Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dấu ấn Ni trưởng Huỳnh Liên trong Phật giáo khất sĩ ở Trảng Bàng
Thứ năm: 23:46 ngày 03/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ni trưởng Tạng Liên tiếp nhận phần đất, đến năm 1960, Ni trưởng Huỳnh Liên đứng ra thành lập tịnh xá trên mảnh đất nay thuộc khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng.

Bàn thờ Ni trưởng Huỳnh Liên tại tịnh xá Ngọc Trảng.

Từ năm 1947 đến năm 1954, đoàn du tăng khất sĩ đầu tiên- do tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập, thâu nhận tăng, ni xuất gia nhập đạo. Mỗi đoàn du tăng hoặc ni được thành lập với số lượng trên 20 vị, chia nhau đi hành đạo ở khắp các vùng Phú Lâm, Chợ Lớn, Sài Gòn, Gia Định và các tỉnh khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ.

Vào những năm 1950, tổ sư Minh Đăng Quang cùng đoàn du tăng đến hành đạo tại vùng đất Tây Ninh. Năm 1952, người dân hiến đất để các nhà sư xây dựng tịnh xá Ngọc Thạnh (khu phố 3, phường 1, TP. Tây Ninh). Đây là tịnh xá đầu tiên tại Tây Ninh và cũng là một trong hơn 20 ngôi tịnh xá do tổ sư Minh Đăng Quang thành lập.

Phật giáo khất sĩ đã ứng dụng giáo lý của nhà Phật, chơn lý của tổ sư Minh Đăng Quang dung hoà vào xã hội và trở thành một thành tố văn hoá của xã hội ở Tây Ninh. Tăng, ni của hệ phái là những người lãnh đạo tinh thần của cư dân, quan tâm đến những niềm vui, nỗi buồn của người dân, thuyết pháp giáo hoá tha nhân, truyền bá giáo pháp giác ngộ của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, khuyên người bỏ điều ác theo điều thiện, theo đuổi cuộc sống lành mạnh và hướng thượng.

Sau ngày tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, đoàn du tăng khất sĩ do đức Trưởng lão nhị tổ Giác Chánh làm trưởng đoàn tiếp nối công việc. Đến năm 1956, Phật giáo khất sĩ bắt đầu thành lập các giáo đoàn ở khắp các tỉnh Nam bộ và miền Trung. Năm 1958, Giáo hội Khất sĩ ni giới Việt Nam do Ni trưởng Huỳnh Liên, trưởng tử ni của tổ sư đứng ra thành lập.

Tại vùng đất Tây Ninh, nhiều ngôi tịnh xá được thành lập, trực thuộc ni giới hệ phái khất sĩ, như tịnh xá Ngọc Trảng (khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng), do đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập năm 1960; tịnh xá Ngọc Khiêm (thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu), do Sư cô Liên Dĩ thành lập năm 1962; tịnh xá Ngọc Lê (xã Suối Dây, huyện Tân Châu), do Sư cô Ngọc Liên lập năm 2009; tịnh xá Ngọc Truyền (phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh), do Ni trưởng Trí Liên và Ni trưởng Văn Liên thành lập năm 1958 ở chân núi Bà Đen; tịnh xá Ngọc Truyền II (phường 1, TP. Tây Ninh), do Ni trưởng Văn Liên lập năm 1960; chùa Linh Quang (phường 3, TP. Tây Ninh), do phật tử Nguyễn Văn Thọ lập năm 1961; tịnh xá Kỳ Hoàn (phường 1, TP. Tây Ninh), do Sư bà Kính Liên và Ni trưởng Tiến Liên thành lập năm 1965; tịnh xá Ngọc Thuận (ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu), do Ni trưởng Quảng Liên lập năm 1960; tịnh xá Ngọc Chơn (xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu), do Ban Hộ tự lập năm 1963; tịnh xá Ngọc Tân (xã Tân Bình, huyện Tân Biên) do Ni cô Diệu Tịnh lập năm 2010.

Năm 1958, sau khi Giáo hội Khất sĩ ni giới Việt Nam ra đời, bóng dáng của chư ni khất sĩ đầu trần chân đất, đắp y vàng bá nạp, ôm bình bát bình thản chậm rãi bước đi khất thực để hoá độ chúng sanh trên mọi nẻo đường đã gieo những ấn tượng sâu sắc trong lòng cư dân Trảng Bàng. Nhiều phật tử, người dân đến cúng dường, thọ pháp và xuất gia với Ni trưởng Huỳnh Liên và các bậc trưởng lão ni trong đoàn.

Với tấm lòng kính tin Tam bảo cùng chí nguyện ủng hộ Phật pháp cửu trụ ta-bà, nhiều gia đình phật tử hiến đất xây dựng tịnh xá để chư ni an cư tu hành và phật tử có nơi sinh hoạt tâm linh. Khi xưa, các vị ni trưởng cùng chư ni vân du hoá đạo ở mỗi địa phương 3 tháng, 6 tháng hay một năm rồi đến địa phương khác. Năm 1958, Ni trưởng Tạng Liên, đệ tử ni hàng thứ tám của tổ sư Minh Đăng Quang đi từ tịnh xá Ngọc Bích (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Trảng Bàng, Tây Ninh hoằng pháp, độ sanh.

Trong năm đó, gia đình ông Nguyễn Văn Rọi (Sáu Rọi) và bà Đặng Thị Báo đã cúng đất lên Ni trưởng với tâm nguyện xây dựng tịnh xá. Ni trưởng Tạng Liên tiếp nhận phần đất, đến năm 1960, Ni trưởng Huỳnh Liên đứng ra thành lập tịnh xá trên mảnh đất nay thuộc khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng. Đây là ngôi tịnh xá của ni giới khất sĩ thuộc Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam (nay là Ni giới Hệ phái Khất sĩ) đầu tiên tại Trảng Bàng và cả Tây Ninh.

Ni trưởng Huỳnh Liên vâng lời của tổ sư Minh Đăng Quang trước đây từng chỉ dẫn nên đặt hiệu tịnh xá là Ngọc Trảng. Trong đó, tên gọi các tịnh xá hệ phái khất sĩ đều có khởi đầu là chữ “Ngọc”, ngụ ý của tổ sư Minh Đăng Quang muốn khuyên dạy tăng, ni và phật tử của hệ phái phải tinh cần tu học, rèn luyện phẩm chất để có ngày hiển lộ được viên ngọc vốn có của chính mình, toả ngời ánh sáng của chơn lý, của từ bi và trí tuệ; “Trảng” ở đây được hiểu là Trảng Bàng, bởi kèm theo chữ “Ngọc” thường là một chữ có liên hệ đến tên của địa phương mà tịnh xá toạ lạc nhằm đánh dấu sự hiện diện của đạo Phật khất sĩ, hoà đồng với địa phương, với hoàn cảnh xung quanh.

Hiện nay trên bảng hiệu tịnh xá đề là “Ngọc Trản”, nhưng ở tại tịnh xá còn 1 lư hương gốm được chế tác vào năm 1962 trên có minh văn “Tịnh xá Ngọc Trảng 1962               (Nhâm Dần niên)” và trong sách “64 tịnh xá của hệ phái Khất sĩ” cũng viết là tịnh xá Ngọc Trảng (tr. 221). Qua đó, cho thấy tên “Ngọc Trảng” phù hợp hơn và đúng theo chỉ dẫn của tổ sư Minh Đăng Quang trong cách đặt tên tịnh xá.

Sau đó, ngôi tịnh xá do Ni trưởng Tràng Liên cùng chư ni trong Giáo hội tiếp tục phát triển. Tại tịnh xá, Ni trưởng thuyết kinh, nói pháp, giảng bộ chơn lý cho cư dân địa phương, hướng dẫn phật tử tu tập. Trong năm, vào những dịp Phật đản, Vu-lan và các ngày lễ Phật giáo, Ni trưởng Tràng Liên cung thỉnh Ni trưởng Huỳnh Liên cùng chư ni từ tổ đình Ngọc Phương (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) về thuyết pháp. Đến năm 1974, tịnh xá do Ni trưởng Tôn Liên tiếp nhận và trụ trì cho đến ngày nay.

Đặc biệt từ những buổi đầu thành lập tịnh xá Ngọc Trảng, Ni trưởng Huỳnh Liên cùng chư ni luôn quan tâm đến nâng cao dân trí cho người dân tại địa phương, bởi khi xưa người dân còn nghèo khổ nên việc học tập gặp nhiều khó khăn, các vị ni trưởng đã mở lớp dạy bổ túc văn hoá cho lối xóm ở cạnh tịnh xá, đây cũng là phương tiện để đại chúng tiếp cận được với kinh sách.

Đến những năm 1980-1985, ở Trảng Bàng không có nhiều nhà trẻ hay trường mẫu giáo, trẻ em từ 3-6 tuổi được gia đình gửi vào tịnh xá, ở tịnh xá, các em được ni trưởng và các ni sư dạy học đánh vần, ăn cơm chay và ngủ ở chánh điện, qua đây cũng đã gieo trong các thế hệ tương lai nhân duyên với đạo Phật.

Sau ngày 30.4.1975, chư tăng, ni khất sĩ đã dừng bước chân du hoá, về an trú tại những ngôi tịnh xá, tinh tấn tu hành theo giáo huấn của tổ sư, thể nhập tính cơ lý ở thời đại đất nước hoà bình và đổi mới.

Hằng tháng tại tịnh xá Ngọc Trảng tổ chức cúng Hội 4 kỳ vào các ngày mùng 1, mùng 8, 23 và 30 để cầu an, cầu siêu, thuyết pháp cho các phật tử, tổ chức sám hối vào ngày 14 và hằng ngày đều có phật tử đến tịnh xá lễ Phật, tụng kinh.

Ngày 16.4.1987, Ni trưởng Huỳnh Liên viên tịch tại tịnh xá Ngọc Phương, chư ni tại tịnh xá Ngọc Trảng trở về chốn tổ đình thọ tang bậc sư trưởng và hằng năm đều cùng phật tử trở về tịnh xá Ngọc Phương để tưởng niệm ngày huý kỵ của Ni trưởng.

Tại tịnh xá Ngọc Trảng, Ni trưởng Tôn Liên cùng chư ni lập bàn thờ đệ nhất Ni trưởng Huỳnh Liên cùng đệ nhị Ni trưởng Bạch Liên; đệ tam Ni trưởng Thanh Liên hằng ngày đảnh lễ trước di ảnh để tưởng niệm Ni trưởng Huỳnh Liên, một tấm gương sáng chốn tòng lâm, bậc thầy mô phạm của Phật giáo khất sĩ, và nhắc nhở đại chúng noi theo công hạnh của các bậc trưởng lão ni lãnh đạo ni giới khất sĩ trên bước đường tu nhơn học Phật, hoằng pháp độ sanh. Nhắc đến Ni trưởng Huỳnh Liên, trong hàng đồ chúng luôn nhớ đến câu:

“Chiếc áo Khất sĩ làm vẻ vang trong ni giới Tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn tòng lâm”

Từ sau khi Ni trưởng Tạng Liên đến Trảng Bàng hoá đạo, Ni trưởng Huỳnh Liên thành lập tịnh xá Ngọc Trảng và đã truyền được nhiều đời trụ trì, từ Ni trưởng Tràng Liên đến các vị ni trưởng trong Giáo hội cho đến nay là Ni trưởng Tôn Liên vẫn tiếp nối con đường của tổ sư Minh Đăng Quang là “Nối truyền Thích-ca chánh pháp”.

Các vị ni trưởng, ni sư tại tịnh xá Ngọc Trảng tu tập theo những giáo huấn của tổ sư Minh Đăng Quang và hướng dẫn của Ni trưởng Huỳnh Liên, sinh hoạt tại tịnh xá giản dị, sống động, thực tiễn, phù hợp với tâm tính người của cư dân địa phương, những nghi thức của Phật giáo khất sĩ được tinh giản, không rườm rà, không hình thức, ni chúng và phật tử tại tịnh xá chú trọng hai thời khoá tụng kinh vào 4 giờ sáng và 6 giờ chiều hằng ngày. Chư ni tại tịnh xá được chú trọng đào tạo trong tu học, tham gia học tại Trường trung cấp Phật học tỉnh Tây Ninh. Các vị còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội nhằm làm phương tiện để đưa đạo vào đời. Hằng năm vào dịp Vu lan, các ngày lễ Phật giáo, tịnh xá tổ chức tặng quà, nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn tại địa phương.

Việc thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam của Ni trưởng Huỳnh Liên giúp họ vượt qua ranh giới bất bình đẳng, tham gia vào ni đoàn sống đời khất sĩ cầu sự giác ngộ giải thoát. Ni trưởng là người tiên phong trong sự nghiệp xây dựng ni giới, đào tạo ni tài, hoằng pháp lợi sanh, góp phần giáo dục quốc dân. Ni trưởng là tấm gương đức hạnh của một vị khất sĩ thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sanh để hàng hậu thế noi theo.

Sự hiện diện của Ni trưởng Huỳnh Liên cùng chư ni khất sĩ ở Trảng Bàng (Tây Ninh) đã đặt nền tảng cho việc phát triển của ni giới khất sĩ nơi vùng đất biên viễn, góp phần cùng Phật giáo khất sĩ thực hiện tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca chánh pháp - Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam” của tổ sư Minh Đăng Quang, cùng đồng hành với đạo pháp và dân tộc. Những phương tiện nhập thế độ sanh của Ni trưởng Huỳnh Liên đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người phật tử và cư dân Trảng Bàng, pháp âm về khuyên tu, khuyến thiện của Ni trưởng vẫn còn vang vọng nơi tịnh xá Ngọc Trảng, ăn sâu trong tâm thức của người con Phật hướng chúng sanh đến sự an vui, giác ngộ, giải thoát.

PHÍ THÀNH PHÁT

Tin liên quan