Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi gặp Ðại tá Lê Văn Mỹ- Chính trị viên Ðội K71 Bộ CHQS tỉnh khi anh vừa từ nước bạn trở về. Nhiều lần trò chuyện với anh về Ðội K71, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe anh kể về những cuộc hành trình đi tìm đồng đội ở xứ sở chùa Tháp.
Chính trị viên Lê Văn Mỹ - Đội K71 Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh gặp gỡ già làng để nắm thông tin mộ liệt sĩ ở Campuchia.
Anh tâm sự, kỷ niệm đáng nhớ nhất là một lần tại phum Kantuot (xã Choam Ta Mau, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum), Ðội K71 tìm ra khu vực mộ các liệt sĩ Ban Cơ yếu Chính phủ. Sau khi có được thông tin, đơn vị đã đào đi, đào lại đến 12 lần, đào hàng ngàn mét khối đất mà vẫn không tìm được hài cốt. Cán bộ, chiến sĩ vừa mệt vừa đói khát, trong khi khí hậu trong khu rừng ấy rất oi bức, khó thở, nước uống mang đi đã hết, mà khu vực tìm mộ lại rất xa nhà dân... “Vậy mà anh em vẫn không nản chí, chúng tôi quyết định chia ra hai nhóm. Một nhóm tiếp tục đào tìm, một nhóm ra phum, sóc xin nước uống và tìm gặp già làng nắm thêm thông tin”- Ðại tá Lê Văn Mỹ kể.
Khi vào làng, đội may mắn gặp một cụ già trên 90 tuổi, cao tuổi nhất trong làng nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Lúc cán bộ, chiến sĩ đến chào, ông nằm nghỉ trên võng, sắc mặt trông rất mệt vì bị heo rừng cắn đã 3 tháng không đi lại được. Ðơn vị lập tức khám vết thương và cho ông uống thuốc, lát sau ông có vẻ khoẻ ra và cố gắng ngồi dậy được. Ông kể lại vụ máy bay B52 của Mỹ bỏ bom năm 1971, bộ đội Việt Nam hy sinh nhiều, được chôn trong đám đất trồng mì. Ðáng tiếc là bây giờ ông bị thương, không thể dẫn đường.
Ðường rừng ở đó rất hiểm trở, xe mô tô cũng không chạy được. Không còn cách nào khác, anh em đề nghị ông nằm lên võng, dùng đòn khiêng ông đi. Ông vui vẻ đồng ý. Ðơn vị lần từng bước trên đường rừng, từ lúc đúng trưa cho đến 3 giờ chiều mới đến nơi ông chỉ bảo. Tin lời bậc cao niên, cán bộ, chiến sĩ quyết tâm đào tìm. Quả thật, đơn vị đã cất bốc được 8 hài cốt liệt sĩ ở đó.
Lúc này, tinh thần cán bộ, chiến sĩ lên cao, ai cũng vui mừng đến phát khóc, quên hết mệt nhọc, đói khát và trời đã sập tối. Lần ấy, cùng đơn vị đi tìm hài cốt người thân có cô Tư Hồng- nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cô mừng đến nỗi ôm anh em khóc đến ngất xỉu.
Ðại tá Lê Văn Mỹ làm Chính trị viên Ðội K71 từ năm 2001 đến nay, với kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và công tác đối ngoại, anh được Bộ CHQS tỉnh, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh Tây Ninh đặt nhiều kỳ vọng. Chính điều này làm cho anh luôn trăn trở khi địa bàn tìm kiếm quá rộng, bao gồm 6 tỉnh: Kampong Cham, Tbong Khmum, Battambang, Siem Reap, Banteay Meanchey, Oddar Meanchey- trải dài từ Quân khu 2, Quân khu 4 đến Quân khu 5 của nước bạn Campuchia. Khi được hỏi kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, anh Mỹ cho biết, người chỉ huy phải biết quan sát, am hiểu địa hình, quy luật bố trí quân trong chiến tranh. Ví dụ như trạm phẫu thuật hay bệnh xá đặt dưới nguồn nước, nơi chôn cất liệt sĩ phải cách xa nơi đóng quân 800m trở lên… Quan trọng nhất là phải tin vào nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận, tạo mối thiện cảm và đoàn kết. Có như vậy mới nhận được sự giúp đỡ hiệu quả từ phía bạn.
Trung tá Nguyễn Thanh Sang- Trợ lý Dân vận, Chính sách Ðội K71 chia sẻ, Ðại tá Lê Văn Mỹ rất chịu thương chịu khó. Khi làm việc, anh ấy luôn lăn xả cùng anh em, ít khi ở sở chỉ huy mà trực tiếp xuống tận nơi tìm kiếm, cùng căng bạt, ngủ võng chịu nắng mưa. Anh nói được tiếng Campuchia, nên luôn chủ động tìm nguồn tin, có khi nhân chứng đã lập gia đình ở nơi xa gần 100km, anh vẫn tìm đến tận nơi để hỏi.
Anh Sang chia sẻ thêm, có những lúc anh em quá mệt mỏi vì kiếm tìm nhiều ngày không thấy hài cốt. Chính trị viên phải tìm cách động viên để tìm được hàng chục mộ. Lại có lần xác định được vị trí hài cốt liệt sĩ nằm dưới móng nhà của người dân Campuchia, chính trị viên Mỹ mất nửa tháng trời làm công tác dân vận, thoả thuận di dời nhà và đền bù cho người dân, để hài cốt liệt sĩ được hồi hương.
Ðại tá Lê Văn Mỹ đã góp phần đưa hàng ngàn liệt sĩ về đất mẹ và thắt chặt quan hệ giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam và Campuchia. Nhiều năm liền, Ðội K71 được Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh và Bộ CHQS tỉnh khen thưởng. Ðặc biệt, Ðội K71 hai lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì và hạng Ba. Hiện ngành chức năng đang tiến hành các thủ tục để xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho đội.
Riêng Ðại tá Lê Văn Mỹ hai lần được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và một Huân chương Chiến công hạng Nhì, Chính phủ Campuchia tặng Huân chương Hữu nghị; và nhiều bằng khen của các bộ, ngành khác vì những thành tích xuất sắc trong hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của mình.
Quang Huy