Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng bộ huyện Tân Biên nhiệm kỳ 2020-2025:
Dấu ấn đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo
Chủ nhật: 20:32 ngày 04/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cấp uỷ luôn quan tâm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là địa bàn biên giới.

Trong số rất nhiều nhiệm vụ cụ thể để hiện thực hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, xây dựng nông thôn mới (NTM), xây dựng kết cấu hạ tầng và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở là 3 nhiệm vụ được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thể hiện rõ sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của cấp uỷ.

Thường trực Huyện uỷ Tân Biên chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 38 (ảnh: Tâm Giang)

LUÔN HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN

Hai năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Biên nhiệm kỳ 2020-2025, cả hệ thống chính trị huyện phải tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, tác động rất lớn đến đời sống người dân, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế bị chững lại. Thêm vào đó là những khó khăn về nguồn lực đầu tư, hạ tầng; thiếu nhân lực ngành Y tế, Giáo dục; một số cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tiến độ giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm trên địa bàn chậm…

Những khó khăn, thách thức trên cộng với đặc thù địa bàn biên giới đòi hỏi Đảng bộ huyện Tân Biên càng phải nỗ lực, quyết tâm hơn trong công tác lãnh đạo, giữ vững an ninh biên giới, an ninh nội địa gắn với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch và mục tiêu quan trọng nhất là đời sống người dân huyện biên giới Tân Biên được nâng lên.

Ông Thành Từ Dũ- Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên cho biết: “Thước đo năng lực lãnh đạo của Đảng bộ thể hiện rõ ràng nhất ở mức sống của người dân. Mức sống người dân được nâng lên là minh chứng quan trọng cho thấy đường lối, phương pháp lãnh đạo đúng đắn, phù hợp. Làm gì để nâng mức sống nhân dân là trăn trở của tập thể Ban Thường vụ, từng đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và của cá nhân người đứng đầu cấp uỷ”.

Đại hội Đảng bộ huyện Tân Biên nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện Tân Biên trở thành huyện NTM và xa hơn đến dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng sẽ nâng thành thị xã ở vùng biên giới.

Giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ xây dựng NTM có nhiều sự thay đổi và khó hơn do những quy định mới của Trung ương. Một số xã trên địa bàn mặc dù đã đạt chuẩn NTM giai đoạn trước nhưng đến giai đoạn này bị tụt chuẩn.

Tuy nhiên, khó khăn này đến nay cơ bản đã được khắc phục, các địa phương đều quan tâm xây dựng đạt chuẩn theo tiêu chí mới. Gắn với quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, cơ sở hạ tầng, đời sống người dân nông thôn, biên giới trên địa bàn huyện nâng lên đáng kể; an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Nông dân xã Tân Bình, huyện Tân Biên làm giàu từ cây sầu riêng.

Tính đến nay, Tân Biên có 100% xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 3/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (xã Thạnh Bình- năm 2021, xã Tân Lập- năm 2022 và xã Tân Phong- năm 2023). Về thực hiện bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Thạnh Bình đạt 5/11 tiêu chí. Năm 2024, phấn đấu xây dựng xã Mỏ Công tăng thêm 2 tiêu chí NTM nâng cao và xây dựng huyện NTM tăng thêm 1 tiêu chí.

“Nhìn chung, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện tuy còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế nhưng cơ bản nhìn nhận thì đây là một thành quả lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Biên trong gần một nhiệm kỳ vừa qua”- Bí thư Huyện uỷ Tân Biên Thành Từ Dũ đánh giá.

NHIỀU ĐỔI MỚI TRONG TƯ DUY LÃNH ĐẠO

Trong công tác lãnh đạo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tư duy lãnh đạo của cấp uỷ nhiệm kỳ 2020-2025 có sự thay đổi: nếu trước đây là tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản thì nay là đầu tư công. Đầu tư công có vai trò dẫn dắt, khơi thông, đảm nhận những việc mà đầu tư tư chưa làm hoặc không làm.

Với quan điểm đó, huyện Tân Biên chọn lọc, cân nhắc với nguồn lực ngân sách còn eo hẹp và sử dụng tốt sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh nên khâu chuẩn bị đầu tư được quan tâm đúng mức. Tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện là 219 dự án, kế hoạch vốn trên 1.029 tỷ đồng; tính đến thời điểm sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Tân Biên đã triển khai thực hiện 199 dự án/trên 760 tỷ đồng (đạt 90,87% số dự án và 73,85% kế hoạch vốn). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm của huyện đạt trên 99%.

Từ nguồn lực đầu tư công, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu giao thông, kết nối, giao thương hàng hoá, nông sản, làm thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị. Đặc biệt những tuyến đường liên huyện, liên xã, đường vận chuyển nông sản được đặt vị trí ưu tiên, đã góp phần tích cực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.

Riêng đối với dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua thị trấn Tân Biên, đây là dự án đầu tư công quan trọng của huyện, song quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Ban Thường vụ Huyện uỷ chỉ đạo, giao Đảng bộ Thị trấn và chi bộ nơi thực hiện dự án xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên- nhất là người đứng đầu.

Chính quyền địa phương và MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đối thoại kết hợp tuyên truyền, vận động; thực hiện hỗ trợ tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất. Tháng 4.2024, công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong, hiện nay, dự án đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ.

Toàn cảnh dự án Bờ kè chống sạt lở suối Cần Đăng chảy qua thị trấn Tân Biên (Ảnh: Tâm Giang)

Trong công tác lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Đảng bộ huyện xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, bởi hạt nhân chính trị cơ sở vững mạnh sẽ tạo nền tảng cho các cấp cao hơn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Với đặc thù là huyện biên giới, có diện tích rừng lớn nhất tỉnh, phần lớn dân sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn có nhiều dân tộc, tôn giáo, đòi hỏi Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phải đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Nghị quyết của Tỉnh uỷ cũng yêu cầu xây dựng 90% Đảng bộ xã biên giới đạt trong sạch vững mạnh trở lên.

Cấp uỷ luôn quan tâm phát huy vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là địa bàn biên giới. Thực tế cho thấy người dân Tân Biên tham gia bầu cử, tham gia tiếp xúc cử tri luôn đạt tỷ lệ khá cao.

Qua các kỳ tiếp xúc cử tri, cử tri Tân Biên có nhiều ý kiến, kiến nghị xác đáng, đúng quy định, sát thực tế. Nhiều ý kiến đã được tiếp thu và đưa vào chương trình của HĐND các cấp và được đại biểu Quốc hội tiếp thu, đưa vào nội dung thảo luận, chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Đơn cử như việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch. Đây là vấn đề cử tri Tân Biên nêu ý kiến trong nhiều năm và nay đã được tiếp thu trong Luật Căn cước 2023.

Chia sẻ về công tác lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, Bí thư Huyện uỷ Tân Biên Thành Từ Dũ cho biết thêm: “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở lấy xây dựng chi bộ, Đảng bộ là then chốt, song song đó là quan tâm xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh và phát huy vai trò của nhân dân.

Quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở không phải vì thành tích, đích cuối cùng vẫn là để từng bước nâng cao mức sống người dân; phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào các hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.

Trong quá trình lãnh đạo, Huyện uỷ cũng đã kịp thời xử lý, chấn chỉnh một số vi phạm xảy ra tại một đảng bộ xã và sau đó nhanh chóng củng cố hệ thống chính trị ở xã này. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ huyện biên giới”.

Phương Thuý

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh