Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dấu ấn Đại tướng Lê Đức Anh trên đất Tây Ninh
Thứ sáu: 00:17 ngày 03/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những ngày cuối tháng 4.2019, trong khi cả nước nô nức đón chào ngày kỷ niệm 44 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì toàn dân, toàn quân ta cũng đau đớn nhận tin buồn Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Vậy là vị tướng cuối cùng trong số các tướng lĩnh chỉ huy 5 cánh quân tiến về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975 cũng đã đi vào lịch sử.

Đại tướng Lê Đức Anh- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thị sát tại quần đảo Trường Sa, tháng 5.1988.

Trên các phương tiện truyền thông những ngày gần đây, có rất nhiều bài báo viết về tài thao lược của vị đại tướng xông pha trận mạc từ suốt hai thời kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân, đế quốc xâm lược nước ta, đến các trận địa bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc; của vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của đất nước ta đặt chân đến đất nước của “cường quốc cựu thù” để dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Hợp Quốc và trao tặng tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này phiên bản trống đồng biểu trưng của nền văn hiến Việt Nam; đồng thời đặt nền móng đầu tiên cho các mối bang giao quốc tế rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá của đất nước Việt Nam đổi mới.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thật lẫy lừng nhưng cũng rất bình dị. Đại tướng đi tới đâu đều để lại dấu ấn sâu sắc cho miền đất, con người ở đó. Riêng tại tỉnh Tây Ninh, quê hương trung dũng kiên cường, vùng căn cứ địa kháng chiến, từng được mệnh danh là “đất thánh của cách mạng miền Nam”, dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh để lại chính là chiến thắng cuộc càn Junction City- cuộc hành quân được xem là có quy mô lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam của quân đội Hoa Kỳ; và cũng là “trận thua đau nhất” của quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam trên đất Tây Ninh.

Bởi lẽ, Đại tướng Lê Đức Anh chính là người trực tiếp chỉ huy quân dân vùng “chiến khu C” (cách gọi của đối phương - NV) bẻ gãy cuộc hành quân lớn nhất trong giai đoạn “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, kéo dài gần hai tháng từ 22.2 đến 15.4.1967 trên vùng Bắc Tây Ninh, nơi mà quân dân ta gọi là “chiến khu Dương Minh Châu”.

Đối với chiến thắng này, từ ngày thống nhất đất nước đã có nhiều cuộc hội thảo khoa học lịch sử quân sự được tổ chức tại Tây Ninh với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà sử học, các tướng lĩnh là nhân chứng lịch sử từng tham gia chống càn Junction City… để phân tích, đánh giá một cách toàn diện tầm vóc, ý nghĩa cũng như vị trí, vai trò của chiến thắng trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước của dân tộc ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tuy nhiên, mãi cho đến mấy năm gần đây, khi Đại tướng Lê Đức Anh viết hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp của ông, thì thế hệ hôm nay mới biết được những chi tiết thật sinh động (dù có thể cũng chưa đầy đủ) về trận chống càn lịch sử ấy.

Quân dân Tây Ninh trong trận chống càn Junction City.

 Về cuộc hành quân “đại quy mô” của quân Mỹ, trong tập hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh viết: “Nắm được ý đồ của Mỹ sẽ tổ chức cuộc hành quân Junction City càn quét lên vùng đứng chân của Trung ương Cục, tức căn cứ chiến khu Dương Minh Châu, trong mùa khô 1966-1967, Bộ Chỉ huy Miền nhất trí chỉ để một trung đoàn trấn giữ ở vùng Lò Gò, phía tây chiến khu Dương Minh Châu, nhưng tổ chức phân tán lực lượng, sử dụng lực lượng tác chiến quy mô cấp đại đội là chủ yếu, để cùng với bộ đội địa phương và du kích cơ quan đánh địch...

Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền họp, thống nhất nhận định: địch sẽ tổ chức cuộc hành quân đánh vào cơ quan Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực của ta. Ta cần phải di chuyển cơ quan (người, tổ chức gọn nhẹ). Bộ đội chủ lực ở vòng ngoài, khi xuất hiện thời cơ thì đánh tập kích. Lực lượng tại chỗ sẽ tổ chức đánh địch bằng một phương thức mới, bám trụ và bung ra đánh.

Mà bám trụ trong hoàn cảnh trên địa bàn tác chiến không có dân thì ta sẽ tổ chức cán bộ, nhân viên ở các cơ quan của Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền thành nhiều đội du kích xã, ấp để phát huy cao độ ưu thế của du kích chiến, nhất định ta sẽ bẻ gãy được tất cả các cuộc tiến công, đánh bại cuộc hành quân quy mô lớn của địch. Bộ Chỉ huy Miền giao cho tôi (Đại tướng Lê Đức Anh- NV) nhiệm vụ tổ chức lực lượng đánh địch tại chỗ.

Tôi chỉ đạo các cơ quan xác định phương châm tác chiến là tổ chức các “ấp, xã chiến đấu”, bám trụ đánh địch tại chỗ, giữ chắc các ấp, xã chiến đấu. Nơi địch không đến thì bung ra tìm địch mà đánh, bám địch mà diệt, thực hiện tiêu hao địch rộng rãi, vừa chiến đấu vừa bảo đảm phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn cơ quan và kho tàng, duy trì cuộc sống và sinh hoạt bình thường trong căn cứ để đánh lâu dài với địch. Tôi trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đồng chí cán bộ đầu ngành của các cơ quan Bộ Chỉ huy Miền và Trung ương Cục. Đối với cơ quan Bộ Chỉ huy Miền thì mỗi ngành sẽ tổ chức thành một “huyện đội” do đồng chí chủ nhiệm ngành làm “huyện đội trưởng”, tổ chức triển khai đứng chân và xây dựng trận địa chiến đấu trên một địa bàn huyện (hành chính) với các “xã chiến đấu”, “ấp chiến đấu” có chiều sâu và chiều rộng phòng ngự liên hoàn.

Chẳng hạn, huyện Tà Đạt, do ngành Thông tin của Bộ Chỉ huy Miền đảm nhiệm, đồng chí Chủ nhiệm Thông tin làm “Huyện đội trưởng”. Ngành có trong tay gần bốn tiểu đoàn thông tin, được tăng cường Đại đội 3 bộ binh làm lực lượng cơ động. Huyện Sóc Ky giao cho ngành Công binh đảm nhiệm.

Huyện Châu Thành do Trung đoàn Bảo vệ phụ trách. Huyện Tần Ken do cơ quan Bộ Tham mưu Miền đảm nhiệm. Huyện Kà Tum do Cục Chính trị Miền đảm nhiệm. Huyện Bà Chiêm giao cho Đoàn Pháo binh 69. Huyện Bà Hảo giao cho Đoàn Hậu cần 82. Cụm Rùm Đuôn - Sóc Mới giao cho cơ quan Bảo vệ; cụm Suối Mây giao cho cơ quan binh vận; cụm Bảy Bàu giao cho cơ quan Tổ chức; cụm Xa Mát - Tà Xia giao cho cơ quan An ninh; cụm Lò Gò - Bến Ra giao cho cơ quan Tuyên huấn; cụm Xóm Giữa - Đồi Thơ giao cho cơ quan Dân y…

Từ 20 đến 30 người tổ chức thành một “ấp” chiến đấu và có một tiểu đội du kích. Từ hai đến ba “ấp” thành một “xã”. Xã có có ba đội du kích; huyện có đại đội cơ động. Công sự thì đào hố cá nhân và giao thông hào là chủ yếu, không làm hầm to kiên cố. Cứ 5 đến 10m lại đào một hố cá nhân, còn thời gian thì làm nắp chống đạn. Các cơ quan và đơn vị phải đào hầm bí mật dự trữ ba tháng lương thực, thực phẩm. Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Chỉ huy Miền do tôi phụ trách đặt vị trí cơ động từ Sóc Om đến Cầu Bà Chiêm…”.

Về diễn tiến trận chống càn, Đại tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký: “Ngày 1.2.1967, địch cho máy bay trinh sát quần đảo, rồi phản lực và máy bay B.52 ném bom rải thảm, rải chất độc hoá học. Chúng tôi biết địch sắp đánh rồi...

Từ trên núi Bà Đen địch quan sát hết cả vùng chiến khu Dương Minh Châu của ta. Chúng dùng hoả lực bom, pháo có cả máy bay B.52 ném bom rải thảm, rải chất độc hoá học suốt ba ngày đánh vào khu Trung ương Cục, dùng trực thăng cho quân đổ bộ xuống rồi xe tăng, thiết giáp và bộ binh cơ giới đột phá dưới sự yểm trợ của pháo cặp hai con lộ (22 và 4), dàn hàng tiến vào.

Đang là mùa khô nên xe thiết giáp cơ động dễ dàng. Quân đông, xe nhiều, phương tiện hiện đại, chúng bao vây cơ quan Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền. Chúng đánh cách căn cứ của Bộ Tham mưu Miền chỉ vài trăm mét, xe chúng bị ta bắn cháy ngay trước cửa. Như vậy là địch đã vào và đánh đến chỗ cơ quan đầu não rồi.

Trong tình huống địch dàn đội hình có phi pháo yểm trợ mạnh mà ta lại tập trung quân đối diện, thì sẽ mắc vào đúng ý định của chúng, địch sẽ tập trung binh hoả lực áp đảo diệt ta. Nhưng không! Ta đã phân tán lực lượng và chủ động dùng lối đánh du kích vô hiệu hoá ý đồ phân tuyến của chúng và tiêu hao tiêu diệt chúng để bảo vệ cơ quan đầu não, hạn chế tối đa uy lực của hoả lực và bom pháo của địch.

Có cô y tá cũng xin súng rồi chạy ra lộ 4 (đường tỉnh 785 ngày nay - NV) diệt địch. Có bệnh viện chỉ 24 người cũng tổ chức đánh địch. Vào trận chiến thực sự mới thấy ta tổ chức các “xã, huyện chiến đấu” là rất phù hợp. Anh em chủ động tổ chức đánh địch. Có người cứ nói Bộ Chỉ huy Miền chỉ huy đánh địch co cụm là không phải. Anh em các trung đoàn chủ lực bố trí ở vòng ngoài thấy bộ đội vào vừa trinh sát vừa đánh.

Đến khi thấy quân địch đã oải mệt, tập trung cụm lại, thì trung đoàn chủ lực tổ chức đánh lớn vào nơi địch đồn trú dã ngoại, co cụm. Lúc đó tinh thần chủ động đánh địch của các đơn vị rất cao. Anh em đã thực sự “tìm Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”, khẩu hiệu này do chính anh em khởi xướng…

Cuộc hành quân mang tên Junction City của quân Mỹ chẳng những không tìm và diệt được cơ quan đầu não kháng chiến của ta, không tìm và diệt được các đơn vị chủ lực của ta, không phá được căn cứ kháng chiến, không bịt được biên giới, mà còn bị tổn thất nặng nề. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên, chủ yếu là Mỹ; phá huỷ hơn 900 xe quân sự, 112 khẩu pháo, bắn rơi và phá huỷ 160 máy bay, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ.

Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh (người đang giơ tay chỉ) và Phó Chính uỷ miền Lê Văn Tưởng (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Miền tại Căn cứ Tà Thiết, năm 1971.

Trong bối cảnh quân địch áp đảo về lực lượng, phi pháo và sức cơ động, chủ lực của ta chỉ có ba trung đoàn, ta đã khéo tổ chức các cơ quan quân dân, chính, đảng thành những đơn vị dân quân du kích tự vệ. Tất cả cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Miền, cơ quan của tỉnh Tây Ninh, bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Tây Ninh và dân quân du kích huyện Dương Minh Châu được biên chế thành xã, ấp tổ chức đánh du kích.

Cơ quan của Trung ương Cục triển khai tổ chức chiến đấu đánh địch tại chỗ, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân để phân tán, căng kéo lực lượng địch, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tác chiến ở vòng ngoài, và ban đêm, khi chúng co cụm trú quân thì ta tổ chức tập kích, tập trung đánh những đòn mạnh vào bên trong đội hình quân địch và đánh thiệt hại nặng các cụm quân Mỹ.

Thế trận chiến tranh nhân dân do ta tạo nên ở một địa bàn không có dân là một bất ngờ lớn đối với địch. Quân địch đi tới đâu cũng bị ta đánh. Chính vì lực lượng tại chỗ chiến đấu tốt đã tạo điều kiện cho chủ lực rảnh tay đánh những trận mang tính tiêu diệt các đơn vị quân Mỹ. Quân Mỹ không tìm diệt được chủ lực ta nhưng khi chúng trú quân hoặc đổ bộ để càn quét thì lại bị quân ta giáng cho những đòn đau.

Tuy mở đầu chiến dịch, quân Mỹ chủ động tiến công, nhưng do ta tạo được thế chủ động về chiến thuật về cách đánh nên đã chuyển thành sự chủ động về chiến dịch, kiên quyết và liên tục phản công đánh bại cuộc tiến công lớn nhất của quân Mỹ nên địa bàn miền Đông Nam Bộ”.

Nhà chiến lược “thiết kế” và “vận hành” thế trận chiến tranh nhân dân ngày ấy giờ đã “trăm tuổi”. Đại tướng Lê Đức Anh giờ đã đi vào lịch sử, nhưng dấu ấn của ông để lại trên vùng phên giậu phía Tây Nam Tổ quốc, nơi có Khu di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam sẽ mãi mãi không bao giờ phai.

 NGUYỄN TẤN HÙNG

(Theo các tài liệu lịch sử và Hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục