Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đấu tranh chống âm mưu đòi "chuyển đổi thể chế chính trị" ở Việt Nam
Thứ hai: 09:59 ngày 11/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong các thời kỳ lịch sử, nhất là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, với những thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, các thế lực thù địch đã tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam.

Trong đó có âm mưu đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi chuyển đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.       

Sự nguy hại khôn lường của âm mưu đòi “đa nguyên, đa đảng”

Từ bên ngoài, các thế lực thù địch sử dụng một khối lượng khổng lồ các phương tiện thông tin, truyền thông, nhất là sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện các chiến dịch chống phá tư tưởng quy mô lớn đối với Việt Nam. Các thế lực thù địch đưa ra luận điệu: Các cương lĩnh, đường lối cách mạng của Đảng chứng tỏ sự “chuyên quyền”, “độc đoán”, “đảng trị”. Chúng đổ lỗi cho Đảng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế của đất nước so với những nước trong khu vực; từ đó, chúng cho rằng, trong thời đại ngày nay, nếu tiếp tục đi theo con đường XHCN là sai lầm. Chúng “khuyên” chúng ta đi theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện “chính trị đa nguyên”, “đa đảng đối lập”, xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp năm 2013 về hiến định quyền lãnh đạo của Đảng, vì chúng cho rằng “đa nguyên, đa đảng sẽ khơi dậy sự sáng tạo của toàn dân, tốt hơn cho sự phát triển của xã hội”(!).

Đây là một luận điệu hết sức nguy hiểm và thâm độc vì họ cố tình đánh đồng giữa vấn đề đa nguyên, đa đảng với dân chủ và phát triển. Với những người có nhận thức chính trị không vững vàng có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi luận điệu này, từ đó, cổ xúy cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Như vậy, luận điệu “muốn thực sự dân chủ và phát triển”, phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập thực chất là đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải “từ bỏ vị thế lãnh đạo”, “chuyển đổi thể chế chính trị”, với mục tiêu thâm độc là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện “đa nguyên chính trị”, chuyển hóa chế độ XHCN sang các chế độ xã hội khác.

Kiên trì giữ vững “linh hồn, mạch sống” của Đảng

Trong bối cảnh hiện nay, việc nhận diện và kịp thời đập tan các âm mưu, thủ đoạn tinh vi, nham hiểm của các thế lực thù địch, phản động đòi đa nguyên, đa đảng chính là vấn đề cốt tử để bảo vệ tính chính danh, bản chất cách mạng, vị thế, sứ mệnh cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, cần chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị chống phá, bác bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, nâng cao tinh thần cảnh giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời phát hiện, tẩy chay, không tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin, nhất là trên không gian mạng. 

Trên cơ sở đó, thống nhất nhận thức trong toàn xã hội về phương châm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng. Trọng tâm của công tác này là tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội.

Ảnh minh họa / tuyengiao.vn 

Bảo vệ đường lối cách mạng, khoa học của Đảng

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) và trải qua các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng luôn bị các thế lực thù địch về chính trị và ý thức hệ chống phá, xuyên tạc, phủ định. Những năm cuối thập niên 1930, trước sự chống phá của bọn Trotsky, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”. Năm 1939, trong ý kiến gửi các đồng chí ở trong nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Đối với bọn Trotsky, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”(1).

Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, trước âm mưu phủ định CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, đòi chấm dứt vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập của các thế lực thù địch, phản động, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên quyết, dứt khoát bác bỏ những quan điểm sai trái đó, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên trì con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; hoạch định và không ngừng bổ sung, phát triển đường lối đổi mới và thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH”. Thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ, đối với Việt Nam “không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng, đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta”(2).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (1930), Luận cương chính trị tháng 10-1930, Chính cương Đảng Lao động Việt Nam và đường lối cách mạng dân tộc dân chủ là ngọn cờ soi sáng bước đường tranh đấu của dân tộc Việt Nam giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bước đầu xây dựng CNXH; thì Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991 cũng như Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011) và đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình và đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và CNXH, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam": “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”(3).

Điều đó là cơ sở để khẳng định, không có lý do gì để Đảng và dân tộc Việt Nam rẽ sang con đường tư bản chủ nghĩa hay một con đường phát triển nào khác, trao quyền quản lý đất nước cho những thế lực cơ hội, phản động.

Khẳng định nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Thực tiễn lịch sử 92 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho thấy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Điều đó không phải là do mong muốn chủ quan của Đảng, mà chính là sự giao phó của lịch sử, của cách mạng Việt Nam thông qua quá trình sàng lọc, lựa chọn một cách đúng đắn.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trong thế kỷ 20, Đảng đã lãnh đạo toàn thể dân tộc giành được những thắng lợi vĩ đại: 

Một là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-nhà nước dân chủ nhân dân ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc-kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền CNXH. 

Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Ba là, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên CNXH: “Với những thắng lợi giành được trong thế kỷ 20, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá”(4). Với những thành quả đạt được: “Chúng ta tự hào về dân tộc ta-một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta-Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện-một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân”(5).

Đặc biệt, sau hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, quy mô nền kinh tế tăng từ 26,88 tỷ USD năm 1986 lên 271,2 tỷ USD năm 2020; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 182USD năm 1990 lên 2.779USD năm 2020(6). Sau 25 năm (1995-2020), Việt Nam đã làm được kỳ tích, đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô và thu nhập bình quân trên đầu người, tăng 21 hạng về quy mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người trên bảng xếp hạng các quốc gia.

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam 92 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Đồng thời khẳng định một chân lý: “Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(7). 

Như vậy, luận điệu của các thế lực thù địch, phản động cho rằng, đa đảng thì có dân chủ và một đảng thì mất dân chủ, thực ra là một trò “lập lờ đánh lận con đen” nhằm cổ vũ cho việc thiết lập cơ chế đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam. Đề cập đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của phóng viên báo Express Ấn Độ về việc liệu đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có một hệ thống đa đảng, hoặc có các đảng khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc, nhiều dân tộc khác nhau, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất. Và cũng không nhất thiết cứ kinh tế thị trường thì phải đa đảng và ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ(8).

PGS, TS NGUYỄN DANH TIÊN

(Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)  

(1) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2011, tập 3, tr.167.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2007, tập 51, tr.13-14.

(3) Bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tập 60, tr.124.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2016, tập 60, tr.124.

(6) PGS, TS Nguyễn Viết Thông: Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam sau 75 năm giành độc lập, đặc biệt sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

(7) Diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2020).

(8) Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 28-10-2010.

Nguồn QDND

Tin cùng chuyên mục