Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích
Thứ bảy: 09:37 ngày 19/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh được kéo giảm nhưng tình trạng mâu thuẫn dẫn đến đâm, chém gây thương tích vẫn còn xảy ra với tính chất manh động, liều lĩnh hơn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Các đơn vị, địa phương cần triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm.

Huyện đoàn Dương Minh Châu tích cực triển khai mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” tại các ấp trên địa bàn.

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016–2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 531/591 vụ cố ý gây thương tích, giảm 60 vụ, điều tra làm rõ 498 vụ, khởi tố 524 bị can.

Tội phạm cố ý gây thương tích hằng năm được kéo giảm, tuy nhiên, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra 1 vụ đối tượng sử dụng súng gây thương tích.

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đánh nhau gây thương tích vẫn còn diễn biến phức tạp. Đơn cử như năm 2017, chủ yếu các hành vi mang tính tự phát, xuất phát từ mâu thuẫn trong đời sống không được hoà giải dẫn đến xung đột sử dụng bạo lực, sử dụng các loại công cụ, phương tiện từ dao, gậy, đá, chai thuỷ tinh, các dụng cụ dễ cất giấu như: dao bấm, mã tấu, vũ khí tự chế... để giải quyết gây thương tích, thậm chí dẫn đến chết người.

Năm 2018, các đối tượng hoạt động manh động, côn đồ hơn, đi kèm là hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, dùng vật liệu nổ đe doạ dễ dẫn đến phạm tội cố ý gây thương tích. Năm 2019, nổi lên là mâu thuẫn giữa các băng nhóm thanh thiếu niên dẫn đến thanh toán lẫn nhau gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Trong năm 2020, xảy ra các vụ học sinh đánh nhau gây thương tích, các nhóm thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh nhau và 1 vụ sử dụng súng gây thương tích.

Riêng năm 2021, tình hình tội phạm cố ý gây thương tích tuy được kiềm chế, giảm 7 vụ (129/136 vụ) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm trật tự xã hội. Nguyên nhân các vụ việc thường do mâu thuẫn xã hội, thù hằn cá nhân hoặc sử dụng rượu, bia không kiềm chế hành vi dẫn đến gây thương tích cho các bị hại.

Đáng chú ý, các đối tượng có xu hướng trẻ hoá, tụ tập thành từng nhóm thanh niên manh động, côn đồ, sẵn sàng giải quyết các mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống bằng vũ lực, gây rối trật tự công cộng.

Công an bắt và thu giữ nhiều vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Một số ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tội phạm xâm hại sức khoẻ người khác như công tác phòng ngừa xã hội chưa được quan tâm đúng mức.

Mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ người dân chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết dứt điểm, kéo dài dẫn đến hành vi cố ý gây thương tích, giết người.

Sự du nhập của những hình ảnh bạo lực thông qua mạng internet dẫn đến thái độ xem thường sức khoẻ người khác, nhất là bộ phận thanh thiếu niên. Có trường hợp chỉ vì hiềm khích nhỏ, không được can ngăn cũng dẫn đến hành động phạm tội, gây hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.

Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích có hiệu quả, ngoài việc nắm và giải quyết tốt các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, công tác kiểm tra, thu giữ hung khí, vũ khí nguy hiểm được tập trung thực hiện, góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật.

Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, trong năm qua, tình hình an ninh chính trị và trật tự xã hội có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó những khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là các vụ việc sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ để mua bán kiếm lời, gây án, trả thù cá nhân…

Các đối tượng chủ yếu mua vũ khí qua mạng internet, thông qua dịch vụ chuyển phát, giao hàng tận nơi, tiền giao dịch chuyển khoản, nguồn cung cấp chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc, gồm các loại súng săn, gậy ba khúc bằng kim loại, roi điện, dao, kiếm…

Quản lý vũ khí là công tác có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, góp phần ngăn chặn tội phạm, hạn chế tai nạn do vũ khí gây ra, giữ trật tự an toàn xã hội.

Lực lượng chức năng tổ chức tuần tra phòng chống tội phạm, chủ động nắm tình hình và đấu tranh triệt phá. Công an bắt, xử lý 51 vụ, 64 đối tượng, thu giữ 18 súng các loại, 11 gậy sắt ba khúc, 58 vũ khí thô sơ, 4 thiết bị súng tự chế…

Lực lượng chức năng áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm cố ý gây thương tích; kiểm danh, kiểm diện, gọi hỏi, răn đe đối tượng tù tha, gây rối trật tự, tụ tập đêm khuya, có tiền án, tiền sự về tội cố ý gây thương tích; rà soát, thống kê, lập danh sách thanh thiếu niên hư hỏng, thường xuyên tụ tập băng, nhóm có biểu hiện gây rối để phối hợp với gia đình có biện pháp quản lý, giáo dục. Các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích trong thanh thiếu niên.

Cần nâng cao hiểu biết về pháp luật cho thanh thiếu niên trong việc sử dụng các đồ vật có thể gây sát thương cao.

Anh Trần Thạch Cương- Phó Bí thư Huyện đoàn Dương Minh Châu cho biết, công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích là một trong các vấn đề được Huyện đoàn đặc biệt quan tâm.

Việc trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên sẽ giúp các bạn có thêm kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống, tự bảo vệ bản thân, biết kiềm chế cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn bằng thương lượng, hoà giải.

Từ năm 2019 đến nay, Huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo các cơ sở Đoàn phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích và tệ nạn xã hội cho đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh bằng nhiều hình thức đa dạng.

Đơn vị còn ra mắt mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” tại 22 ấp trên địa bàn huyện, thường xuyên nhắc nhở nhau chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, không vi phạm pháp luật, góp phần chung tay cùng chính quyền trong việc đẩy lùi tội phạm cố ý gây thương tích.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động. Mỗi công dân cần có ý thức tuân thủ pháp luật, đừng vì một lúc tức giận, suy nghĩ chưa thấu đáo, sử dụng hung khí gây thương tích lẫn nhau.

Người dân khi phát hiện con em trong gia đình tàng trữ vũ khí thô sơ cần vận động giao nộp cho cơ quan Công an nơi gần nhất để quản lý. Khi có mâu thuẫn nên trình báo với cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết, tránh tình trạng tụ tập đêm khuya dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau.

Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục