Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đấu thầu qua mạng: Tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch
Thứ sáu: 18:38 ngày 22/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, Tây Ninh quan tâm thực hiện tốt công tác trong lĩnh vực đấu thầu theo các quy định đấu thầu mới. Trên cơ sở thực hiện theo Luật Đấu thầu và các quy định có liên quan, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, chuyên nghiệp hơn.

Phần lớn các gói thầu đều được đấu thầu rộng rãi theo quy định, được đăng tải thông tin đấu thầu trên trang hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia, bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch, tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Qua đó khuyến khích được các nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực tham gia dự thầu, góp phần không nhỏ vào hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, chống thất thoát, lãng phí.

Giao diện của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo lộ trình áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng tại điểm a khoản 2 Điều 37 Thông tư số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đơn vị đào tạo có đủ điều kiện, năng lực để tập huấn và cấp chứng nhận cho cán bộ thực hiện hoạt động đấu thầu qua mạng của các sở, ngành, ban quản lý dự án chuyên ngành… nhằm bảo đảm kiến thức để tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định.

Tuy nhiên, quy định lựa chọn nhà thầu qua mạng còn mới, năng lực cán bộ phụ trách chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị ở địa phương còn hạn chế, việc các đơn vị đăng tải lên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2016, 2017 chưa được thực hiện kịp thời theo lộ trình quy định.

Đến năm 2018, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng là 72 gói với tổng giá các gói thầu khoảng 174,5 tỷ đồng, tổng giá trị trúng thầu là 154,2 tỷ đồng, tiết kiệm 20,26 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 11,61%.

Trong đấu thầu, lĩnh vực xây lắp có tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng cao nhất (60 gói thầu), chiếm 9,8 % tổng số gói thầu; tiếp theo là lĩnh vực mua sắm hàng hóa (10 gói) chiếm 6,2% tổng số gói thầu.

Theo hình thức lựa chọn nhà thầu, tổng số gói thầu ở 2 hình thức là đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh đều tăng hơn so với năm 2017. Cụ thể, chào hàng cạnh tranh chiếm tỷ lệ cao nhất- 41 gói thầu, chiếm 27,33%; đấu thầu rộng rãi là 31 gói, chiếm 13,36%.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2018 đến nay, tình hình triển khai đấu thầu qua mạng có nhiều thuận lợi nhờ nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc triển khai đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định, cùng với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, tỉnh và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị tư vấn, thi công...  đã quyết liệt triển khai, nâng cao năng lực chuyên môn, cập nhật thông tin, tăng cường nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo quy định; chấn chỉnh công tác thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh, do đó, kết quả thực hiện lựa chọn thầu qua mạng tăng rõ rệt.

Tuy nhiên, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng còn có một số khó khăn, hạn chế khi thực hiện. Việc đấu thầu qua mạng  gặp nhiều thách thức do kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ làm công tác đấu thầu về hệ thống này còn thiếu và yếu, đặc biệt là kiến thức về công nghệ thông tin.

Đồng thời, cách thức đấu thầu còn phức tạp với nhiều loại giấy tờ, văn bản, thông tin mời thầu thiếu rõ ràng; hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện hình thức đấu thầu chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến công tác dự thầu của doanh nghiệp. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chỉ tương thích với Hệ điều hành Windows và trình duyệt Internet Explorer, dung lượng hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu bị hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc đính kèm của các gói thầu xây lắp có nhiều bản vẽ nên gây trở ngại cho người sử dụng khi thao tác trên hệ thống.

Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin về đấu thầu lựa chọn nhà thầu của các chủ đầu tư còn chậm, chưa kịp thời. Đối với địa phương hầu hết là dự án nhóm C và báo cáo kinh tế kỹ thuật, nên việc quy định gói thầu quy mô nhỏ có giá trị 20 tỷ đồng là tương đối lớn, phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn, 1 túi hồ sơ chưa phù hợp, do đó trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu đã gặp nhiều khó khăn trong xét điều kiện năng lực, kinh nghiệm.

Do đó, Sở kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đơn giản hóa các thủ tục, biểu mẫu trong đấu thầu; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Hệ thống phải được mở rộng cho nhiều hệ điều hành, tăng dung lượng đăng tải hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Điều chỉnh giảm giá trị các gói thầu có quy mô nhỏ cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Lợi ích của đấu thầu qua mạng là bảo đảm bí mật hồ sơ thầu nhằm loại bỏ tình trạng thông thầu, "quân xanh, quân đỏ". Theo đó, thông tin nhà thầu tham gia đến trước thời điểm mở thầu được giữ bí mật, không bên nào, kể cả bên mời thầu hay nhà quản trị hệ thống có thể truy cập hay rò rỉ ra ngoài. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.

Ngoài ra, đấu thầu qua mạng còn góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Có thể nói, đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường hiệu quả mua sắm công của Chính phủ thể hiện ở các chỉ tiêu về tăng tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cao, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí đi lại, chi phí in ấn của nhà thầu, bên mời thầu. Khi đấu thầu qua mạng được áp dụng rộng rãi, chi phí xã hội, chi phí doanh nghiệp sẽ giảm nhiều. Nhà thầu không cần phải di chuyển từ Bắc vào Nam hoặc đến các địa điểm xa xôi để nộp hồ sơ dự thầu.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục