Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đâu là “tiếng nói chung” ?
Thứ hai: 11:25 ngày 03/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thâm nhập thực tế ở đâu về, “đụng” chuyện gì không vui sao mà mở máy ra rồi ngồi buồn xo, chưa chịu chạm đến bàn phím vậy đồng nghiệp?

- Tôi vừa mới đi dự khán một phiên xử sơ thẩm ở Toà án về, thông tin mới thu thập cũng có vài điều còn băn khoăn, cho nên…

- À, ra vậy. Toà xử vụ gì thế, nội dung phức tạp lắm sao mà ông cảm thấy băn khoăn?

- Vụ này khá đông bị cáo, tới tám “em” phải ra trước vành móng ngựa. Hầu hết mới mười bảy, mười tám tuổi, chỉ có vài “em” trên dưới tuổi đôi mươi. Vậy mà có hai “em” bị truy tố tội “giết người”; số còn lại phạm vào tội “gây rối trật tự công cộng”.

- Ghê vậy, mới ngần ấy tuổi đầu mà… “giết người” à?

- Ðó, tôi băn khoăn là ở chỗ cái tội danh ghê gớm ấy đó! Tôi còn nhớ mấy tháng trước có một vụ án “giết người”, nội dung, tình tiết gần giống như vụ này, mà số bị cáo trẻ còn đông hơn nữa, khi đưa ra xử phúc thẩm, Toà cấp trên đã tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của Toà cấp dưới, chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát tỉnh để điều tra, truy tố, xét xử lại.

- Thế à, chuyện cũng đáng suy nghĩ đó chớ! Mà nội dung hai vụ ra sao, giống chỗ nào, khác chỗ nào ông nói rõ ràng, cụ thể cho Bàn Dân nắm với, xem có bàn bạc góp ý gì được không?

- Ông có nhớ chuyện năm ngoái, xuất phát từ nguyên nhân “hỏi thăm về bạn gái” mà 9 thanh thiếu niên rượt đuổi một đôi thanh niên nam, nữ bằng xe mô tô, khiến cặp đôi nọ chạy hoảng loạn, lạc tay lái tông vào gốc cây khiến kẻ chết tại chỗ, người bị thương tổn hại cơ thể tới 85% đó không?

- Vụ đó mình còn nhớ, mới xử phúc thẩm hơn ba tháng trước đây mà. Hai người bị rượt té ngã thương vong, những người truy đuổi bị truy tố tội giết người, và bản án sơ thẩm bị huỷ cũng vì có tranh cãi về tội danh ấy. Vụ cũ còn chưa xử lại, nay lại xảy ra vụ mới “y chang” vậy à?

- Hai vụ án cũng chưa hẳn là y chang, mặc dù có những tình tiết khá giống nhau như: Cả hai bên bị cáo, bị hại đều trên dưới đôi mươi, thậm chí có “em” chưa tới 17 tuổi. Nguyên nhân xuất phát cũng liên quan đến các bạn gái, nhưng không phải “ghen tuông” mà là “bênh vực”. Diễn tiến cũng là nhiều người rượt đuổi bằng mô tô khiến cho ba người bị truy đuổi bị lạc tay lái xảy ra tai nạn, kẻ chết người bị thương…

- Vậy còn khác nhau là ở chỗ nào?

- Ở chỗ “mấu chốt” của vấn đề. Cụ thể là hai người bị truy tố về tội “giết người” đã “rượt nà” các bị hại, trên tay họ có cầm dao nhọn và hung khí bằng gỗ. Chính vì bị đánh bằng khúc gỗ nên người bị rượt mới lạc tay lái, đâm xe vào biển báo bên đường, ngã té, khiến một người bị chấn thương sọ não tử vong.

- Như vậy, vụ này gọi là “đuổi đánh” chứ không phải “đuổi theo để… hỏi chuyện” như vụ trước. Cho nên bị cáo mới bị buộc tội giết người?

- Ðúng vậy.

- Vậy thì đâu có gì phải băn khoăn, ông cứ thu thập thông tin thế nào thì đưa tin thế ấy đi!

- Không phải đâu, thật ra là tôi băn khoăn về chuyện, vì sao tội phạm có vẻ như ngày càng “trẻ hoá”, mà hành vi phạm tội ngày lại càng hung bạo, mang tính côn đồ? Nguyên nhân là do đâu, giải quyết như thế nào để ngày càng kéo giảm nó đi?

- Thật ra, chuyện đồng nghiệp đặt ra đã có sẵn câu trả lời. Bàn Dân nghĩ, có phải chăng, nguyên nhân trước hết là ở sự quản giáo con em trong từng gia đình. Kế đến là vai trò của tổ chức đoàn thể theo giới tính, lứa tuổi, hoặc là thêm nhà trường nếu đối tượng còn đi học. Tiếp theo đó là công tác bảo vệ trật tự trị an của ngành chức năng, của cơ quan thực thi pháp luật. Tìm ra được “tiếng nói chung” ở “ba góc” này thì chắc sẽ kéo giảm tội phạm trẻ được thôi!

BÀN DÂN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh