi cám ơn chú nhiều lắm. Vốn vụng lời, Hai Huân chỉ biết nắm hai tay anh mà khóc. Tháng sau nữa, đột nhiên Uỷ ban huyện cho người về làm hồ sơ rồi quyết định tuyển dụng thằng Hân vào làm chân văn thư chạy giấy. Từ đấy, con trai Hai Huân có lương tháng, lại thêm tiêu chuẩn gạo nữa, nhà Hai Huân đỡ lo miếng ăn hằng ngày. Không hỏi nhưng Hai Huân thầm đoán ông anh ngoài quê Bắc làm chức gì to lắm gửi gắm nên con anh mới mở mày mở mặt được như vậy. Sau này, con gái Hồng Liên của anh học xong đại học, nộp đơn xin việc vào một cơ quan phân bộ đóng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng được tuyển dụng ngay. Mấy tháng sau nó được ông trưởng phòng bảo thứ trưởng H… hỏi thăm cháu đấy, Hai Huân mới biết ông anh kết nghĩa của mình đương chức thứ trưởng bộ X.

Bây giờ thì Hai Huân già lụ khụ rồi. Mẹ ông, rồi vợ ông đã lần lượt bỏ ông quay về thiên cổ. Thằng Hân con ông đã có vợ. Vợ nó có sạp hàng bán mỹ phẩm trong nhà lồng chợ. Công việc nội trợ chẳng bao giờ nó để mắt tới, tối ngày chỉ lo bận bịu sơn xanh sơn đỏ móng tay, mí mắt. Sợ nhiều con mau già, nó chỉ sinh cho ông một thằng cháu nội. Năm nay thằng bé học lớp năm rồi. Hiện thời đôi mắt Hai Huân đã mờ, hai chân thập thễnh hơn. Ngày hai buổi ông tha thẩn chống gậy quanh vườn quét dọn lá lảu và lau chùi mấy tấm ghế đá ông đặt dưới gốc những cây dầu giờ đã là cổ thụ xoè bóng che tấm bia ghi dấu chỗ xưa em gái Hồng Liên yên nghỉ. Mấy chiếc ghế chả đêm nào vắng những cặp tình nhân rù rì tâm sự. Sáng sáng thì các cụ già đến ngồi tắm nắng, gặp nhau trao đổi tâm tình. Cây khế giữa vườn gốc to vượt người ôm. Quanh năm trái sai kĩu kịt. Rất nhiều lần ông ngước nhìn lên bắt gặp những con chim quen thuộc năm xưa từng ríu rít mổ mổ những trái khế chín vàng. Bây giờ từng đôi mắt chim vẫn mở to tròn hấp háy như mắt người. Nhưng vẻ tinh nghịch đi đâu mất cả. Có hôm chúng xếp cánh đứng bên nhau thẫn thẫn thờ thờ. Lần nào ông cũng nghe văng vẳng ai đó nhắc đến cô Liên lâu nay không thấy vào chơi. Lại như có nhiều lời nỉ non gọi mẹ. Ông chỉ biết đứng ôm cây tu tu khóc. Mấy người bắt gặp cảnh ấy, họ rỉ tai nhau lão Hai Huân già quá sinh ra dở người rồi.

Đêm qua ông nghe tiếng vợ chồng thằng Hân cãi vã. Tiếng con vợ: - Bảo với ông chặt cây khế rồi xây căn nhà mở tiệm mỹ phẩm. Thời cơ hái ra vàng mà không biết tận dụng. Thằng chồng gằn giọng: - Cô im cái mồm đi! Động đến cây khế là động đến sinh mệnh ba tôi đó. Con vợ nó xì một tiếng rõ dài: - Sắp xuống lỗ còn bo bo giữ của. Trưa nay thằng cháu ông đi học về phụng phịu: - Ông mua cho con chiếc xe đạp điện. Ông xoa đầu nó rù rì: - Ông làm gì có nhiều tiền vậy. Thằng cháu linh hoạt hẳn lên: - Thì ông bán đi một tí ti đất, mua được ối thứ. Má cháu bảo vậy!

Nghe cháu hồn nhiên mách nước, Hai Huân bần thần chống gậy ra vườn. Ông đau đớn xoa xoa tấm bia đá, rân rấn hai dòng lệ ôm gốc cây khế già. Ông biết ngày ông trở về với cõi mẹ ông, vợ ông và em Hồng Liên đang hiện diện cũng sắp đến rồi.

Mảnh đất thiêng này rồi sẽ ra sao? Lo lắng bất an cả buổi chiều khiến ông chẳng thể nào chợp mắt. Nửa đêm chợt nhớ chuyện mươi năm trước, một tay ba tàu hay Đài Loan gì đấy nằm lì nhà ông cả ngày. Hắn lải nhải: Mệnh của ngộ hợp với phong thuỷ thế đất lày lắm lớ. Nị phát giá lào ngộ cũng ưng liền hà, tiền bạc không thành vấn lề. Ngộ mà mở được cái siêu thị ở đây thì đại phát lớ, ngộ không quên nị đâu… Quá bực mình, ông bảo hắn: - Thì anh ra gốc cây khế khấn thần linh xem ngài có ưng không đã. Hắn xăng xái thắp hương ra vườn cúng vái. Dăm phút sau đã mặt xám như chàm quay về lắp bắp: - Ngộ sợ lắm lồi, sợ lắm lồi. Miệng nói, tay hắn móc ra nắm tiền nhờ ông mua con heo quay lễ tạ giùm. Rồi chuồn thẳng.

Vậy là ông biết chắc hùng khí các liệt sĩ vẫn muôn đời hiện hữu trên mảnh đất thiêng này. Lạy trời, xin các anh em chỉ cho con cháu ông con đường sáng.

Sáng hôm sau, không thấy ba dậy sớm như mọi ngày, thằng Hân đến chỗ giuờng ông, thấy cha nằm duỗi thẳng hai chân, hai tay giao nhau chắp lên giữa bụng. Cúi xuống thấp, nó nghe ngực ông không thở phập phồng. Xoè bàn tay lên mặt cha, nó cảm giác như chạm vào luồng khí lạnh từ hai mắt còn he hé mở và vầng trán trắng bợt cau cau mấy đường gân sóng. Nó vội quỳ thụp xuống nghẹn ngào nức nở: - Ba ơi! Xin ba cứ yên tâm, con còn sống trên đời này thì không ai dám động đến cõi Đất Thiêng của gia đình ta được. Mà còn cháu chắt ba nữa chứ. Xin ba hãy tin tưởng và yên lòng ra đi.

Ngẩng lên nó ngạc nhiên thấy vầng trán ông giãn ra thanh thản và hai mi mắt khép kín tự lúc nào.

V.T.K

Tin cùng chuyên mục