Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam:
Đau thương và sức mạnh Kỳ cuối: Ấm tình hữu nghị
Thứ hai: 05:50 ngày 25/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, chính quyền và người dân các tỉnh giáp biên đã và đang kế thừa truyền thống giao hảo đoàn kết, cùng xây dựng đời sống trên tinh thần hoà bình, hữu nghị.

Cuộc chiến biên giới Tây Nam đã trôi vào quá khứ 40 năm qua. Sau khi thoát khỏi hoạ diệt chủng do bọn Pol Pot - Ieng Sary gây ra, đất nước Campuchia đã hồi sinh và đang trên đường phát triển. Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, chính quyền và người dân các tỉnh giáp biên đã và đang kế thừa truyền thống giao hảo đoàn kết, cùng xây dựng đời sống trên tinh thần hoà bình, hữu nghị. Tại các nơi từng xảy ra cuộc chiến khốc liệt cũng đã và đang thay đổi rất nhiều.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân (bìa phải) tặng quà mừng năm mới cho bà Tiến sĩ Men Som On- Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

THẮT CHẶT NGHĨA ANH EM

Trong những năm qua, lãnh đạo, nhân dân tỉnh Tây Ninh và các tỉnh giáp ranh Tbong-Khmum (chia tách từ tỉnh Kampong Cham), Prey Veng và Svay Rieng của vương quốc Campuchia cùng đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao. Hằng năm, vào những dịp lễ, tết truyền thống của hai dân tộc, lãnh đạo các tỉnh đều qua lại, thăm hỏi, chúc tết lẫn nhau.

Trong những lần gặp gỡ đó, lãnh đạo các tỉnh giáp ranh với Tây Ninh đều bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, đã giúp dân tộc Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pol Pot. Các bên luôn tích cực hợp tác bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới; phối hợp, hỗ trợ trong quá trình phân giới cắm mốc; tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh trên đất nước Campuchia; giúp đỡ nhau trong công tác xã hội, y tế, nông nghiệp và giáo dục. Qua đó, góp phần tăng cường tình đoàn kết ngày càng bền vững, cùng nhau xây dựng khu vực biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tây Ninh cũng luôn tăng cường hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới và chính quyền địa phương các tỉnh giáp biên của nước bạn.

Qua đó, quan hệ hai bên biên giới không ngừng được củng cố và phát triển trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hai bên duy trì đều đặn các chế độ toạ đàm, trao đổi thông tin.

Trung bình mỗi năm, BĐBP Tây Ninh và lực lượng bảo vệ biên giới thuộc 3 tỉnh biên giới tiếp giáp tổ chức gặp mặt hơn 300 lần; tổ chức nhiều đợt tuần tra song phương trên đường biên giới chung giữa hai nước.

Thông qua các buổi gặp mặt, toạ đàm, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và luật pháp mỗi nước, hai bên cùng trao đổi, giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ đoạn biên giới chung giữa hai nước theo đúng chức năng và quyền hạn của mình.

Nhờ sự thường xuyên và tích cực ấy, trong những năm gần đây, khi có vụ việc xảy ra trên biên giới, lực lượng bảo vệ biên giới hai nước đã phối hợp chặt chẽ, ngăn chặn, giải quyết chính xác, kịp thời, không gây căng thẳng, phức tạp.

Hai bên còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân vùng giáp biên về các hiệp định, hiệp nghị, quy chế biên giới và thông cáo báo chí đã được 2 nước ký kết, để nhân dân hai bên chấp hành và tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.

Tình đoàn kết, hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước ngày càng được vun đắp qua sự hỗ trợ, giúp đỡ chân thành của BĐBP Tây Ninh dành cho chính quyền và các đơn vị bảo vệ biên giới của nước bạn.

Điển hình như năm 2014, BĐBP Tây Ninh đã hỗ trợ cho Ty Công an tỉnh Tbong Khmum 500 triệu đồng để xây trụ sở mới. Tháng 7.2016, thay mặt Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh đã trao tặng 10 bộ máy tính cho Cục Biên phòng thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân, Quân đội Hoàng gia Campuchia nhằm phục vụ công tác bảo vệ biên giới. Ngoài ra, trong 5 năm trở lại đây, Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh và các đồn biên phòng đã hỗ trợ người dân và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn vật liệu xây dựng, lương thực… với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.

Trong những ngày cuối tháng 8.2017, thực hiện chương trình “Nâng bước các em đến trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, ngoài việc đỡ đầu cho 58  em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 5 huyện biên giới tỉnh Tây Ninh, cán bộ, chiến sĩ thuộc 15 đồn biên phòng còn quyên góp, hỗ trợ cho 15 đồn cảnh sát bảo vệ biên giới nước bạn nhận đỡ đầu 15 em học sinh nghèo Campuchia vùng giáp biên, mỗi suất học bổng trị giá 4,5 triệu đồng.  

Đại tá Lê Hồng Vương- Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh cho biết, thông qua hoạt động đối ngoại biên phòng, lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã đi đến thống nhất trong xử lý những vấn đề có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và giải quyết những bất đồng, tranh chấp từ khi mới phát sinh, không để ảnh hưởng đến hoà bình, ổn định trên khu vực biên giới.

Cùng với công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, công tác đối ngoại biên phòng đã góp phần nâng cao vị thế, giúp BĐBP thực hiện, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.

Đoàn thầy thuốc Tây Ninh khám bệnh từ thiện cho người dân Campuchia.

CUỘC SỐNG MỚI TRÊN VÙNG ĐẤT XƯA

Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi trở lại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, đi qua những con đường, những khu dân cư trước đây 40 năm từng đẫm máu của hàng trăm người dân vô tội trong cuộc chiến tranh phá hoại biên giới do bọn diệt chủng Pol Pot gây ra, và cảm nhận được sự đổi thay sâu sắc trong cuộc sống hôm nay tại nơi đây.

Tại vị trí 11 thầy cô giáo điểm Trường Tân Thạnh, Trường tiểu học Tân Lập bị sát hại, Khu chứng tích tội ác quân Khmer Đỏ Pol Pot- Ieng Sary được xây dựng, bên trong có bia chứng tích ghi tóm tắt diễn biến cuộc xâm lược biên giới Việt Nam của quân Khmer Đỏ và số người thiệt mạng.

Bên cạnh bia có phù điêu khắc hoạ hình tượng nhiều người dân bị thảm sát dưới bàn tay hung bạo của quân Khmer Đỏ. Bia tưởng niệm và danh sách 11 thầy cô giáo bị quân Khmer Đỏ sát hại đặt bên giếng cạn, nơi quân Khmer Đỏ giết chết các thầy cô.

Xung quanh công trình này là cả trăm cây dầu cao, toả bóng râm, che mát toàn bộ khu di tích. Ghé nhà thăm ông Nguyễn Hữu Hạnh- nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập thời bấy giờ, ông cho hay, 40 năm qua ông vẫn thường đến khu di tích này để thắp nhang tưởng nhớ các thầy cô giáo đã bị giết chết.

Hằng năm, vào những dịp hội hè, lễ, tết, nhiều đoàn giáo viên, học sinh, du khách gần xa cũng đến đây cúng viếng hương hồn các thầy cô ngã xuống vì đàn em thân yêu nơi biên giới. 

Tại vị trí Đồn Biên phòng Xa Mát của 40 năm trước- nơi đã có hơn 10 chiến sĩ hy sinh anh dũng trong cuộc chiến chống quân Pol Pot, nay đã được xây dựng bia tưởng niệm với hàng chữ Tổ quốc ghi công. Bên cạnh đó là danh sách 14 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, khắc trên đá hoa cương trang trọng.

Trụ sở Đồn Biên phòng Xa Mát mới được xây dựng khang trang, rộng rãi hơn. Hằng tuần, hằng quý, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xa Mát đều đến bia tưởng niệm thắp hương và tiến hành các sinh hoạt chính trị để nhắc nhở, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm cho các thế hệ bộ đội biên phòng kế tiếp.

Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, cả hai đồn biên phòng Xa Mát và Phước Tân đều vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang”.

Cửa khẩu biên giới Xa Mát nay cũng đã trở thành cửa khẩu quốc tế, được xây dựng hoành tráng, hằng ngày, hàng giờ có rất nhiều xe tải, xe container nối đuôi nhau chở hàng nông sản, hàng tiêu dùng giao thương qua lại giữa hai nước.  

Tuy nhiên, thay đổi rõ nhất ở xã Tân Lập- nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc chiến tranh biên giới, là nay đã đạt chuẩn xã nông thôn mới. Hầu hết các tuyến đường giao thông trong xã đều được tráng nhựa hoặc bê tông xi măng phẳng phiu.

Dọc hai bên đường, nhiều dãy phố, nhiều căn nhà tường khang trang xây dựng kiên cố. Trong đó có nhiều cửa hàng bày bán quần áo, vật dụng, vật tư nông nghiệp, thức ăn, nước uống khá nhộn nhịp. Các công trình phục vụ dân sinh, trường học, trung tâm y tế, chợ, điện thắp sáng cũng được xây dựng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương.

Bộ mặt nông thôn mới của xã biên giới từng gánh chịu nhiều đau thương, tang tóc năm xưa đã thay da đổi thịt, góp phần  tô thắm mối bang giao thắm tình hữu nghị, đoàn kết giữa Nhà nước và nhân dân hai nước.

Đức An - Đại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh