Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3.3.1959 - 3.3.2020):
Dấu ấn "anh Ba Tân"
Chủ nhật: 23:32 ngày 01/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nói thiệt, sĩ quan tui có vài chú chưa chắc đi hết nhưng anh Ba không bỏ sót cột mốc nào”- Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định đầy tự tin. “Anh Ba” mà Đại tá Lê Hồng Vương nói, chính là ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại tá Lê Hồng Vương và Đại tá Nguyễn Tài Sơn tặng hoa và biểu trưng của lực lượng BĐBP cho Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân. Ảnh: Lê Quân

“Nói vầy để dễ hình dung, Tây Ninh có trên 240km đường biên giáp với nước bạn Campuchia. Hiện đã phân giới được gần 228km đường biên giới, xây dựng hoàn chỉnh được 102/109 cột mốc chính, 370/370 cột mốc phụ, 109/109 cọc dấu làm rõ đường biên giới. Nói thiệt, sĩ quan tui có vài chú chưa chắc đi hết nhưng anh Ba không bỏ sót cột mốc nào”- Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh khẳng định đầy tự tin. “Anh Ba” mà Đại tá Lê Hồng Vương nói, chính là ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh.

11 giờ 30 phút ngày 4.12.2019, tôi được Đại tá Lê Hồng Vương cho tháp tùng trên chuyến đi đến Đồn Biên phòng Phước Tân, huyện Châu Thành. Hôm ấy, Đồn tổ chức trao quyết định nâng cấp thành Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân và quyết định tổ chức lại thành Đảng bộ. Buổi sáng, Đại tá Lê Hồng Vương dự khai mạc phiên họp lần thứ 14, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021, ông xin phép vắng buổi chiều để lên Đồn Biên phòng Phước Tân chủ trì chương trình.

Khi tôi bước lên xe, Đại tá Lê Hồng Vương đang lột vỏ khoai lang, ông cười: “Tranh thủ đi cho kịp, nên bỏ cơm hội đồng, giờ ăn khoai lang lót bụng cũng thấy ngon”. Vừa lột khoai, ông vừa giới thiệu nhanh, nhưng đủ để tôi hiểu là BĐBP Tây Ninh chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hệ thống đường biên, cột mốc nằm trải dọc trên 240km đường biên giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia.

Trong đó, bắt đầu từ cột mốc 79 (cũng là điểm tiếp nối địa giới hành chính giữa Tây Ninh và Bình Phước) nằm trên địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu do Đồn Biên phòng Tống Lê Chân phụ trách quản lý. Kết thúc là cột mốc số 179 (điểm cuối của Tây Ninh tiếp giáp với Long An) nằm trên địa bàn ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện (nay là thị xã) Trảng Bàng, do Đồn Biên phòng Phước Chỉ phụ trách quản lý.

Hiện công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã được hai bên thực hiện hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc, 14% còn lại đang được tiếp tục triển khai, trong đó, trên tuyến biên giới do Tây Ninh phụ trách quản lý còn vài điểm chưa hoàn tất, như khu vực từ cột mốc 138 đến 146 nằm trên địa bàn huyện Châu Thành.

Khoảng đứt này thực sự là một trách nhiệm hết sức khó khăn và nặng nề đối với lực lượng BĐBP tỉnh. Tuy vậy, Đại tá Lê Hồng Vương cũng không giấu được sự phấn khởi nói: “Trong nhiệm kỳ qua, BĐBP Tây Ninh đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị cơ bản đầy đủ các phương tiện thiết yếu giúp lực lượng BĐBP tỉnh nâng cao hiệu quả bảo vệ biên giới rõ rệt. UBND tỉnh “chia đôi” với Bộ Quốc phòng kinh phí mua 15 xe bán tải, trang bị cho 15 đồn.

Tỉnh cũng đối ứng với Bộ Quốc phòng hàng trăm tỷ đồng để xây dựng lại toàn bộ hệ thống đồn trạm trên biên giới, Sở Chỉ huy BĐBP tỉnh. Điều này, giúp lực lượng BĐBP tỉnh trong những năm vừa qua hoạt động thuận lợi. Đó chính là nhờ sự quan tâm của Tỉnh uỷ, UBND, của Đảng uỷ BĐBP, trong đó vai trò của anh Ba Tân rất quan trọng, về tình cảm, trách nhiệm và các phương diện khác”.

Đúng như những nhận định của Đại tá Lê Hồng Vương về vai trò “người đứng đầu” Chủ tịch UBND tỉnh. Hơn 5 năm triển khai dự án “Biên cương xanh” dọc các tỉnh có đường biên chung với nước bạn Campuchia, mà Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh thực hiện trên 10 tỉnh, thành tiếp giáp Campuchia, từ Kon Tum đến Kiên Giang.

Tôi thấy, anh Ba Tân xuất hiện tại các đồn biên phòng rất nhiều. Hầu như tất cả các hoạt động lớn nhỏ của biên phòng tại các đồn, trạm, chốt… nếu như có lãnh đạo cấp tỉnh tham dự thì người dự chính là Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân. Trước khi triển khai chương trình thí điểm dự án “Biên cương xanh” tại các xã biên giới Tây Ninh, thông qua bạn bè, tôi chỉ biết, trước khi làm Chủ tịch UBND tỉnh, anh Ba Tân là người có thâm niên gần 20 năm làm văn phòng UBND tỉnh, làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, rồi có thời gian làm Bí thư huyện Châu Thành.

Tôi đặc biệt nhớ đến anh khi anh làm Chủ tịch UBND tỉnh, vì nhiều năm liền, mỗi dịp giao thừa, anh xuất hiện trên truyền hình để chúc tết mà không lần nào tôi thấy anh cười cả. Nhiều đồng nghiệp tôi có nhận xét về anh rất xác đáng: Là chính khách nhưng luôn có phong cách bình dân. Tiếp khách nước ngoài hay tiếp dân đều có chung một kiểu: tay khoanh ngang ngực, tay chống cằm… Báo chí chụp hình đề nghị anh sửa… tướng, anh luôn bảo: Có sao chụp vậy đi…

Từ khi phối hợp với BĐBP tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội vùng biên, tôi có dịp gặp anh nhiều hơn và cũng hiểu tình cảm của anh dành cho cán bộ chiến sĩ, nhân dân khu vực biên giới sâu nặng hơn so với cái vẻ vô tư tỉnh rụi bên ngoài của anh.

Lần ngồi với anh trước giờ họp “đảng viên 76” cuối năm 2019, anh Ba Tân chia sẻ nhiều tâm tư về những điều được và chưa được trong suốt nhiệm kỳ. Riêng vấn đề biên giới, anh dành một nửa thời gian để bày tỏ: “Biên giới tỉnh mình dài, quan tâm đến biên giới thì phải quan tâm một cách cụ thể chứ không nói chung chung”.

Theo anh, quan điểm của Tỉnh uỷ và UBND đã thể hiện rõ trong các nghị quyết liên quan đến phát triển kinh tế trên địa bàn biên giới, nhưng triển khai thực hiện thì tựu trung có ba việc: lo cho dân biên giới của mình, của bạn; tăng cường chăm lo cho lực lượng biên phòng của mình và xây dựng mối quan hệ đối ngoại từ xa cho thật tốt.

Nhắc lại việc lo cho dân biên giới, Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính uỷ Biên phòng Tây Ninh kể, trong những chuyến đi biên giới, ngoài việc nắm bắt tình hình chung, thì người đứng đầu tỉnh này còn rất sâu sát thiết thực với bà con trong khu vực. Con đường nào còn xấu, chỗ nào có ổ gà, đèn đoạn nào không sáng… nói chung, tất cả những gì không bảo đảm an toàn cho việc đi lại cho bà con nhân dân là anh bốc điện thoại gọi ngay cho Giám đốc Sở Giao thông Vận tải yêu cầu khắc phục sửa chữa trong thời gian nhanh nhất”. 

Trong quan hệ đối ngoại với nước bạn, các bạn đồng nghiệp đã kể rất nhiều câu chuyện nặng nợ với biên phòng của “ông Ba”. Trong lần được Tỉnh trưởng Svay Rieng mời tham dự lễ hội đua ghe ngo, nghe tin bà Men Sam An - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia bị tai nạn, đêm đó ông Ba đi thẳng lên Phnom Penh thăm hỏi với tư cách người thân chứ không phải ngoại giao. Bà Phó Thủ tướng rất cảm động.

Tây Ninh, hiện giáp ranh với ba tỉnh Campuchia: Svay Rieng, Prey Veng và Tbong Khmun, nhưng trong rất nhiều cuộc gặp gỡ đối ngoại cấp tỉnh, tôi khá ngạc nhiên khi thấy phía bạn còn đại diện cấp tỉnh của Kampong Cham - tỉnh nội địa và Oddar Meanchey - tỉnh gần biên giới Thái Lan. Hỏi ra mới biết, quan hệ với Kampong Cham là quan hệ cũ, Tbong Khmun là tỉnh biên giới tách ra từ Kampong Cham. Tỉnh trưởng Oddar Meanchey nguyên là Phó Tỉnh trưởng Kampong Cham.

Duy trì được mối quan hệ đối ngoại có trước có sau này, đã chinh phục được tình cảm lãnh đạo cấp tỉnh của nước bạn cho nên khi hữu sự, từ biên giới Thái Lan, Tỉnh trưởng Oddar Meanchey cũng về, qua Tây Ninh tham dự cho bằng được. Anh Ba Tân nói: “Thân quen với bạn càng nhiều càng tốt, miễn đừng hoà tan thôi”.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn thừa nhận: “Có những thứ vượt cả nguyên tắc ngoại giao, hai bên gặp nhau, ôm nhau như người đi xa về. Tỉnh cũng giúp bạn trong khả năng của tỉnh nhưng cơ bản là bạn hiểu được quan hệ hữu nghị truyền thống từ trước đến giờ, đặc biệt trong giai đoạn này được nâng lên tầm cao hơn. Chính đối ngoại của chính quyền, của tỉnh cùng đối ngoại của huyện và với sự đóng góp trực tiếp, khéo léo và cụ thể của anh Ba Tân đã góp phần xây dựng biên giới hoà bình hữu nghị. Trong đó, Bộ đội Biên phòng được hưởng sự quan tâm đặc biệt này để bảo vệ vững chắc biên giới lãnh thổ quốc gia.

Sau chuyến khảo sát bến phà Cây Ổi của ông Phạm Văn Tân cùng lãnh đạo huyện Châu Thành và Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh, vài tháng sau, niềm mong ước bấy lâu nay của bà con nhân dân vùng biên nơi đây đã thành hiện thực, có cây cầu mới bắc ngang sông Vàm Cỏ. Ảnh: Lê Quân

Tôi nhớ có lần phối hợp cùng Biên phòng tỉnh tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc cho bà con Campuchia ở phum Thloc Trach, xã Kak, huyện Ponhea Kraek, tỉnh Tbong Khmun- quê hương của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin.

Theo dự tính, sau khi tham quan Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục, chúng tôi sẽ theo cung đường tuần tra biên giới rộng 3,5m dọc tuyến biên giới để xuống Đồn Biên phòng Tân Nam. Nhưng lộ trình buộc phải thay đổi vì ngay đêm trước một cơn mưa lớn làm cho con đường mới phủ đất nền trở nên lầy lội không thể đi được. Mới đây, có dịp quay lại nơi này, con đường ngày ấy bây giờ láng nhựa thẳng tắp gấp đôi kế hoạch ban đầu.

Nghe tôi bày tỏ sự ngạc nhiên về sự "lột xác" nhanh chóng của con đường, Đại tá Nguyễn Tài Sơn cười to và nói: “1.000 tỷ đồng. 30% là ngân sách tỉnh. Đường tuần tra biên giới không còn là con đường rộng 3,5m dành riêng cho quân đội mà là con đường rộng gấp đôi nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế của người dân vùng biên. Với quyết tâm nâng cấp cửa khẩu quốc tế Tân Nam - Meanchey thành cửa khẩu quốc tế sắp tới đây, con đường này là dấu ấn rõ nét của anh Ba Tân đối với Biên phòng Tây Ninh”.

Nguyễn Thiện

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục