Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chào ông Bàn Dân, kỳ này ông tính bàn, tính viết chuyện gì trên chuyên mục “Chuyện thời sự” của bổn báo vậy?
-Bàn Dân đang nhức đầu, nhức óc, chưa biết viết chuyện gì đây. Tính đi tính lại thì trong tỉnh mình tuần vừa rồi có gì thời sự hơn là thông tin về kỳ họp Hội đồng nhân dân, nhưng mà nội dung, diễn tiến kỳ họp thì báo in, báo mạng, báo nói, báo hình đều đã đăng tải rất nhiều; trong đó các phiên khai mạc, bế mạc, phiên chất vấn, trả lời chất vấn còn được phát trực tiếp trên sóng Ðài truyền hình tỉnh nữa. Thành thử Bàn Dân phân vân chẳng biết bàn chuyện gì, chẳng lẽ lại “nhai lại” nội dung tác nghiệp của đồng nghiệp mình?
-Vậy hả, vậy để tôi gợi ý cho ông nghen! Kỳ SEA Games lần thứ 30 này diễn ra cả tuần rồi, chưa kể môn bóng đá nam, nữ còn thi đấu tưng bừng trước ngày khai mạc nữa. Chẳng lẽ ông “lãnh cảm” đến mức không theo dõi sự kiện thể thao lớn nhất của khu vực các nước Ðông Nam Á hay sao? Nhất là chuyện hai đội tuyển bóng đá nam, nữ của nước ta đều đã vượt qua vòng bảng với vị trí đứng đầu, tiến thắng luôn vô vòng bán kết, rồi có mặt tới trận cuối cùng mà ông cũng không theo dõi à?! Ðặc biệt hơn nữa là riêng với đội bóng nam U22 của chúng ta, đã mười năm “khát vàng” nay mới lọt tới trận chung kết, không phải là chuyện rất đáng bàn hay sao? Ông còn đắn đo gì mà không chịu viết đề tài ấy?
-Ðừng nói vậy chứ đồng chí “sếp trang”! Ông gợi ý hay phê bình Bàn Dân sao mà lên giọng gắt gỏng như vậy? Ðội U22 mình đá bóng hay quá, hấp dẫn quá, thích mê đi, ai mà chẳng theo dõi những bước chạy, cú đá của từng cầu thủ trẻ qua các trận đấu. Nhưng… chẳng qua là tôi nghĩ chuyện đá banh, đá bóng có gì thời sự đâu mà viết chuyên mục bình luận thời cuộc.
-Ông nghĩ vậy là… xin lỗi, dở lắm nghen! Chuyện hoạt động thể thao trên thế giới văn minh hiện đại đâu chỉ là chuyện vui chơi, giải trí hay thư giãn cuối tuần, mà là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
-Thôi thôi ông đừng lên gân, lên giọng nữa. Nếu muốn gợi ý, giúp đỡ đồng nghiệp thì đi thẳng vào vấn đề đi!
-Ừ thì tôi nói ngay đây. Tôi thấy thể thao nói chung, bộ môn bóng đá nói riêng không chỉ là chuyện thi đấu cho vui mà bao hàm trong đó biết bao ý nghĩa sâu sắc. Cho nên người ta mới có những thuật ngữ “triết lý bóng đá”, “nghệ thuật bóng đá”, tâm lý bóng đá” để diễn giải nó…
-Lại quá chung chung nữa rồi.
-Sao mà chung chung? Tôi hỏi thiệt nghen, ông có theo dõi trận bán kết bóng đá nam SEA Games giữa hai đội U22 Việt Nam và Campuchia hôm thứ bảy tuần rồi không? Ông có cảm nhận được hiệu quả việc động viên tinh thần cầu thủ của ông huấn luyện viên trưởng đội U22 nước mình không? Cụ thể là riêng với việc ông đối xử với thủ môn Nguyễn Văn Toản đó.
Trong trận đấu trước, trận cầu “sinh tử” của cả hai đội Việt Nam - Thái Lan. Trong khi chỉ cần kết quả hoà là đội ta vào bán kết, thì chỉ trong 10 phút, đầu thủ môn Toản đã lóng nga, lóng ngóng để cho đội bạn ghi liên tiếp 2 bàn, thấy “chết tới mí mắt”. Thế nhưng, các cầu thủ yêu quý của chúng ta đã vùng lên thật mạnh mẽ, tung 2 quả sấm sét vào lưới đội bạn, lấy điểm số đủ để đội nhà đứng nhất bảng vào đấu bán kết. Thành tích đội ta đáng tự hào như vậy, nhưng dù sao việc thủ môn Toản để lọt lưới 2 bàn cũng thật đáng lo ngại.
Vậy mà khi tham dự họp báo sau trận đấu, ông huấn luyện viên đội nhà vẫn không một lời trách cứ thủ môn. Ông lại còn phát biểu nhận hết trách nhiệm về mình, và khen ngợi toàn đội, trong đó có thủ môn đã thi đấu tốt trong phần lớn thời gian còn lại của trận đấu.
Và đến tối thứ bảy, vào trận bán kết, khi thấy thủ môn Nguyễn Văn Toản vẫn được huấn luyện viên bố trí trong đội hình, người hâm mộ bóng đá nước nhà không khỏi ái ngại, thậm chí “hết hồn” lo sợ lại xảy ra chuyện bắt bóng “lụp chụp” như trận trước.
Thế rồi như ông đã biết đó, trận bán kết cho thấy thủ môn Toản của đội U22 Việt Nam đã khẳng định tài năng của mình. Chẳng những bảo vệ mành lưới suốt trận đấu, mà đến giây phút cuối cùng còn phá được một quả phạt đền của đội bạn, giữ vững kết quả thắng 4-0 của đội nhà. Như vậy theo ông, sự tiến bộ vượt bậc của anh chàng thủ môn ấy là kết quả của cái gì? Có ý nghĩa như thế nào?
-Thì là kết quả của sự bao dung, độ lượng của “bố già huấn luyện viên”, chẳng những đã an ủi anh thủ môn về mặt tâm lý mà còn khơi dậy tinh thần bất khuất, tinh thần Việt Nam. Phải vậy không đồng nghiệp?
-Ðúng thế, ông đừng nói chuyện bóng đá không phải là thời sự nữa nghen!
BÀN DÂN