Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG VIỆT NAM (15.7.1950 - 15.7.2020)
Dấu ấn không phai trên những chặng đường
Thứ năm: 08:16 ngày 16/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cách nay đúng 70 năm, ngày 15.7.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ban Thường vụ Trung ương Đoàn thành lập lực lượng TNXP Việt Nam để làm nhiệm vụ “vừa phục vụ kháng chiến, vừa kiến quốc”.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim tặng kỷ niệm chương TNXP cho ông Nguyễn Minh Triều, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, nguyên Đội trưởng đội dân công hoả tuyến công tác tại huyện biên giới Bến Cầu sau đêm bọn Pol Pot tàn sát đồng bào ta ngày 25.9.1977 

Tuổi trẻ Việt Nam không ai không nằm lòng lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Đó là bài thơ Bác tặng cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng cầu Nà Cù ở xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, trong lần đến thăm đơn vị đầu tiên của Lực lượng TNXP Việt Nam ngày 28.3.1951.

Từ đó, trên khắp các chiến trường của cuộc kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “vang dội địa cầu”, TNXP luôn sát cánh cùng bộ đội, cùng toàn quân, toàn dân ta đánh thắng thực dân Pháp.

TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG

Trong kháng chiến chống Mỹ, khi quân xâm lược Mỹ trực tiếp đổ quân vào miền Nam nước ta để thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ, Trung ương Đoàn phát động phong trào “Năm xung phong” ở miền Nam.

Ngày 20.4.1965, tại khu vực Bảy Bàu, thuộc khu rừng Chàng Riệc, tỉnh Tây Ninh (nay là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam), đơn vị TNXP thuộc Tổng đội TNXP Giải phóng miền Nam (GPMN) ra đời.

Tại cuộc họp mặt giao lưu Hội Cựu TNXP thị xã Hoà Thành và Hội Cựu TNXP quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập lực lượng TNXP Việt Nam hôm 28.6 vừa qua, ông Trần Văn Mãnh (thường gọi là Hai Văn), nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP-GPMN cho biết, Tổng đội gồm 3 liên đội 3, 5, 7 (đặt tên theo đơn vị phối thuộc là 3 sư đoàn chủ lực Quân giải phóng 3, 5, 7), trực tiếp phục vụ chiến đấu từ các chiến dịch lớn như Chiến dịch Phước Long - Sông Bé, Chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction City của Mỹ trên địa bàn Tây Ninh và các cuộc càn quét trước đó làm phá sản kế hoạch “tìm diệt và bình định” của Mỹ - nguỵ, đến Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đánh vào Sài Gòn - Chợ Lớn và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4.1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên chiến trường vô cùng gian khổ ác liệt, cán bộ, chiến sĩ TNXP tự mình rèn luyện qua các cuộc vận động, tổ chức nhiều phong trào thi đua như: “Còn thương binh, tử sĩ TNXP chưa rời trận địa”, “TNXP chắc tay súng, mạnh tay thồ, vững tay lái, bền vai tải, chiến đấu toàn năng”, “Thà hy sinh không để thương binh bị thương lần thứ hai”…

Tất cả đã xây dựng nên 4 truyền thống hào hùng của Tổng đội TNXP-GPMN trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Truyền thống tự lực cánh sinh, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ”; “Truyền thống kiên trì và dũng cảm trong lửa đạn; hăng say bền bỉ trong lao động; nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, chưa hoàn thành nhiệm vụ chưa về”; “Truyền thống thương yêu đơn vị, đồng đội, đồng bào, hết lòng chăm sóc bảo vệ thương binh”; “Truyền thống tranh thủ mọi điều kiện để học tập chính trị, quân sự, văn hoá, không ngừng nâng cao trình độ cho bản thân và đơn vị”.

Đề cập đến thành tích của Tổng đội TNXP-GPMN, ông Hai Văn chỉ nói gọn, trong kháng chiến Tổng đội đã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”, Trung ương Đoàn tặng cờ “TNXP-GPMN sống, chiến đấu, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Sau khi đất nước độc lập, thống nhất, Tổng đội TNXP-GPMN được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Thành tích cống hiến, hy sinh của TNXP mãi mãi được lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ghi nhận.

NHỮNG DẤU ẤN KHÔNG PHAI

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị TNXP-GPMN của tỉnh Tây Ninh được thành lập vào ngày 23.11.1965, phiên hiệu C2311 Hoàng Lê Kha - Tây Ninh. Đơn vị C2311 nằm trong đội hình Liên đội 5, phục vụ chiến đấu cho các Trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 và Đoàn pháo binh 274 ở các chiến trường miền Đông Nam bộ.

Trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, C2311 được giao nhiệm vụ mở đường, tải vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng từ biên giới Việt Nam - Campuchia về các tỉnh miền Đông. Sau Hiệp định Paris 1973, đơn vị C2311 chia ra làm ba bộ phận: một bộ phận cán bộ, đội viên chuyển sang thành lập Tiểu đoàn Công an vũ trang 579 (sau này là Bộ đội Biên phòng) tăng cường cho Quân khu miền Đông; một bộ phận trở về Tỉnh đoàn làm công tác phong trào thanh niên; bộ phận còn lại làm công tác tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh từ các nhà tù Mỹ- nguỵ trở về. Năm cuối cuộc kháng chiến, bộ phận này cùng với lực lượng còn lại của Tổng đội TNXP-GPMN xuống đường về tiếp quản Sài Gòn ngày 30.4.1975.

Trong thời gian hoạt động kháng chiến, C2311 vừa tích cực làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp đánh nhiều trận lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều tên giặc Mỹ -nguỵ, thu được nhiều vũ khí của địch. Từ các trận đánh ác liệt này, đơn vị TNXP C2311 Hoàng Lê Kha-Tây Ninh và 2 liệt sĩ Trịnh Duy Hoàng, Võ Thị Rậm đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong dịp kỷ niệm chiến thắng 30.4 năm 2010.

Ban đầu, toàn đơn vị C2311 có chưa đến 10% quân số là đảng viên, đến khi kết thúc nhiệm vụ đã có 70% là đảng viên. Với thành tích kháng chiến, đơn vị C2311 đã được tặng thưởng 34 Huân chương, 41 Huy chương các loại cùng khoảng 1.000 bằng khen, giấy khen.

Hiện nay, Hội Cựu TNXP Tây Ninh đã thống kê, liên lạc được với khoảng 90 cựu cán bộ, đội viên C2311 đang sống trong và ngoài tỉnh. Trong ngày đơn vị đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, Hội Cựu TNXP Tây Ninh đã tạo mọi điều kiện để các đồng đội cũ của C2311 hội tụ, gặp gỡ nhau, cùng chia sẻ niềm vinh dự, tự hào của đơn vị.

Sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ được khoảng 2 năm, nước nhà thống nhất, hoà bình chưa được bao lâu, bọn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary tràn sang biên giới ta đốt nhà, cướp của, hãm hiếp, bắn giết người dân một cách man rợ vào đêm 25.9.1977.

Ngay sau đêm thảm khốc này, được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Tỉnh đoàn phát động, vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tổ chức thành 2 đại đội dân công hoả tuyến lên biên giới tìm kiếm mai táng đồng bào bị Pol Pot giết hại, đưa người bị thương về nơi điều trị, thu dọn lại nhà cửa của dân bị chúng đốt phá, đưa đồng bào về nơi ở an toàn; đồng thời làm nhiệm vụ phục vụ các đơn vị bộ đội chiến đấu đẩy lùi bọn diệt chủng Pol Pot sang bên kia biên giới.

Trên cơ sở 2 đại đội dân công hoả tuyến làm nòng cốt, Tỉnh uỷ giao nhiệm vụ cho Tỉnh đoàn thành lập Tổng đội TNXP Tây Ninh và lấy ngày 25.9.1977 làm ngày thành lập, do UBND tỉnh trực tiếp quản lý, chỉ đạo.

Tổng đội đóng quân trên vùng biên giới, làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và bảo vệ biên giới; đồng thời tổ chức sản xuất làm chỗ dựa cho nhân dân bám trụ sản xuất trên vùng biên giới, kể cả các vùng đất hoang hoá trong nội địa. Với thành tích phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, Tổng đội TNXP Tây Ninh đã được Trung ương Đoàn tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.

Trong những năm 1977-1980, Tổng đội TNXP Tây Ninh còn khai hoang sản xuất hàng trăm tấn lúa ở khu vực Kà Tum, hàng trăm tấn bắp ở cánh đồng từ Tua Hai lên Mỏ Công, huyện Tân Biên; tham gia xây dựng và làm lực lượng sản xuất chính ở nông trường Nước Trong, nông trường Bời Lời, lò vôi Tống Lê Chân; phục vụ Liên đoàn Địa chất 5 khảo sát vùng mỏ đá vôi Tống Lê Chân, làm cơ sở cho dự án Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh sau này; xây dựng cầu máng kênh nổi của công trình thuỷ lợi trạm bơm Trà Phí, hệ thống kênh mương công trình thuỷ lợi trạm bơm Long Thuận, huyện Bến Cầu...

Kết thúc cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, cuối năm 1980, Tổng đội TNXP Tây Ninh phục vụ biên giới được giải thể, một bộ phận ở lại làm nòng cốt cho Tổng đội TNXP Xây dựng kinh tế trực thuộc Tỉnh đoàn, sau là Công ty TNHH MTV Thanh niên xung phong liên tục hoạt động cho đến ngày nay. Phần lớn anh em cán bộ, đội viên TNXP trở về địa phương sinh sống, nhiều anh em tiếp tục tham gia công tác xây dựng công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng - Tây Ninh.

Ngày 29.4.1981, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng được khởi công xây dựng. Đây là công trình thuỷ nông lớn nhất nước trên địa bàn tỉnh với hồ chứa rộng 27.000 ha, dung tích 1,5 tỷ mét khối nước; hệ thống đập chính, đập phụ, đập tràn dài trên 30km; hai kênh chính Đông, Tây dài 80km và hàng ngàn ki-lô-mét kênh mương lớn nhỏ phục vụ cho vùng tưới rộng hơn 100.000 ha thuộc tỉnh Tây Ninh và 4 tỉnh, thành lân cận.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công trên công trường, Tỉnh uỷ chỉ đạo tổ chức Đại hội Tuổi trẻ trên công trường thanh niên cộng sản năm 1982. Sau Đại hội, các địa phương trong tỉnh và Tỉnh đoàn thành lập 5 Liên đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế (TNXP-XDKT) đảm trách vai trò nòng cốt, thực hiện các phần việc đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao như xây đúc bê tông, đá xây các công trình trên kênh như cống đầu kênh, cầu qua đường, cửa van mở nước, tràn bê tông trên kênh…

Tổng quân số 5 Liên đội TNXP-XDKT khoảng 2.500 người, chính là lực lượng làm thuỷ lợi chuyên nghiệp, giữ vai trò chủ công trên đại công trình thuỷ nông suốt quá trình xây dựng. Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng đã và đang phát huy tác dụng tích cực, hiệu quả trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Và ai cũng biết dòng nước ngọt lành đang tưới mát khắp các cánh đồng trong tỉnh chính là mồ hôi, công sức của toàn dân Tây Ninh đổ xuống, trong đó có công sức của những người thanh niên xung phong xây dựng kinh tế.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Tin cùng chuyên mục